song
Lễ cúng cơm mới của người Mông Mù Cang Chải - Yên Bái
Ngày xuất bản: 30/07/2020 2:07:42 SA
Lượt đọc: 16248

Vào dịp cuối tháng Chín, đầu tháng Mười hàng năm, khi những triền ruộng bậc thang trải một màu vàng óng như dát vàng trên lưng núi, là thời điểm người Mông Mù Cang Chải bắt đầu vào vụ thu hoạch mới. Trước khi bước vào vụ thu hoạch, đồng bào Mông thường gặt trước một mảnh nhỏ trên thửa ruộng nhà mình để lấy gạo nấu trong lễ cúng cơm mới.

Lễ cúng cơm mới tiếng Mông gọi là “Nào máo blề xa”. Đây là nghi lễ nhằm cảm ơn tổ tiên, trời đất cho mưa thuận gió hòa, tránh được dịch bệnh, gia đình có được vụ mùa bội thu, cả năm no đủ, mọi người khỏe mạnh...

Với người Mông ở Mù Cang Chải, việc chọn ngày tổ chức Lễ mừng cơm mới không phụ thuộc vào một ngày nhất định trong năm mà phụ thuộc vào lúc lúa chín ở từng vùng. Việc tổ chức lễ cúng cơm mới tổ chức đơn giản hay phức tạp tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình, những gia đình có nhiều ruộng, nhiều gia súc trong lễ mừng cơm mới người ta có thể giết trâu, mổ gà, mổ lợn, mời tất cả những người thân trong tộc đến dự và hưởng niềm vui chung với gia đình trong mùa thu họach. Gia đình nào có cuộc sống vừa đủ ăn thì lễ cúng cơm mới thật đơn giản, chỉ cần bát cơm, con gà để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, ông bà cha mẹ.

Ruộng Bậc thang Mù Cang Chải vào mùa lúa chín

Mùa thu, khi những mảnh ruộng bậc thang chuyển sang một màu vàng ruộm, mùa thu hoạch đã tới, là thời gian các gia đình trong bản chuẩn bị tổ chức lễ mừng cơm mới. Trong lễ mừng cơm mới, một thứ không thể thiếu đó là gạo nếp mới gặt để nấu thành xôi dâng cúng tổ tiên. Những hạt thóc căng mẩy vừa mới gặt chưa đem đi xát ngay mà được mang lên bếp để rang. Trong bữa cơm thường ngày, người Mông không bao giờ rang gạo rồi mới nấu xôi. Công đoạn này chỉ được thực hiện khi xôi đó dùng để cúng tổ tiên. Với ý nghĩa, gạo dâng cúng phải được làm thật kỹ, phải có mùi thơm để thể hiện tấm lòng biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên.

Người Mông quan niệm rằng, cúng cơm mới là việc gọi hồn của lúa mới gặt trở về nhà. Mọi người trong gia đình đều tất bật. Phụ nữ trong gia đình thì lo việc giã gạo, nấu cơm, còn đàn ông thì bận rộn với công việc chuẩn bị cho lễ cúng và lo công việc bếp núc, đón tiếp khách. Điều đặc biệt là, các con vật hiến tế lần lượt được giết thịt và nhất thiết phải được làm tại nơi linh thiêng là khu vực ban thờ của gia đình.

Khi đồ lễ chuẩn bị xong mâm cỗ được bày tại gian giữa của nhà, trước ban thờ, lúc này phần việc thuộc về người đàn ông - người chủ gia đình. Chủ nhà bắt đầu cầu khấn, cảm ơn tổ tiên, đất trời đã cho một mùa vàng bội thu. Vừa cầu khấn, ông vừa dùng thìa xúc cơm, canh, các thức ăn có trên mâm cỗ, mỗi thứ một ít đổ ra bàn, chắt một ít rượu với ý nghĩa tượng trưng để ông bà tổ tiên về chứng giám và cùng ăn cơm mới với gia đình.

Bà con đồng bào Mông thu hoạch lúa

Kết thúc nghi lễ, gia chủ cầm thìa cơm và đứng trước cửa chính để mời thần núi, thần nước về ăn cùng. Sau đó, người cúng lễ quay về ngồi bên mâm cúng và ăn mấy thìa cơm, có nghĩa là cùng ăn với tổ tiên cho vui. Sau đó, bày các mâm cỗ mời khách, họ hàng cùng ăn, uống vui vẻ với những lời chúc tốt đẹp nhất. Chỉ sau lễ cúng cơm mới, người Mông mới được sử dụng thóc mới.

Đồng bào người Mông ở Mù Cang Chải rất coi trọng văn hóa dân tộc truyền thống. Do đó, dù đời sống của họ cũng đổi thay từng ngày theo xu hướng phát triển hiện đại, Lễ cúng cơm mới là một nghi lễ quan trọng của họ, nó thể hiện nét văn hóa độc đáo, ngoài ý nghĩa tín ngưỡng còn là dịp để các dòng họ tưởng nhớ những người đã khuất và là dịp để anh em họ hàng hội tụ, biểu thị sự đoàn kết và sức mạnh cộng đồng. Không chỉ có vậy, lễ cúng cơm mới còn thể hiện đạo lý làm người, hướng về cội nguồn tổ tiên, trời đất, ước mong về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, một mùa màng lúa tốt bội thu của những con người nơi rẻo cao này.

G.L

CÁC TIN KHÁC

  • Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Trung đoàn Không quân 921
  • Diễu diễn đường phố: Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc
  • Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái: Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn hóa, văn nghệ.
  • Đoàn giám sát Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam làm việc với Hội Nhà báo Quảng Ninh
  • Đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu Di tích lịch sử, văn hoá Quốc gia Căng và Đồn, thị xã Nghĩa Lộ
  • Chấn chỉnh, xử lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có hiện tượng “báo hóa”: Nỗ lực vì môi trường thông tin lành mạnh - Bài 2: Sở Thông tin & Truyền thông TP. Hải Phòng: Chấn chỉnh bằng cách “phòng xa”…
  • Triển lãm Tranh cổ động chủ đề “Biên giới- Biển, đảo Tổ quốc” và “Yên Bái xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; Ảnh nghệ thuật chào mừng Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật xòe thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
  • Yên Bái dự Hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình năm 2022
  • Nghĩa Lộ bảo đảm chất lượng dịch vụ mùa lễ hội
  • 55 năm Ngày mất nhà báo - liệt sỹ Bùi Đình Túy: Người đầu tiên vinh dự chụp ảnh màu về Bác Hồ
  • 871-880 of 2565<  ...  83  84  85  86  87  88  89  90  91  92  ...  >
    Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải