song
Khi ChatGPT lấn sân vào hoạt động báo chí truyền thông: Ai là "tác giả"?
Ngày xuất bản: 07/03/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 4957

 Khi sử dụng ChatGPT, một trong những điều mà người dùng ứng dụng này nên biết, đó là giới hạn của việc khai thác nội dung mà ChatGPT cung cấp, dưới góc độ về quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt trong hoạt động báo chí truyền thông.

Quyền sở hữu trí tuệ với nội dung được tạo bởi AI - một thách thức lớn với toà soạn

Theo thời gian, ChatGPT và ứng dụng AI ngày càng được làm sâu, cung cấp thông tin hữu ích, chính xác, được kiểm chứng, có dẫn nguồn và áp dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí truyền thông.

Người dùng sử dụng tính ưu việt của ChatGPT và ứng dụng AI để phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ như tóm tắt nội dung văn bản và tài liệu lớn, tạo câu hỏi với một chủ đề mà người dùng không quen thuộc hoặc đang tìm kiếm những góc nhìn mới, tìm kiếm câu trích dẫn từ một nhân vật nào đó, dùng để đặt tiêu đề bài viết, dịch thuật nội dung bài từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, và các thử nghiệm khác nhau. Điều này giúp tăng năng suất lao động, giảm thời gian tìm kiếm và xử lý thông tin, giảm chi phí và góp phần tăng hiệu quả hoạt động báo chí truyền thông.

 

Sự chào đời của ChatGPT không chỉ đặt ra câu hỏi về quyền sở hữu nội dung mà ứng dụng này tạo ra – của chủ sở hữu ChatGPT, của ChatGPT, hay của người đặt ra câu hỏi. (Ảnh: didongviet.vn)

Tuy nhiên, ChatGPT và ứng dụng AI cũng tạo ra các thách thức cho báo chí truyền thông như: làm thế nào để xác định, loại bỏ nội dung được tạo ra bởi các ứng dụng AI này chứa các thông tin chưa được kiểm chứng, không trích dẫn nguồn gốc, sai lệch; nguy cơ làm rò rỉ thông tin của người dùng (thông tin cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức...) và vấn đề bảo mật thông tin người dùng.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Khổng Quốc Minh - Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Hỗ trợ tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, báo chí thì luôn cần những câu chuyện mới xác thực, những đề tài mới, góc nhìn mới, quan điểm cá nhân, ý thức chính trị và tính chuyên nghiệp của các nhà báo, trong khi đó ChatGPT ứng dụng AI tạo nội dung trên cơ sở tổng hợp thông tin từ các dữ liệu có sẵn, do đó nếu nhà báo cứ lạm dụng các AI này để sản xuất nội dung sẽ dẫn tới sự thiếu đổi mới, sáng tạo.

"Các AI này cũng có thể được huấn luyện có chủ ý với mục đích tạo thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc tạo ra các chỉ dẫn không đúng.. nhằm phát tán thông tin sai lệch, lúc này việc sử dụng nội dung, kiểm duyệt nội dung được tạo ra bởi AI cũng là một thách thức lớn trong hoạt động báo chí truyền thông. Đặc biệt, giải quyết các vấn đề quyền sở hữu trí tuệ đối với các nội dung được tạo bởi các AI này cũng là một thách thức lớn với người dùng, tòa soạn và nhà quản lý", T.S Khổng Quốc Minh cho biết.

Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Khi người dùng đặt câu hỏi cho ChatGPT và ứng dụng AI, nội dung phản hồi của các AI này có thể là đối tượng được xem xét bảo hộ quyền tác giả.

Theo TS. Khổng Quốc Minh, một điều chắc chắn là người dùng không phải là người tạo ra tác phẩm, họ chỉ là người “gợi ý” thông qua việc đặt câu hỏi, và chính các AI này đã trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm đó.

Tuy nhiên, ChatGPT và ứng dụng AI không phải là con người nên một vấn đề được đặt ra là tại thời điểm tác phẩm được tạo ra bởi ChatGPT và ứng dụng AI, nó có được bảo hộ quyền tác giả, ChatGPT và ứng dụng AI có được coi là tác giả của tác phẩm đó không? Ai là người sở hữu các tác phẩm đó, người dùng có thể sử dụng không? Người dùng hoặc chủ sở hữu các AI này có nghĩa vụ pháp lý hoặc giải trình khi sử dụng nội dung do AI tạo ra xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Quyền sở hữu trí tuệ thuộc về ai?

Giả sử ChatGPT đưa ra các câu trả lời đáp ứng tiêu chí của pháp luật sở hữu trí tuệ thì nội dung đó sẽ thuộc quyền sử dụng của ai? Của bản thân chủ sở hữu ứng dụng ChatGPT, của… ChatGPT, hay của người đặt ra câu hỏi?

Hiện nay, không dễ để trả lời câu hỏi này, vì luật sở hữu trí tuệ quốc gia cũng như ở tầm quốc tế đều chưa được cập nhật để giải quyết những tranh chấp liên quan tới AI. Trong khi đó, các quy định hiện hành lại có vẻ như đã lỗi thời và không dễ để áp dụng cho các hoàn cảnh mới mẻ này.

 

Quyền sở hữu nội dung ChatGPT tạo ra thuộc về ai? Hiện nay, không dễ để trả lời câu hỏi này.

Điều này cũng dẫn tới một thực tế là luật mỗi nơi áp dụng một khác, cho dù ngành sở hữu trí tuệ là một ngành luật mà các quy định khá tương đồng ở các quốc gia, dưới sự ảnh hưởng của các hiệp ước quốc tế. Ví dụ như trước câu hỏi về việc công nhận quyền sở hữu trí tuệ của AI, thì thẩm phán ở Trung Quốc cho rằng AI có thể là “tác giả”, trong khi Cục Sở hữu trí tuệ của Mỹ lại… chẳng đồng tình với phương án này.

Theo TS. Khổng Quốc Minh, tác phẩm được bảo hộ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác và mục đích bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả nói riêng là nhằm thúc đẩy các sản phẩm trí tuệ được tạo ra từ hoạt động tư duy, sáng tạo của con người.

Bảo hộ quyền tác giả nhằm trao cho người tạo ra tác phẩm này hoặc chủ sở hữu chúng độc quyền việc sao chép, phân phối và sử dụng chúng. Điều này có nghĩa là chỉ người tạo ra tác phẩm hoặc người đã được sự cho phép của người tạo mới có thể sao chép, phân phối hoặc sử dụng tác phẩm một cách hợp pháp theo những cách nhất định.

ChatGPT và ứng dụng AI được đào tạo, huấn luyện trên một tập dữ liệu văn bản lớn, tự học dựa vào dữ liệu và tương tác với con người và có thể tạo phản hồi theo cách giống con người. Các AI này không có suy nghĩ, sự sáng tạo hay ý thức riêng nên sản phẩm mà chúng tạo ra không được coi là sản phẩm ban đầu của trí óc con người.

"Theo đó, các phản hồi do ChatGPT và ứng dụng AI tạo ra không được coi là sáng tạo ban đầu của tâm trí con người không đáp ứng điều kiện bảo hộ quyền tác giả. Như vậy, ChatGPT và ứng dụng AI không được coi là tác giả, chủ sở hữu các AI này cũng không được coi là chủ sở hữu nội dung được tạo ra, và tất nhiên, người dùng cũng không được coi là tác giả hay chủ sở hữu nội dung phản hồi do ChatGPT và ứng dụng AI tạo ra do trả lời câu hỏi của mình", TS.Khổng Quốc Minh nhận định. 

Sử dụng ChatGPT và ứng dụng AI trong báo chí truyền thông đã thúc đẩy hoạt động báo chí truyền thông phải đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp kỹ thuật sử dụng AI và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng, nâng cao chất lượng, công khai minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều sản phẩm báo chí phù hợp.

Có thể thấy, ở khía cạnh quyền sở hữu trí tuệ, việc sử dụng nội dung được tạo ra bởi ChatGPT và ứng dụng AI có nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là quyền tác giả của người khác và dẫn đến các hậu quả pháp lý. Bản thân Công ty OpenAI cũng tuyên bố, người dùng phải tuân theo giấy phép và điều khoản sử dụng của OpenAI nên khi xẩy ra vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, người sử dụng nội dung là bên chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ pháp lý hoặc giải trình.

Một số chuyên gia cho rằng nội dung mà ChatGPT hay bất cứ ứng dụng AI nào khác tạo ra nên thuộc về “công chúng” (public domain). Điều đó có nghĩa là ai cũng có thể sử dụng và khai thác, nhưng với điều kiện phải trích dẫn nguồn hợp lý.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải