song
Lê Tân hương nghe hát Xình Ca
Ngày xuất bản: 11/01/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 33809

“Cụ nìn cụ nín, sưn nìn lài

Táo sự chau mìn, pệc chí sài

Táo sự chau mùn, pệc chí díp

Phông sui chí díp lểnh ai ai…”

có nghĩa là:

“Năm cũ qua đi, năm mới đến

Nhà nhà dán giấy màu xung quanh

Tập tục Cao Lan đâu cũng vậy

Gió đưa lủng liểng sáng long lanh...”

Đó là những lời hát “Xình ca” (Theo phương ngữ, phát âm là Xịnh ca) một thể loại hát ví dân gian độc đáo của đồng bào dân tộc Cao Lan. Từ bao đời nay, trong tâm thức của các thế hệ người Cao Lan, luôn tôn thờ một nữ thánh thơ ca gọi là “Sếnh ca Làu Slam”. Làu Slam có giọng hát ngọt ngào và trong sáng như tiếng chim “Va mầy” đã ứng tác rồi dạy cho người Cao Lan những câu hát Xình ca: Giản dị mà sâu lắng, ví von ước lệ nhưng lại cũng thật gần gũi, ý nhị, chan chứa tình cảm và có thể hát tới ba mươi sáu đêm không hết.

Theo các tài liệu dân tộc học, thì người Cao Lan còn có tên gọi là Sán Chay với số dân khoảng 150.000 nhân khẩu, sống rải rác ở các tỉnh trung du và miền núi phía bắc. Ở Yên Bái, đồng bào Cao Lan có khoảng trên 7000 người cư trú chủ yếu ở xã Tân Hương - huyệnYên Bình, một xã ven Hồ Thác Bà, chạy dọc theo Quốc lộ 70, có tới hơn 1/4 dân số là người Cao Lan. Trong đó có Khe Gày và Khuân La là hai thôn có đông người Cao Lan sinh sống nhất.

Là một dân tộc di cư từ phương bắc vào Việt Nam cách đây khoảng hơn 300 năm, họ sống hoà đồng với nhiều dân tộc khác trên cùng một địa bàn sinh sống, song người Cao Lan ở Tân Hương vẫn giữ được những đặc trưng văn hoá riêng, phong phú và độc đáo.

Nhà truyền thống của người Cao Lan là nhà sàn 3 hoặc 5 gian có từ 1 đến 2 cầu thang lên xuống. Cột nhà làm bằng tre, gỗ và được kê trên đá tảng hay chôn xuống đất tuỳ theo điều kiện và sở thích của chủ nhà. Những vị trí trang trọng nhất trong nhà như gian chính giữa và gian kề bên là nơi thờ cúng tổ tiên và thờ hương hoả theo phong tục của đồng bào. Trang phục của người Cao Lan có phần đơn giản, không thêu thùa nhiều màu sắc, song vẫn giữ được sự hài hòa giữa thiên nhiên núi rừng. Đời sống vật chất của người Cao Lan chủ yếu dựa vào canh tác lúa nước, trồng trên nương, vườn và chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Nghệ nhân Nịnh Quang Thanh đang truyền dạy lại những giai điệu, câu hát Xình ca của dân tộc cho thế hệ trẻ (ảnh: Nguồn Báo Yên Bái)

Tục ngữ Cao Lan có câu “Mời ăn au đáy, mấy căm đáy”. Nghĩa là: Có cái lấy được, nhưng không cầm được, đó là chỉ văn hoá tinh thần. Cùng với văn hoá vật chất, đồng bào Cao Lan còn có kho tàng văn hóa phi vật thể hết sức phong phú và đặc sắc được thể hiện qua lời ăn, tiếng nói hằng ngày và đặc biệt là trong các nghi lễ truyền thống như: Hội đình làng; Lễ hội Đám chay; Lễ hội khai đèn và nhiều lễ thức dân gian diễn ra vào các dịp lễ tết trong năm. Mỗi dịp như thế cũng là không gian lý tưởng cho việc diễn xướng  các bài ca trong thể loại hát “Xình ca” thể hiện một đời sống tinh thần phong phú, khát vọng tình yêu cuộc sống , khả năng ứng đáp tài tình và niềm yêu thích hát ca của người Cao Lan đã bao đời gắn bó bên nhau ở mảnh đất  này. “Xình ca” chính là hồn cốt văn hóa của người Cao Lan.

Khi tiếng chim Va mầy ríu ran trong nắng sớm. Hoa Tùm tè”, xinh xinh đua nở bên lối cỏ còn vương những giọt sương mai và đôi má thẹn thùng hồng như trái “Chau dừn” chín mọng của các sơn nữ với lọn tóc đuôi gà ngang vai, duyên dáng trong bộ trang phục “áo nối” hai màu đỏ - chàm cùng chiếc váy dài kín đáo xanh thẫm sắc núi rừng, làm rộn rịp bước chân của biết bao chàng trai trên đường đi hội ngày xuân, thì cũng là lúc bắt đầu cho những cuộc thi tài hát ví mừng xuân, trao duyên đôi lứa.

Hát “Xình ca” đầu năm mới, xưa kia thường được tổ chức tại đình làng hay nhà riêng và cả ở ngoài đường nơi có không gian tràn ngập sắc xuân, trời đất giao hoà, lòng người rộn ràng bao mong ước. Đây cũng chính là khung cảnh mang đến nhiều xúc cảm nhất cho những cuộc “Xình ca” mà nhân vật trữ tình chính là các chàng trai, cô gái vừa mới qua mười sáu, mười bảy mùa hoa Tùm toè đua sắc. Họ mượn cảnh để làm quen, hỏi thăm về gia cảnh và để tỏ bày tiếng nói của con tim sau cái nhìn đầu tiên đầy xốn xang và e lệ. Để rồi, lòng ngập tràn nhung nhớ, hẹn hò, có cả trách móc, giận hờn và đắm đuối yêu thương. Chàng trai hát rằng :               

                                     ….Trên trời có đám mây vờn nắng

                                         Dưới thung có đóa mẫu đơn xinh

                                        Trăng lên hoa lại càng thêm thắm

                                       Hỏi hoa tên họ để tâm tình …!

                      Cô gái cũng hóm hỉnh và tình tứ đáp lại :

                                      …Tên em là một loài hoa

                                         Họ hàng chẳng có, cửa nhà thì không

                                         Sinh thời từ thuở hồng hoang

                                         Mẹ em là đất, cha em trên trời…

Với lối hát đối đáp theo thể tứ tuyệt như thế, các chàng trai cô gái dần dà hiểu nhau và càng thêm thương mến. Lời hát “Xình ca” dẫn lối chàng trai tới nhà cô gái. Cảm mến tài đối đáp và tình ý của chàng trai, cô gái mời chàng vào nhà để cùng nhau tiếp lời hát ví. Lời hát đầu tiên của chàng trai khi vào nhà cô gái là hát chúc gia đình theo phong tục của người Cao Lan. Để rồi sau đó, những lời hát đầy ý nhị và tình tứ cứ quấn quện đắm say mãi không thôi. Lời chàng trai:

                                Bản Đông hoa đẹp, xin nghỉ lại

                                Hát ví một đêm với hoa hồng!

            Cô gái đáp rằng :

                                Chàng ở bản xa em nhớ lắm

                                Nhớ chàng, em nhớ cả quanh năm.

                                Bao nhiêu vàng bạc em chẳng thiết

                                Chỉ muốn cùng chàng vui hội xuân …

Xình ca Cao Lan không chỉ được diễn xướng trong dịp đầu năm mới, mà còn được hát trong đám cưới và các cuộc vui của cộng đồng. Tại những dịp như thế, cùng với những lời hát chúc phúc cho gia chủ và các cặp vợ chồng mới hạnh phúc may mắn, thì còn có cả những phần hát đối đáp, tỏ tình của các bên nam thanh nữ tú cùng dự cuộc vui:

                                Em ướm hỏi chàng từ đâu tới?

                                Biết rằng chàng vừa đến ngoài sân.

                                Ngày lành, tháng đẹp chàng đã định

                                Xin mời nghe hát mấy lời ca!

 

                                Anh là khách lạ đến từ xa

                                Vui tiệc cưới, biết nhà của em

                                Gồng gồng, gánh gánh mang theo

                                Nào là sính lễ, nào là tình anh….

Có thể thấy, “Xình ca” được hát trong nhiều bối cảnh khác nhau, thể hiện đời sống tinh thần phong phú và khả năng ứng tác của người Cao Lan. Trong bất cứ cuộc hát ví nào, đồng bào Cao Lan cũng luôn dành những lời ca trang trọng nhất để thỉnh mời nữ thánh thơ ca “Làu Slam” về nhập cùng cuộc hát. Bởi họ quan niệm rằng, như vậy họ mới có được sự thông thái và thăng hoa cảm xúc trong từng câu đối đáp và may mắn là tìm được sự đồng cảm của người mà mình muốn trao gửi tâm tình trong cuộc hát ví.

                                Đôi ta cùng hát lời cầu thỉnh

                                Thỉnh mời nữ Thánh hát Xình ca

                                Thánh thi ca Lau Slam đến

                                Lau Slam - tài ứng tác thi ca….

Xình ca với lối hát giản dị mà sâu lắng, chứa chan khát vọng yêu thương cùng mong ước tốt đẹp về cuộc sống. Những câu hát đối đáp, giao duyên có thể hát suốt ba mươi sáu đêm không dứt đã làm nên sự độc đáo, tích hợp giá trị nhân văn sâu sắc và trí tuệ cộng đồng trong văn hóa của người Cao Lan - một dân tộc luôn sống chan hòa giữa thiên nhiên, yêu thích hát ca và giàu khát khao mơ ước.

 Để những câu hát Xình ca vốn đã trở thành men say trong tâm hồn tình cảm của bao thế hệ người Cao Lan gắn bó bên nhau ở mảnh đất này tiếp tục được khơi nguồn chảy mãi, những năm qua, bằng tình yêu và niềm tự hào về truyền thống văn  hóa của dân tộc mình, nghệ nhân Lạc Tiên Sinh, thôn Khe Gày đã dành nhiều thời gian sưu tầm, lưu giữ lại hàng trăm bài hát truyền dạy cho thế hệ trẻ. Cũng chính từ  niềm đam mê và tâm huyết của ông, một đội hát Xình ca đã hình thành nơi mảnh đất này. Đội hát Xình ca thường xuyên luyện tập và tham gia nhiều chương trình giao lưu văn nghệ tại địa phương cũng như các vùng lân cận. Với tâm huyết truyền dạy của nghệ nhân Lạc Tiên Sinh và niềm tự hào về văn hóa truyền thống được khơi dậy, nhiều thanh niên nam nữ ở  thôn Khe Gày - Tân Hương đã thuộc và hát được nhiều chương đoạn trong kho tàng hát ví  - Xình ca vốn phong phú và độc đáo của dân tộc mình. Giờ đây, mỗi dịp tết đến xuân về, lên với Tân Hương - Yên Bình, chúng ta không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp thanh bình, thơ mộng của một vùng quê ven Hồ Thác mà còn được đắm mình trong không gian văn hóa nồng nàn điệu hát Xình ca và say cùng những cuộc hát ví thâu đêm. Khát vọng tình yêu hạnh phúc ngập tràn trong ánh mắt đắm say và tình tứ của các “Báo - Nung” những “Liền anh - liền chị” nơi miền quê núi “Trọng nhau vì nghĩa, mến nhau vì tài”. Những câu hát Xình ca - giản dị mà đằm thắm, đã khắc họa nên  nét sinh hoạt văn hóa độc đáo và riêng có của đồng bào Cao Lan - những con người hồn hậu chất phác, trọng nghĩa tình và  luôn tôn thờ một nữ thánh hát ca  “Sếnh ca Làu Slam” thiêng liêng và ấm áp tự hào trong tâm thức cộng đồng.

 

Thanh Tửu

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải