song
Làm báo ở mặt trận Điện Biên Phủ 70 năm trước
Ngày xuất bản: 26/03/2024 8:18:57 SA
Lượt đọc: 3661

 70 năm trước, ở mặt trận Điện Biện Phủ, các nhà báo, với tinh thần của người trong cuộc đã thể hiện sinh động bản lĩnh, trí tuệ và lẽ sống của những chiến sĩ cách mạng. Mỗi trang viết, mỗi dòng tin, mỗi tấm ảnh ngày ấy đã góp phần làm nên Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trong thế kỷ XX.

 

Bia lưu niệm Tòa soạn tiền phương và Nhà in Báo Quân đội Nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ (xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Nhà báo ra trận

Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, các nhà báo đã tập trung đông đảo ở chiến trường. Báo Cứu Quốc cử các nhà báo Thái Duy và Chính Yên trực tiếp ra mặt trận. Thông tấn xã Việt Nam có Hoàng Tuấn - một "chuyên gia về tổng hợp tin và thông báo chiến sự”. Đài Tiếng nói Việt Nam có phóng viên Nguyễn Nhất. Báo Nhân Dân có Thép Mới và Trần Đĩnh…

Riêng Báo Quân đội nhân dân bố trí hẳn một "tòa soạn tiền phương” tại căn cứ địa Mường Phăng để sản xuất tin bài và tổ chức in ấn, phát hành những số báo "độc nhất vô nhị” trong lịch sử báo chí thế giới. Tòa soạn đặc biệt này gồm 5 người: Hoàng Xuân Tùy, phụ trách chung tờ báo; Trần Cư, phụ trách Thư ký tòa soạn; Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp: phóng viên và Nguyễn Bích, họa sĩ trình bày báo. Trong thời gian 140 ngày đêm, từ ngày 28/12/1953 đến ngày 16/5/1954, "tòa soạn tiền phương” Báo Quân đội Nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ đã in ấn và phát hành 33 số báo. Những số báo này từng được coi là "vũ khí đặc biệt” của Quân đội ta trên chiến trường Điện Biên Phủ thời bấy giờ.

 

Báo Cứu Quốc số đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Theo Đại tá, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân: Ngày ấy phóng viên thiếu thốn đủ đường, máy ảnh không có, chỉ có bút chì và giấy của nhà in, ban ngày đi với các đơn vị chiến đấu, ban đêm dưới ánh sáng đèn dầu bắt đầu ngồi viết lại. Đi ra chiến trường, phóng viên phải đeo bao gạo, đeo súng, đeo cuốc. Gạo chỉ đủ ăn trong 3 ngày đi đường rừng núi, cuốc mang theo để đi đến đâu đào hầm tới đó, vừa làm nơi trú ẩn, vừa là nơi viết báo. Phóng viên tác nghiệp độc lập, một thân một mình lo đủ mọi thứ. Biết được hướng đơn vị đóng quân, tên cán bộ chỉ huy, ký hiệu liên lạc, phóng viên cứ thế mà đi tìm. Càng tiếp cận được nhiều đơn vị, chiến sĩ càng tốt; ít khi ăn đến hai bữa ở một bếp, ngủ đến hai lần ở một nơi. Viết nhanh gọn, súc tích, nhiều khi viết đêm với đèn cơ động bỏ túi bằng lọ mực hay ống tiêm cũ. Làm báo mặt trận đòi hỏi phải rất nhanh và đặc biệt là phải rất chính xác.

Phóng viên phải vượt qua bom đạn xuống đơn vị lấy tin, có bài viết xong, nhất là những bài viết về những tấm gương và kinh nghiệm chiến đấu phải mang bản thảo xuống đọc cho đơn vị và chiến sĩ nghe trước khi lên báo vì sai sót thì rất nguy hiểm. Bên cạnh phóng viên, còn có một "nhà in" đi theo. Gọi là nhà in nhưng chỉ có một vài ba người làm công tác in ấn, báo in xong có một trung đội với nhiệm vụ phát báo cho các chiến sĩ ở mọi nơi, nơi nào xa thì đi phát trước. Việc in là sử dụng các chữ ghép vào với nhau để thành bản in, sau đó quét mực lên và in nhân bản, chờ mực khô, mọi thứ đều rất thô sơ. Trong hầm sâu những bản in đều được làm tỷ mỉ, trau chuốt để không được có bất kỳ sai sót nào. Mỗi số báo được chuyển đến các chiến sĩ ở mặt trận đều thể hiện tâm huyết của những người làm báo chiến trường.

Họa sĩ, Đại tá Phạm Thanh Tâm, nguyên là phóng viên báo Quyết Thắng của Đại đoàn 351 với cấp bậc chính trị viên trung đội là người có mặt từ đầu đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Theo ông Tâm, để có được những thông tin chính xác và cập nhật, ông phải lặn lội đến các trận địa để chứng kiến, ghi lại những gì tai nghe mắt thấy. Sau đó băng đèo, lội suối mất hàng nửa ngày đem thông tin về Sở Chỉ huy để viết bài. Thời đó máy ảnh hiếm hoi lắm nên các bài báo viết xong ông tự vẽ minh họa. Do thời buổi chiến tranh và hành quân liên miên nên cứ lúc nào đủ bài cho hai trang (khổ như tờ A3 in hai mặt bây giờ) là in chứ không có qui định báo ngày hay báo tuần. Mỗi lần như thế ra khoảng 50 tờ thôi, báo được in bằng máy Stencil (dạng in lưới), giấy rất xấu. In xong thì mang theo ra các mặt trận phát cho anh em bộ đội đọc. Cứ thế ông vừa là người viết, vẽ, vừa phụ in ấn và phát hành luôn!

"Vũ khí đặc biệt”

Báo chí đối với mặt trận Điện Biên Phủ ngày ấy là "kênh” thông tin cực kỳ quan trọng, chẳng những cung cấp nhiều tin tức từ hậu phương, những gương chiến đấu dũng cảm, kinh nghiệm đào hầm, làm trận địa mà còn đăng tải những bức thư động viên bộ đội của Bác Hồ, chỉ thị của cấp trên…Tất cả tạo thành món ăn tinh thần vô giá, thúc giục các chiến sĩ giữ vững tinh thần, quyết tâm cho ngày chiến thắng. Đại tá Lê Kim, cộng tác viên tòa soạn tiền phương Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ kể lại, lúc bấy giờ đời sống tinh thần của bộ đội ta còn nghèo nên tất cả trông chờ vào tờ báo này. Do nội dung tờ báo cũng rất phong phú, cả có tình hình quốc tế, có cả thơ trữ tình, thơ vui, thơ châm biếm... nên được anh em rất thích.

Báo chí còn góp phần đắc lực vào công tác chính trị chiến dịch. Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tại mặt trận Điện Biên Phủ là Phó Chính uỷ Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, cho biết: Sau khi sang Lào chiến đấu trở về Điện Biên Phủ thì số báo Quân đội nhân dân đầu tiên ông đọc đã có tin về trận Him Lam, số tiếp theo là trận Độc Lập. Ông nhớ nhất số báo ghi lại lời của Bác: "Các chú sắp ra trận, Bác hôn các chú, chúc các chú thắng to". Chính tờ báo đã giúp ông làm tốt công tác chính trị mặt trận, truyền đạt những chỉ thị của Đại tướng Tổng Tư lệnh đến bộ đội và phản ánh đời sống của bộ đội ở chiến trường...


Số đặc biệt của báo Quân đội nhân dân tại mặt trận chào mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Báu vật

Trong Bảo tàng Quân đội hiện lưu trữ 33 số báo của một tờ báo đặc biệt được biên tập, in ấn và phát hành ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ ghi rõ trên manchette: Quân đội nhân dân - xuất bản tại mặt trận. Trong đó,  ngày 10/3/1954, trước ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, "tòa soạn tiền phương” xuất bản số đặc biệt đăng trên trang nhất Lời kêu gọi của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với tựa đề "Kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân Pháp tại Điện Biên Phủ". Ngay sau khi chiếm được cứ điểm Him Lam, ngày 14/3, báo đã đưa tin chiến thắng giòn giã với tiêu đề "Quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Him Lam”. Ngày 11/5, số báo 147 chạy tít lớn tràn trang nhất: Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam công bố: "Quân ta đã toàn thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ”. Số 148 ra ngày 16/5/1954 là số báo Quân đội nhân dân cuối tại mặt trận, cũng là số báo đặc biệt chào mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Báo ra sáu trang in hai màu có Thư khen của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Bác Tôn Đức Thắng; có Thông báo của Bộ Tổng Tư lệnh, có bài phân tích ý nghĩa chiến thắng của Đại tướng Tổng Tư lệnh, có bài tường thuật trận cuối cùng của Trần Cư và bài tường thuật Lễ duyệt binh mừng chiến thắng của nhà báo Thái Duy. Cuối trang nhất là khẩu hiệu: Chiến dịch Điện Biện Phủ vĩ đại đã toàn thắng!

Báo Cứu Quốc số đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ ra ngày Thứ ba, 11/5/1954 cũng được lưu giữ cẩn thận. Cùng với bài Xã luận (ký tên Cứu Quốc): Đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ- Hãy làm tròn những nhiệm vụ trước mắt: Tiến lên giành những thắng lợi rộng lớn hơn nữa, báo trân trọng đăng Thông cáo của Bộ Tổng Tư lệnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ, cung cấp cho độc giả những thông tin quý: Ta đã toàn thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ: Tiêu diệt hơn 1 vạn 6 nghìn quân tinh nhuệ của địch (trong đó có toàn bộ các cơ quan chỉ huy địch ở Điện Biên Phủ gồm 1 thiếu tướng, 16 quan năm, 1.749 sĩ quan và hạ sĩ quan); Bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại thu toàn bộ xe cộ, vũ khí, kho tàng (trong đó có trên 3 vạn chiếc dù). Báo còn đăng sơ đồ mặt trận Điện Biên Phủ cùng những bài: "Điện Biên Phủ sau giờ Đại thắng lịch sử”, "Vạch mặt bọn vừa đánh trống vừa ăn cướp” (ký tên Giao Lưu), "Bọn phi công địch bị ta bắt sống ở mặt trận Điện Biên Phủ tỏ lòng căm ghét bọn chỉ huy Pháp - Mỹ” và bài ghi chép: "Một đêm chiến đấu trong đường hầm trọng pháo của quân ta ở Điện Biên Phủ” (ký tên Thái Duy). Cuối các trang báo là các khẩu hiệu: Hoan hô các chiến sĩ anh dũng và dân công chiến thắng lớn ở Điện Biên Phủ! Hoan hô các chiến sĩ chiến thắng trên các chiến trường toàn quốc! Hoan nghênh chiến thắng Điện Biên Phủ - Quyết giành những thắng lợi lớn hơn nữa! 

Có thể khẳng định, những tờ báo có mặt ở mặt trận Điện Biên Phủ 70 năm trước còn lưu trữ được là những báu vật. Đây là những chứng cứ quan trọng cho phép khẳng định: Mặt trận Điện Biên Phủ thực sự là một trường học lớn, mà ở đó những người làm báo cách mạng được tôi luyện về ý chí, được nâng cao về trình độ nghiệp vụ và trình độ tổ chức. Mỗi bài viết, mỗi trang báo là những kỳ tích phi thường, thấm đẫm mồ hôi, công sức, thậm chí nước mắt, xương máu của họ.

Theo VOV

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải