- Mù Cang Chải - huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của cả nước với 94% đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 91%. Nơi đây từng là “điểm nóng” về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT). Song nay, tình trạng này đã giảm. Đó là nhờ có những cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị.
Các thành viên tham gia Mô hình “Liên gia tự quản không tảo hôn” ở bản Háng Phừ Loa, xã Mồ Dề và cán bộ mặt trận huyện Mù Cang Chải trao đổi nội dung phòng, chống tảo hôn.
Xây dựng Mô hình "Dòng họ tự quản”
Giống như nhiều dân tộc khác, đối với đồng bào Mông, quan hệ cộng đồng trong dòng họ có sự tác động, chi phối mọi mặt đến đời sống từng gia đình, từng thành viên và cũng là nền tảng để xây dựng nên hệ thống tổ chức xã hội của tộc người. Trong cuộc sống, thiết chế dòng họ của người Mông giữ vai trò trong quản lý cộng đồng. Người Mông thường tuân thủ rất nghiêm các lễ nghi, quy định của dòng họ mình.
Nắm bắt được điều này, thực hiện Kế hoạch số 191 của Tỉnh ủy về "Thực hiện thí điểm việc đẩy lùi tình trạng TH-HNCHT tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và xuất nhập cảnh trái phép tại huyện Văn Chấn”, huyện Mù Cang Chải đã vận dụng triển khai thực hiện phương thức "dân vận khéo”, tranh thủ sự ủng hộ của người có uy tín, trưởng dòng họ để xây dựng, nhân rộng các mô hình: Dòng họ tự quản "Không TH-HNCHT”, "Liên gia tự quản không tảo hôn” ở các xã, thị trấn.
Để công tác tuyên truyền, vận động mang lại hiệu quả tích cực, hàng năm, huyện đã tổ chức các hội nghị tập huấn cho chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban mặt trận Tổ quốc (MTTQ) cấp xã, trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư về công tác phòng, chống TH-HNCHT; tổ chức Hội nghị gặp mặt già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để trao đổi, thảo luận nội dung, phương pháp tuyên truyền phòng, chống TH-HNCHT; động viên, khích lệ các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tiếp tục phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết con cháu thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách; pháp luật của Nhà nước, không vi phạm TH-HNCHT...
Ông Giàng Blà Sa - Trưởng dòng họ Giàng tự quản "Không TH-HNCHT” ở bản Dế Xu Phình, xã Dế Xu Phình cho biết: "Trước đây, nhiều gia đình người Mông quan niệm, cho con gái đi lấy chồng sớm là đỡ được miệng ăn, con trai lấy vợ sớm là nhà có thêm người làm, rồi người cùng họ thì không được lấy nhau nhưng khác họ mà là con chú, con bác, con dì thì vẫn lấy được… Bởi vậy, đã xảy ra tình trạng TH-HNCHT làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, giống nòi. Với mong muốn xóa bỏ hoàn toàn tình trạng TH-HNCHT, chúng tôi đã tự nguyện đăng ký thực hiện mô hình "Dòng họ tự quản không TH-HNCHT”.
Theo đó, dòng họ Giàng thường xuyên thực hiện rà soát các gia đình trong dòng họ sống tại bản có con cháu trong độ tuổi xây dựng gia đình để tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong tổ chức cưới hỏi; động viên con cháu chủ động tìm hiểu kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên. Đối với những bạn trẻ đã đủ tuổi kết hôn thì tuyên truyền, vận động tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; chủ động khám sức khỏe tiền hôn nhân…
Song song với tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, các dòng họ tự quản "Không TH-HNCHT” còn tổ chức cho các gia đình ký cam kết không TH-HNCHT; biểu dương, khen thưởng những gia đình, cá nhân có thành tích trong thực hiện; xử phạt, kiểm điểm những gia đình vi phạm và nếu cố tình tổ chức đám cưới tảo hôn thì sẽ không có ai đến dự.
Hội viên phụ nữ xã Chế Cu Nha tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình.
Anh Mùa A Chống - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận, Trưởng ban điều hành Mô hình "Liên gia tự quản không tảo hôn” ở bản Háng Phừ Loa, xã Mồ Dề chia sẻ: "Chúng tôi lựa chọn những hộ gia đình có con trong độ tuổi xây dựng gia đình làm nòng cốt trong triển khai thực hiện mô hình. Thông qua các buổi sinh hoạt đã giúp các hộ hiểu rõ những ảnh hưởng, hệ lụy của TH-HNCHT. Do đó, rất tích cực tuyên truyền, giảng giải cho con cháu. Đồng thời, động viên, khích lệ con em tích cực học tập, lao động sản xuất; tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong đời sống”.
Hiện tại, huyện Mù Cang Chải đã thành lập được hơn 40 mô hình Dòng họ tự quản "Không TH-HNCHT” ở các xã, trong đó có nhiều dòng họ đã thực hiện rất tốt như: dòng họ Giàng A, dòng họ Giàng B ở bản Khao Mang, xã Khao Mang; dòng họ Mùa ở bản Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông; dòng họ Thào ở bản Xua Lông, xã Nậm Khắt; dòng họ Lý ở bản Sẻ Sang, xã Cao Phạ…
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
Thực tế cho thấy, vấn đề TH-HNCHT ở Mù Cang Chải đã tồn tại khá lâu và qua nhiều thế hệ nên để giúp đồng bào thay đổi tư duy, nhận thức trong "một sớm, một chiều” là điều không dễ gì thực hiện được. Ngoài ra, nếu chỉ tập trung tuyên truyền, vận động một cách đơn thuần, đơn lẻ thì kết quả mang lại cũng không cao, không có tính bền vững, triệt để.
Do đó, huyện Mù Cang Chải đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, phát động thi đua đăng ký bản, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; gia đình văn hóa, dòng họ, cộng đồng không TH-HNCHT; đưa chỉ tiêu thực hiện phòng, chống TH-HNCHT thành chỉ tiêu phấn đấu thực hiện của huyện trong từng năm...
Đồng chí Khang Thị Mào - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mù Cang Chải cho biết: "Cùng với thành lập Mô hình "Dòng họ tự quản”, "Liên gia tự quản” không TH-HNCHT, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội còn phát động Cuộc vận động "Nói không với tảo hôn”; phối hợp với cấp ủy, chính quyền cùng cấp nắm tình hình tư tưởng trong nhân dân; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; lồng ghép việc tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ không TH-HNCHT vào các hoạt động: giao lưu văn hóa, văn nghệ, lễ hội, hòa giải ở cơ sở, các phong trào, cuộc vận động do Trung ương, tỉnh, địa phương phát động. Đồng thời, tăng cường giám sát tại cộng đồng dân cư để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm”.
Cùng tham gia phối hợp tuyên truyền, hàng năm, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Mù Cang Chải đều biên soạn nội dung tuyên truyền phòng, chống TH-HNCHT bằng 2 thứ tiếng (Việt - Mông) phát trên hệ thống loa phát thanh và trên hệ thống loa di động; phối hợp xây dựng tiểu phẩm để tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa.
Về phía Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường đưa nội dung giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, giáo dục pháp luật vào một số tiết học và hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Về phía Phòng Văn hóa - Thông tin thường xuyên phối hợp với Phòng Tư pháp tham mưu, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn trong việc xử lý các trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, vi phạm TH-HNCHT.
Theo đó, kể cả đối với những trường hợp là đảng viên nếu để con, cháu vi phạm tảo hôn thì cũng sẽ bị xử lý kỷ luật và không được đưa vào quy hoạch, cơ cấu vị trí lãnh đạo. Để góp phần nâng cao trình độ dân trí, cải thiện đời sống nhân dân, đẩy lùi và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là tình trạng TH-HNCHT, huyện Mù Cang Chải đang tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; lồng ghép triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số như: Đề án xóa mù chữ cho phụ nữ dân tộc thiểu số; Kế hoạch giảm nghèo bền vững hàng năm…
Nhờ có những cách làm hay, sáng tạo và sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị nên đến nay, tình trạng HNCHT trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã không còn; tình trạng tảo hôn đã giảm mạnh qua từng năm. Nếu như năm 2019, toàn huyện có 90 trường hợp tảo hôn; năm 2020 có 47 trường hợp tảo hôn; năm 2021 có 27 trường hợp tảo hôn và đến năm 2022 chỉ còn 24 trường hợp.
Đây là kết quả rất đáng khích lệ để huyện Mù Cang Chải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống TH-HNCHT, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sớm ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước trong thời gian sớm nhất.
Theo Báo Yên Bái
CÁC TIN KHÁC