song
Kiến tạo môi trường văn hóa báo chí: Bài 4: Từ sự vào cuộc của Hội Nhà báo Thái Nguyên…
Ngày xuất bản: 04/08/2022 8:16:54 SA
Lượt đọc: 6872

 Sau khi có Hướng dẫn của HNBVN về triển khai phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo Việt Nam”, một số HNB tỉnh đã “vào cuộc” triển khai Phát động phong trào hưởng ứng. Một trong những HNB địa phương triển khai sớm là HNB Thái Nguyên.

Thêm một lần chấn chỉnh…

Chia sẻ về cách thức triển khai phong trào này ở địa phương, nhà báo Nguyễn Bảo Lâm - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên cho biết: Ngay khi nhận được Hướng dẫn của Hội Nhà báo Việt Nam, chúng tôi đã yêu cầu văn phòng phải sớm triển khai để hưởng ứng và lan tỏa phong trào đến các cơ quan báo chí trên địa bàn. Chúng tôi đã họp Ban Thường vụ và các đồng chí trong Ban Thường vụ nhất trí triển khai nhanh, sớm tới các cơ quan báo chí và người làm báo.

Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng được tổ chức với sự tham gia của 6 đơn vị cùng ký chung vào bản cam kết thi đua và trước đó văn phòng Hội cũng đã soạn thảo kế hoạch nội dung cụ thể trên tinh thần 12 tiêu chí mà Trung ương phát động. Cũng tại Hội nghị, BCH Hội mở rộng đã giao cho văn phòng Hội Nhà báo Thái Nguyên xây dựng bảng chấm điểm, Hội đồng chấm… để có những báo cáo cụ thể kết quả với Hội Nhà báo Việt Nam trong các dịp sơ kết, tổng kết hằng năm. 

 

Đồng chí Nguyễn Bảo Lâm - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên trình bày Kế hoạch phát động phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo Việt Nam”. Ảnh: Hoàng Thi.

Nhận thức rõ ý nghĩa của việc xây dựng môi trường văn hóa và người làm báo văn hóa là nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, cán bộ, phóng viên, biên tập viên hội viên nhà báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, cũng như sự phát triển của cơ quan báo chí trên toàn tỉnh…

Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên đánh giá: Việc triển khai đến các cơ quan báo chí, người làm báo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhìn chung ý thức tham gia rất tích cực. Trong bối cảnh phát triển như vũ bão của nền tảng số cùng với những điều đảng viên không được làm, viên chức không được làm, những vấn đề thuộc về đạo đức nghề nghiệp, sử dụng mạng xã hội đối với người làm báo Việt Nam, nay chúng ta có thêm nội dung xây dựng môi trường văn hóa là rất cần thiết.

Ông cũng nhấn mạnh, thực tế, các hội viên, nhà báo đều sử dụng mạng xã hội nhưng có một số hội viên còn phát ngôn chưa chuẩn mực. Nhân việc phát động phong trào thi đua này sẽ thêm một lần chấn chỉnh những phát ngôn, quan điểm, ý kiến, mang tính chất cá nhân, chưa chuẩn mực đó…

Với 12 tiêu chí vừa ban hành, lãnh đạo Hội Nhà báo Thái Nguyên cho rằng đó đều là những điều rất thiết thực đối với hoạt động báo chí. Trong đó có việc đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ”, lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội... Đồng thời, tích cực đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo...

Đối với từng cán bộ, phóng viên, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam... Tận tụy, trách nhiệm với công việc; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách của người làm báo. Nêu cao tính nhân văn trong tác phẩm báo chí cũng như trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác...

Cùng với đó, ứng xử chân thành, thân ái; sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp; khiêm tốn, văn minh trong quan hệ công tác; chuẩn mực, thân thiện với công chúng. Tích cực rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp; thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ…

“Có thể nói, thực hiện được 12 tiêu chí ấy sẽ thúc đẩy và lan tỏa sự tham gia tích cực của các tập thể và từng cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về văn hóa, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức và lòng nhân ái, góp phần xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh…” - nhà báo Nguyễn Bảo Lâm khẳng định.

Cần có cụ thể hóa hơn nữa để tránh mỗi nơi làm một kiểu

Trong việc triển khai phát động phong trào, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên cũng đề xuất thêm rằng, cùng với 12 tiêu chí này, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam nếu có những quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa để các cấp Hội bám sát vào xây dựng thang điểm chấm thì việc thực thi sẽ hiệu quả hơn, tránh tình trạng mỗi nơi làm một cách và việc chấm điểm thi đua sẽ không đồng bộ…

Ông cho rằng: “Việc phát động thi đua với 12 tiêu chí triển khai xuống cấp cơ sở vẫn còn chung chung. Nếu có quy định càng chi tiết thì càng dễ thực hiện, dễ đối chiếu. Như hiện nay, sẽ có tỉnh triển khai như chúng tôi, tức là cùng nhau ký chung 1 bản cam kết, cùng giám sát lẫn nhau, đăng ký lẫn nhau. Nhưng do đặc thù mỗi địa phương và do cách hiểu của mỗi nơi, có thể còn nhiều tỉnh khi thực hiện sẽ ký với mỗi cơ quan báo chí một bản và không có sự thống nhất.

Chính vì vậy, tôi nghĩ cần có quy định cụ thể hơn, tránh tình trạng mỗi nơi một cách, tránh cách làm hình thức. Thậm chí để hiệu quả hơn nữa thì cũng cần thành lập Hội đồng chấm hoặc Hội đồng xử lý…”.

 

Đồng chí Nguyễn Bảo Lâm - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên cùng đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên ký kết giao ước thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí. Ảnh: Hoàng Thi.

Tất nhiên, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên cũng không ít trăn trở rằng, vấn đề văn hóa là vấn đề rất gần gũi, gắn với việc rèn luyện đạo đức của người làm báo… nhưng cũng là vấn đề nhức nhối mà mấy năm qua, trong vòng xoáy cơ chế thị trường, báo chí đã bị giảm niềm tin nơi công chúng từ một số sự việc cụ thể. Ngay như chuyện vừa mới đây, công an bắt ba phóng viên, cộng tác viên ở Cao Bằng chẳng hạn. Sự tha hóa đạo đức ở một bộ phận phóng viên thực sự vẫn đang làm ảnh hưởng tới bộ mặt chung của báo chí nước nhà… Cũng may, tỉnh Thái Nguyên đến nay chưa có tình trạng đó xảy ra, các phóng viên trên địa bàn tác nghiệp rất chuẩn mực, đúng Luật.

Nhưng mới đây, Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên vừa nhận được đơn thư từ người dân phản ánh có phóng viên, cộng tác viên ở Trung ương về Thái Nguyên tác nghiệp và có hiện tượng nhũng nhiễu doanh nghiệp địa phương mà Hội đang phải liên hệ, trao đổi để xử lý… Chính vì vậy, nhà báo Nguyễn Bảo Lâm mong muốn việc triển khai phong trào thi đua này được tổ chức nhanh hơn nữa để tinh thần quán triệt từ Trung ương tới cơ sở quyết liệt và hiệu quả.

Có thể nói, việc triển khai phong trào thi đua “xây dựng cơ quan văn hóa và người làm báo văn hóa” thành công, đi vào chiều sâu sẽ tránh việc các phóng viên, hội viên viết trên báo một đằng, phát ngôn trên mạng xã hội lại một nẻo, tránh được sơ suất nhỏ, hậu quả lớn. Các cơ quan báo chí sẽ đoàn kết, xốc lại đội ngũ của mình, mỗi một thành viên, người làm báo sẽ thấy trách nhiệm của mình trong xây dựng cơ quan báo chí đáp ứng theo đúng môi trường văn hóa vốn có trước đây mà bây giờ đang được kiện toàn, tổ chức lại cho phù hợp…

Theo Báo Nhà báo và Công luận

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải