song
Mấy suy nghĩ về: Ngôn ngữ báo chí thời hội nhập
Ngày xuất bản: 23/05/2018 1:44:06 SA
Lượt đọc: 36328

 Chúng ta không khó để nhận ra rằng, khi truyền thông trở thành truyền thông đa phương tiện như hiện nay, ngôn ngữ báo chí trở nên phong phú và hết sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, người nghe, người xem rất mạnh mẽ. Nó hấp dẫn và lôi cuốn đến mức như không thể rời các phương tiện ấy dù chỉ trong chốc lát.

Ngày nay, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, ngôn ngữ Việt không ngừng được bổ sung, phát triển để diễn tả, thể hiện tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân. Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy trong các tác phẩm báo chí ngôn ngữ trở nên đa dạng và phong phú. Nếu trước đây, ngôn ngữ truyền thống của các loại hình báo là văn tự, hình ảnh tĩnh, âm thanh, thì ngôn ngữ trong các tác phẩm báo chí đa phương tiện ngày nay được tích hợp rất đa dạng. Đi liền với ngôn ngữ truyền thống còn có đồ hình, đồ hoạ, có video, audio, hình ảnh động; các tờ báo mạng có khả năng tích hợp tất cả các loại hình báo chí khác nhau như văn tự, hình ảnh tĩnh, hình ảnh động, tiếng nói, âm nhạc, tiếng động, đồ hình, đồ hoạ...

Trong điều kiện truyền thống có nhiều phương tiện do công nghệ và kỹ thuật tiên tiến đem lại, chúng ta không khó để phát hiện ra rằng, xã hội đang hình thành hai hệ thống tín hiệu ngôn ngữ khác biệt nhau đó là ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ tin nhắn trên mạng di động, ngôn ngữ thường nhật trong đời sống nhân dân và dòng ngôn ngữ của phương tiện truyền thông truyền thống.

Dòng ngôn ngữ mạng phát triển theo hướng ngày càng đơn giản, sinh động, thú vị, hướng tới sự mới lạ, nhiều từ mới, khái niệm mới, ký hiệu mới... có xu hướng lan rộng một cách nhanh chóng. Dòng ngôn ngữ này cho dù không qui phạm, không khoa học nhưng chúng lại rất được ưa chuộng, nhất là tầng lớp thanh niên. Những kênh truyền thông tự phát tuy không được coi là kênh chủ đạo, nhưng tốc độ truyền bá rất nhanh, khả năng bao phủ rất rộng, sức ảnh hưởng rất lớn.

Trái ngược với dòng ngôn ngữ báo chí truyền thông rất chững chạc, chuẩn xác, nhưng lại ít cải tiến và sáng tạo. Nhiều chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước rất sáng tạo và mới mẻ, nhiều điển hình tiên tiến rất sinh động, nhiều chủ trương, đường lối, chính sách được quần chúng vận dụng vào thực tiễn rất phong phú, nhưng qua báo chí đôi khi trở nên khô cứng, sáo mòn, dập khuôn làm cho tính ưu việt vốn có của thông tin bị giảm sút, tính thuyết phục không cao. Một tờ báo, một tạp chí hay phải là một tờ báo, một tạp chí có chất lượng thông tin cao, ngôn ngữ mới mẻ và phong phú, phù hợp với nhu cầu thông tin của quần chúng, tự thân nó có tính dẫn đường, định hướng dư luận một cách đúng đắn, được độc giả, thính giả chủ động đặt mua, tự đọc, tự xem, tự nghe. Nếu làm không tốt, nội dung khô khan, sáo rỗng, dài dòng, vô vị thì người tiêu dùng vẫn có thể đặt mua nhưng không đọc, loại báo chí ấy vẫn được phát hành nhưng không có độc giả thực sự, hoặc “ai viết thì người ấy đọc”, “viết ai thì người ấy đọc”.

Việc truyền bá thông tin phải lấy giá trị thực của thông tin làm tiêu chí hàng đầu. Khi đưa tin về hội nghị, hội thảo hay các bài phát biểu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, mấu chốt phải là phản ánh được những thông tin có giá trị nhất. Hiện nay các thông tin về hội nghị, hội thảo dài lê thê, không ít kênh truyền thông thường trích dẫn lại các văn kiện mà không tìm ra trong ấy đâu là thông tin có giá trị nhất, mới mẻ và sáng tạo nhất để đưa đến công chúng. Người làm báo không bao giờ chỉ là người thư ký đơn thuần, lại càng không phải là những cỗ máy sao chụp lại văn bản một cách vụng về. Dó đó người làm báo cần dành nhiều thời gian, trang viết hướng tới cơ sở quần chúng.

Hiện nay ngành truyền thông đang diễn ra cuộc cạch tranh rất gay gắt. Trước hết là cuộc cạnh tranh thầm lặng nhưng không phải là không quyết liệt giữa báo mạng và báo chí truyền thống như báo giấy, phát thanh, truyền hình và giường như ưu thế thuộc về báo mạng. Chúng ta phải thừa nhận một thực tế hiển nhiên là, trước đây cũng như hiện nay báo chí truyền thống, nhất là báo chí chính thống có vai trò, vị trí quan trọng trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá của đời sống xã hội. Những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, luôn luôn lấy lợi ích của Đảng, Nhà nước, của nhân dân, của đất nước làm mục tiêu phấn đấu nên được độc giả, quần chúng tin cậy. Nhưng ngày nay, trong cuộc sống hiện đại con người luôn luôn bận rộn không có nhiều thời gian để đọc, để xem, để nghe những thông tin dài dòng với ngôn từ sáo mòn, khô cứng, rập khuôn. Do đó đòi hỏi báo chí truyền thống phải đổi mới cả nội dung, hình thức cho phù hợp với thực tiễn muôn màu muôn vẻ, đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, ở mọi lúc, mọi nơi. Công chúng tìm đến với truyền thông trước hết là để săn tìm tin tức, ai thông tin mới nhất, nhanh nhất thì người đó chiến thắng và dành được quyền dẫn dắt dư luận. Nhưng đó phải là thông tin có giá trị cao, chân thực, khách quan, rõ ràng giữa đúng và sai, thật và giả, điều đó chỉ có thể báo chí truyền thống và chính thống là làm được, bởi báo mạng có thể lan truyền đi với tốc độ rất nhanh, nhưng lại vượt ra ngoài tầm kiểm soát nên thông tin thường là một mớ hỗn độn, đủ thứ không biết đâu là giả, đâu là thật và không hiếm thông tin bịa đặt, vu khống, kích động, nhảm nhí khiến độc giả luôn luôn nghi ngờ. Báo mạng đang gây nên một tâm trạng là người ta bực bội muốn ghét bỏ nó vì bên cạch nhưng tin tức chân thật lại có cả những tin giả mạo, bịa đặt, kích động, chia rẽ, nhưng rồi lại thấy bỏ nó cũng không dễ vì nó nhanh, nhạy, có tính bao quát rộng.

Gần đây cũng đang xuất hiện một dòng ngôn ngữ thứ ba, đó là ngôn ngữ pha tạp, không có qui chuẩn và khoa học, đang làm mất dần đi sự trong sáng của tiếng Việt. Xin trích dẫn một đoạn tin: “Mới đây trên Facebook xuất hiện clip ghi lại ảnh độc đáo của một quán phở ở phường Hồng Hà thành phố Yên Bái... Một thực khách vào quán, cô chủ cầm ipad order một lúc sau hai bát phở nóng hổi tự động chạy đến trước khách hàng rồi dừng lại, rất độc đáo. Hoá ra order trên ipad 1, cái ipad 2 trong bếp nhận kết nối với bluetooth và ipad trong bếp, đều sử dụng công nghệ tự động hiện đại”. Vậy order là gì? Mà được nghe hoặc đọc rất nhiều  trên báo mạng, báo in, trên truyền hình. Biết rằng order được dùng nhiều trong các trường hợp. Trong bản tin trên order được dùng trong trường hợp là động từ thì order là: ra lệnh - gọi - đặt hàng. Như vậy từ ngữ tiếng Việt có đủ để thay thế cho những từ ngữ nước ngoài trong bản tin trên. Chưa đến nỗi từ vựng tiếng Việt quá thiếu mà phải dùng đến ngần ấy từ ngữ nước ngoài trong một mẩu tin ngắn.

Trên báo mạng, báo in, truyền hình cũng đã sử dụng rất nhiều từ ngữ nước ngoài như: “Những Hotgirl được thăng tiến thần tốc ... Hotgirl chân dài... sau một đêm staus đã vượt 1000 like”... Không phải công chúng ai cũng thành thạo các ngoại ngữ, nên thật khó hiểu những từ ngữ nước ngoài. Có lần tra tìm Hotgirl là gì? Thì nhận được câu trả lời: không thể định nghĩa Hotgirl là gì. Ở đây Hotgirt được hiểu là nổi tiếng nhưng có Hotgirt sắc đẹp, có Hotgirt tài trí... cho dù công chúng có thông thạo nhiều ngôn ngữ đến đâu cũng có nên pha tạp từ ngữ trên các trang báo, trên truyền hình như vậy không? Chúng ta cũng đã có những qui định việc sử dụng từ ngữ nước ngoài phải phiên âm, phiên dịch ra tiếng Việt. Nhiều nước bên cạnh chúng ta, họ đã hội nhập quốc tế sớm hơn chúng ta vài chục năm  nhưng xem trên sách báo của họ tuyệt đối không thấy bê nguyên si chữ nước ngoài vào trang báo, trên kênh truyền hình như nước ta.

Đến thăm tờ Băng - cốc Post của Thái Lan hỏi ra thì họ cho xem một tờ báo chữ Thái không có pha tạp chữ nước ngoài và một tờ chữ Anh riêng biệt để phục vụ cho những người thông thạo chữ Anh. Cũng ở ngay Trung tâm thủ đô Băng - Cốc có một tấm biển hiệu lớn đề chữ Thái: Bộ tư lệnh phòng chống ma tuý. Bên dưới những dòng chữ Thái cỡ lớn là những dòng chữ Anh nhỏ hơn. Báo Nhật, báo Hàn Quốc xem cũng không thấy có cách viết pha tạp như chúng ta. Tên nước ngoài được phiên âm, phiên dịch tiếng và chữ của nước họ.

Ngôn ngữ trên báo chí hiện nay, không chỉ pha tạp với chữ nước ngoài mà ngay một số chữ và nghĩa tiếng Việt cũng sử dụng tuỳ tiện và sai lệch. Trên nhiều tờ báo, trên kênh truyền hình quốc gia thường thấy xuất hiện cụm từ “Mẹ Việt Nam anh hùng”, “Thập kỷ”, “ Người chưa đến tuổi vị thành niên”... Xin được nói, viết như thế, nói như thế không chỉ là tuỳ tiện, thiếu chuẩn mực mà sai lệch. Làm gì có “Mẹ Việt Nam anh hùng” mà chỉ có “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, đó là danh hiệu vẻ vang của Nhà nước dành để trao tặng cho những người mẹ có những cống hiến đặc biệt cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập chủ quyền của quốc gia hoặc là bà mẹ được phong tặng danh hiệu anh hùng (trong lực lượng vũ trang hoặc trong thời kỳ đổi mới). Còn cụm từ “Thập kỷ” cũng xin được nói rằng, theo âm Hán - Việt thì thập niên là mười năm, nhưng trong tiếng Việt ngày nay nhiều người cứ thích dùng từ “thập kỷ” cũng ý nói là 10 năm (Ví dụ: Thập kỷ 90; hơn 5 thập kỷ Mỹ bao vây cấm vận Cu - Ba...). Nói thập kỷ là sai vì thập kỷ theo từ Hán là 120 năm. Các nhà nghiên cứu đã tra cứu các từ điển Khang Hy; Từ Hải; Học sinh Cổ Hán; ngũ từ điển thì đều giải thích KỶ là đơn vị đo thời gian bằng 12 năm. Trong danh mục đơn vị đo thời gian của Việt Nam cũng không có ghi đơn vị thập kỷ. Vậy mà nhiều người, nhiều tờ báo, kênh truyền hình cứ thích dùng từ thập kỷ để thay cho 10 năm hoặc thay cho từ Hán - Việt là thập niên. Còn ví dụ chưa đến tuổi vị thành niên là nói ngược.

Người ta vẫn thường coi báo chí là tấm gương về sử dụng ngôn ngữ. Bởi lẽ, ai cũng biết: Mất bản sắc văn hoá, mất ngôn ngữ của dân tộc mình là mất độc lập, mất chủ quyền quốc gia. Hơn 1000 năm bị phong kiến phương bắc xâm lược và đô hộ; gần 100 năm là thuộc địa của Pháp nhưng chúng ta không bị đồng hoá, ngôn ngữ văn tự Việt cứ tồn tại, chúng ta chỉ vay mượn, bổ sung những từ còn thiếu để làm cho ngôn ngữ Việt phong phú hơn lên, do đó chúng ta mới không bị mất nước, mất chủ quyền dân tộc.

Nếu cứ tồn tại và phát triển dòng ngôn ngữ pha tạp như hiện nay không biết ngôn ngữ Việt sẽ đi đến đâu. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm của các cấp, các ngành nhưng trước hết và trên hết là của báo chí.

Hải Đường

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải