song
Kiến tạo môi trường văn hóa báo chí Nhà báo Phan Quang: Văn hóa gắn kết trách nhiệm, đạo đức xã hội của báo chí với lương tâm, tay nghề người làm báo
Ngày xuất bản: 02/09/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 7130

 Cách đây mấy thập kỷ, câu chuyện về văn hóa báo chí đã được nhà báo Phan Quang đề cập với những phân tích cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” cùng với 12 tiêu chí về “xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa” đang từng ngày được lan tỏa và trở thành nhiệm vụ trọng tâm của từng cơ quan, đơn vị báo chí, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam. Hành trình tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí sẽ góp phần quan trọng “chấn chỉnh” những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp, nhân lên những giá trị nhân văn trong hoạt động, qua đó động viên, khích lệ mỗi tòa soạn báo phấn đấu trở thành những điểm sáng về văn hóa, người làm báo là hạt nhân văn hóa vì một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.

Thời cuộc xoay vần, Báo chí Cách mạng Việt Nam có nhiều thay đổi ngoạn mục, nhưng theo quan điểm của nhà báo Phan Quang, văn hóa báo chí là một giá trị bất biến, khắc họa nhân cách nhà báo chân chính và kiến tạo bản sắc của cơ quan báo chí trong bất kỳ thời đại nào. Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận có cuộc đàm thoại từ xa về chủ đề này, và được nhà báo lão thành Phan Quang chia sẻ đầy tâm huyết. Ông khẳng định:

Trước khi bàn về câu chuyện xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa tôi muốn nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng phát huy sức mạnh trong khuôn khổ Hiến pháp Việt Nam, các Công ước quốc tế nước ta tham gia và những giá trị phổ cập được loài người thừa nhận.

Đi đôi với phát triển, có một thực tế hiển nhiên nữa là một bộ phận người làm báo chúng ta hiện nay chưa thật ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong thông tin. Khi nhà báo được nhân dân tin cậy, trao cho vũ khí lợi hại là các phương tiện thông tin đại chúng, tức là báo chí được nhân dân ủy thác nắm một quyền năng hùng hậu. Việc sử dụng tốt sự ủy thác ấy trong bất kỳ trường hợp nào, đều phải cẩn trọng, tuyệt đối không khinh suất, không bị chi phối bởi động cơ thấp hèn và lợi ích cá nhân.

Chúng ta có thể vui mừng khẳng định: Cho đến nay, báo chí nước ta chưa từng vì thiếu trách nhiệm hoặc lợi dụng quyền năng mà gây nên bê bối lớn, làm thiệt hại đến lợi ích đất nước. Dù vậy, biểu hiện lạm dụng quyền năng và những hành vi thiếu trách nhiệm của người làm báo không phải không diễn ra ở nơi này nơi khác và ngày càng bộc lộ, khiến nhân dân bất bình. Những sai lầm ấy làm giảm sút uy tín báo chí, xói mòn lòng tin của nhân dân. Thời gian gần đây, xã hội nói nhiều đến đạo đức nghề nghiệp báo chí. Đạo đức luôn biểu hiện qua hành vi cụ thể, có thể kiểm tra, giám sát, chứ không chỉ ở ngôn từ.

 

Nhà báo Phan Quang

Tôi rất mừng là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân đã phối hợp tổ chức, phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí”.

Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng 12 tiêu chí với 6 điểm dành cho cơ quan báo chí và 6 điểm dành cho người làm báo. Công việc này là cần thiết. Dĩ nhiên, không phải bây giờ câu chuyện về văn hóa báo chí, xây dựng môi trường văn hóa mới được chúng ta coi trọng nhưng trong dòng chảy của báo chí, cần thường xuyên vun đắp, cập nhật và phát huy.

Đặc biệt trong bối cảnh nước ta, đạo đức báo chí, văn hóa báo chí về thực chất đòi hỏi mọi hành vi và tác nghiệp của nhà báo phải tuân thủ mấy điều tâm niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng dạy bảo: Báo chí của ai? Làm báo cho ai? Viết báo nhằm mục đích gì?...

Tôi có lần nhấn mạnh báo chí là một bộ phận cấu thành của văn hóa đồng thời là phương tiện thực thi, quảng bá văn hóa. Với sứ mệnh cao cả đó, báo chí hiển hiện trên mọi lĩnh vực, có cống hiến lớn vào sự nghiệp chung của dân tộc, bao gồm sự xây dựng, phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc.

Điều đáng quan tâm là, trong khi các loại hình văn hóa đều thông qua cách tác nghiệp riêng của ngành mình để “làm văn hóa”, tự lưu tự diễn, thì duy nhất có báo chí vừa làm sứ mệnh được giao trên tư cách bộ phận cấu thành văn hóa, vừa chung tay chung sức cùng các loại hình văn hóa khác thực hành tốt sứ mệnh của họ, từ đó góp phần quảng bá, đưa chúng lan tỏa nhanh, rộng trong nhân dân.

Xin lấy một thí dụ: Những kiệt tác về sân khấu, nghệ thuật tạo hình, thậm chí điện ảnh, nếu không có báo chí truyền thông góp sức thì làm sao nhanh chóng lan tỏa rộng khắp như ngày nay?

Các tiêu chí về xây dựng “Cơ quan báo chí văn hóa” mà Hội Nhà báo Việt Nam vừa đưa ra đã phản ánh đúng và bám sát thực tế ấy. Hội chúng ta nhấn mạnh việc nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; nỗ lực góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

Xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác trong cơ quan. Đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ”, lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội. Tích cực đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo…

 

Báo chí tác nghiệp.

Về văn hóa của người làm báo với 6 tiêu chí được tổng kết ngắn gọn, súc tích, trong đó nhấn mạnh: Cần có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng; chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Tận tụy, trách nhiệm với công việc; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách của người làm báo. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nêu cao tính nhân văn trong tác phẩm báo chí cũng như trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

Đưa ra các tiêu chí về “người làm báo văn hóa” chính là thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến người làm báo chí”. Báo chí là văn hóa thì đương nhiên đòi hỏi người làm báo phải có văn hóa, nhà báo coi tác nghiệp của mình là hoạt động văn hóa hiểu theo nghĩa rộng. Chắc chẳng mấy ai dám vỗ ngực huênh hoang ta là “nhà văn hóa”, tuy nhiên về thực chất, có văn hóa là yêu cầu quán xuyến cuộc đời nghề nghiệp của bất kỳ ai đã dấn thân vào nghề báo, văn chương hay nghệ thuật.

Nói “nhà báo - nhà văn hóa” là nói đến tố chất văn hóa nơi người làm báo. Tố chất văn hóa hiểu theo nghĩa nhân văn, không đơn thuần biểu hiện bằng tri thức, học vị, cống hiến, tài năng… cho dù đấy là những phẩm cách không thể thiếu để nhà báo nổi bật.

Trong công việc, tố chất văn hóa người làm báo thể hiện trước hết ở đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo có văn hóa tôn trọng luật pháp, tuân thủ các quy ước của cộng đồng. Trong một bài trả lời phỏng vấn đã lâu, tôi có dịp chia sẻ rằng, phẩm chất quan trọng nhất đối với người làm báo là nhân cách con người. Đấy chính là đạo đức, phẩm giá, lương tâm.

Điều này cần thiết với tất cả các nghề, nhưng nó cực kỳ quan trọng với nghề cầm bút, như đại thi hào Nguyễn Du từng viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Tôi ước mong nhà báo trẻ chúng ta luôn vươn lên, bắt kịp nhịp tiến của thời đại phát triển và hội nhập mà không một phút lãng quên bản sắc dân tộc mình. Đấy không chỉ là ước mong mà thực sự là mục tiêu hàng đầu đối với báo chí, truyền thông. Xa hơn, đối với tất cả những người làm báo chân chính, đó chính là lý tưởng của cuộc đời.

Báo chí không phải là một ngành hoạt động giống y như tất cả mọi ngành, mà nó còn mang tính đặc thù. Báo chí là sản phẩm văn hóa, tinh thần cho dù vẫn chịu sự điều tiết trực tiếp của các quy luật kinh tế thị trường, chính vì vậy tờ báo được xã hội coi là “sản phẩm hàng hóa đặc biệt”.

Đặc điểm nổi bật của nghề báo mọi thời đại, dưới mọi chế độ là người làm báo chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình không chỉ đối với cấp trên (ta gọi cơ quan chủ quản) mà trước toàn xã hội. Một tác phẩm báo chí, dù làm ra dưới dạng nào, quảng bá qua hình thức nào, đều là sản phẩm xã hội. Phải chăng vì vậy Luật Báo chí một số nước có thêm điều khoản họ gọi là “điều khoản lương tâm”.

Văn hóa báo chí biểu hiện cuối cùng ở hiệu quả xã hội của từng tác phẩm, ở cống hiến của từng người làm báo xuyên qua suốt cuộc đời tác nghiệp của họ, ở dấu ấn dài lâu của từng cơ quan báo chí, truyền thông vào tiến trình phát triển chung toàn xã hội.

Mối quan hệ văn hóa - báo chí thường tiềm ẩn, song đấy lại là cái âm thầm khắc họa nhân cách nhà báo chân chính, phân biệt họ với những kẻ lợi dụng báo chí vì mục đích tầm thường. Đó là nhân tố kiến tạo bản sắc của cơ quan báo chí, truyền thông, phân biệt các ấn phẩm tốt với những thứ từ xưa đã bị coi là “báo lá cải”. Đó là một trong số những điều kiện quan trọng nhất hun đúc, kết tinh nên thực chất của một nền báo chí quốc gia.

Việc các cơ quan báo chí chúng ta hôm nay chung tay thực hiện 12 tiêu chí thi đua “Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa” dù không mang ý nghĩa là thiết chế ràng buộc vẫn là sợi dây gắn kết của trách nhiệm, lương tâm và lòng tự trọng nghề nghiệp. Tôi tin từng cơ quan báo chí, từng người làm báo chân chính giữ được lòng son bút sắc, ấy là chúng ta chung tay góp sức giữ gìn giá trị cốt lõi của nghề báo hôm nay và mai sau.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải