song
Kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái (30/6/1945 - 30/6/2016): Đảng bộ tỉnh Yên Bái - Những chặng đường vẻ vang
Ngày xuất bản: 30/06/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 45793

 Cách đây 71 năm - ngày 30/6/1945, Đảng bộ tỉnh Yên Bái được thành lập, đánh dấu bước ngoặt lớn trong phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi trong cuộc cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên quê hương Yên Bái.

Kiên cường trong chiến đấu

Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, những cán bộ cách mạng của Xứ uỷ Bắc Kỳ được cử lên Yên Bái hoạt động và xây dựng được một số cơ sở cách mạng ở huyện Trấn Yên và thị xã Yên Bái. Tháng 10/1944 đến đầu năm 1945 nhiều cơ sở cách mạng được xây dựng phát triển ở các huyện trong tỉnh. Ngày 7/5/1945, chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở thị xã Yên Bái. Do đòi hỏi của phong trào cách mạng, ngày 30/6/1945, Xứ uỷ Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ (tiền thân của Đảng bộ tỉnh Yên Bái ngày nay). Sự kiện thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh đã mở ra bước ngoặt mới cho phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương. Ngày 6/7/1945, lực lượng vũ trang Yên Bái ra đời làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong việc vận dụng, thực hiện đường lối, phương châm, phương pháp cách mạng của Trung ương, của Xứ uỷ hết sức sáng tạo và phù hợp với hoàn cảnh cụ thể ở địa phương, quần chúng nhân dân lao động đã vùng lên lần lượt giải phóng các châu Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên. Ngày 19/8/1945, giành chính quyền ở thị xã Yên Bái.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” kết hợp vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng hậu phương, quân và dân Yên Bái đã đóng góp sức người, sức của, phối hợp với bộ đội chủ lực mở nhiều chiến dịch như Sông Thao (1949), Lê Hồng Phong (1950), Lý Thường Kiệt (1951). Đặc biệt, trong chiến dịch Tây Bắc (1952) đã đập tan hoàn toàn phân khu Nghĩa Lộ, mở thông cánh cửa sang phân khu sông Đà, giải phóng hoàn toàn tỉnh Yên Bái.

Trong cuộc Đông Xuân (1953 - 1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Yên Bái đã chứng tỏ được vị trí của một địa bàn cửa ngõ Tây Bắc, đầu mối các trục giao thông quan trọng. Từ đây, vũ khí và lương thực được chuyển tới mặt trận Điện Biên Phủ góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại này.

Trong khí thế toàn dân thi đua khôi phục kinh tế - xã hội, một niềm vui lớn đối với đồng bào các dân tộc Yên Bái: ngày 25/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn Đảng và Chính phủ về thăm Yên Bái. Đây là vinh dự to lớn, cổ vũ mạnh mẽ các phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Những lời căn dặn chí tình của Người đã động viên, thôi thúc toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân trên địa bàn thi đua phấn đấu vượt lên khó khăn, quyết tâm xây dựng đời sống văn hoá mới, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và không ngừng phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc; Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tích cực khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; thiết lập quan hệ sản xuất mới, tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội mà tiêu biểu là công trình Nhà máy thuỷ điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của ngành thuỷ điện Việt Nam.

Thời kỳ 1954 - 1975, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái làm nên những biến đổi to lớn, xoá bỏ tàn tích chế độ thực dân phong kiến, từng bước xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, văn hoá mới, thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trong 21 năm ấy, Đảng bộ đã lãnh đạo tổ chức phát động các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cho cách mạng miền Nam góp phần cùng quân dân miền Bắc đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Nỗ lực bảo vệ, dựng xây quê hương

Từ năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc Yên Bái theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với đặc điểm điều kiện của địa phương làm thất bại các âm mưu, phá hoại, gây mất ổn định của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc.

Trong những năm 1980 - 1985, tuy phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội tạo tiền đề cho các bước tiếp theo trong thời kỳ đổi mới.

Năm 1986, Đại hội đại biểu Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới đưa đất nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Cùng với toàn Đảng, nhân dân cả nước, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện công cuộc đổi mới.

Sau 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (1991 - 2016), Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quân, dân trong tỉnh cụ thể hoá đường lối của Đảng vào địa phương, phát huy tiềm năng thế mạnh, huy động được các nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh để phát triển kinh tế xã hội, và đã đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng, đưa Yên Bái tiến một bước dài trong quá trình phát triển, cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển.

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Yên Bái đều đạt khá (trung bình 11,33%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 25 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng cao, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,1%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đã dành kết quả khá toàn diện. Công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao. Bước đầu đã hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tạo động lực thu hút các doanh nghiệp, các tập đoàn đầu tư sản xuất. Một số dự án đầu tư nhà máy thủy điện, nhà máy khai thác, chế biến khoáng sản đã hoàn thành đi vào sản xuất có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tỉnh đã khơi dậy, thu hút được nhiều nguồn lực cho đầu tư; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được tăng cường; Hệ thống thuỷ lợi, giao thông, thông tin liên lạc được đầu tư nâng cấp. Nhiều công trình, dự án trọng điểm được khởi công. Đặc biệt tuyến đường cao tốc Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai đã mở ra lợi thế lớn cho sự phát triển của tỉnh trong tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và kết nối ASEAN.

Song song với lãnh đạo, chỉ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ chú trọng công tác xây dựngĐảng trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bình quân hằng năm tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đạt 80,02%, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 87,63%. Các cấp uỷ đã nghiêm túc quán triệt, học tập, tổ chức thực hiện Chỉ thị 03- CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; công tác vận động quần chúng của Đảng. Xây dựng hệ thống chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh. Phát huy vai trò đoàn kết các dân tộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và phát triển tỉnh Yên Bái, tạo niềm tin tuyệt đối giữa nhân dân với Đảng.

Nhìn lại 71 năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Yên Bái từ một tỉnh miền núi nghèo nàn, lạc hậu đã trở thành một tỉnh phát triển toàn diện, được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến.

Trong thời kỳ hội nhập, chắc chắn sẽ có nhiều thời cơ và cũng nhiều thách thức mới, nhưng chúng ta tin tưởng rằng với quyết tâm cao, Đảng bộ tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, xây dựng Yên Bái phát triển toàn diện và bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc của Tổ quốc.

(Bài viết có tham khảo tư liệu trong cuốn Lịch sử Đảng bộ Yên Bái)

Hiền Trang

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải