song
Mở rộng cơ hội việc làm cho người lao động Yên Bái
Ngày xuất bản: 06/11/2023 2:04:42 CH
Lượt đọc: 5014

  - Xác định tăng cường giải quyết việc làm sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, những năm qua, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn tham quan các gian trưng bày, giới thiệu việc làm tại Ngày hội việc làm năm 2023 kết nối doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động.

Đa dạng lĩnh vực việc làm

Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 3.231 doanh nghiệp, tạo việc làm cho trên 48 nghìn lao động, tập trung chủ yếu vào các ngành nghề như: may mặc, khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản... 

Nhằm giải quyết việc làm gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, ngoài các giải pháp thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh còn đẩy mạnh hoạt động kết nổi thông tin thị trường lao động, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các hội nghị, phiên giao dịch việc làm nhằm hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. 

Kết quả mỗi năm, tỉnh giải quyết việc làm từ 20.000- 22.000 lao động. Trong đó, cung ứng lao động của tỉnh đi làm việc tại các khu công nghiệp thuộc các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng... chiếm khoảng 37,8%. Kết quả khảo sát về nhu cầu lao động của tỉnh Yên Bái đi làm việc ở các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế ngoài tinh bình quân hàng năm từ 8 - 9 nghìn lao động, chủ yếu ở các lĩnh vực: điện tử, lắp ráp linh kiện, chế tạo, may mặc...

 

Yên Bái hiện là một trong những tỉnh có nguồn nhân lực trẻ và dồi dào với dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 60%.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, giáo trình đào tạo, đội ngũ giáo viên, giảng viên đáp ứng ở cả 3 cấp trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp, cơ bản đáp ứng theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động với các ngành nghề đào tạo thế mạnh như: nhóm ngành kỹ thuật (điện, điện tử, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, hàn, gia công thiết kế sản phẩm mộc...), lĩnh vực thương mại, dịch vụ điều dưỡng, du lịch...

Ông Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: "Hàng năm, tỉnh Yên Bái tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 19.000 người, trong đó đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp trên 4.200 người. Công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo hết năm 2022 đạt 66,1%, trong đó, tỷ lệ lao động được cấp văn bằng, chứng chỉ đạt 34,9%. 

Đào tạo nghề đã góp phần cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, hàng nghìn lao động sau khi học nghề đã được tuyển dụng vào các doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp ngoài tỉnh; nhiều lao động tham gia xuất khẩu lao động tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao năng suất, tạo việc làm, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương theo hướng hiệu quả, bền vững”.

Kết nối cung - cầu lao động

Nhằm đẩy mạnh kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh với các tổ chức, doanh nghiệp, qua đó đẩy mạnh kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, tạo diễn đàn giữa ba nhà "Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” để cùng trao đổi và hợp tác đào tạo, giải quyết việc làm sau đào tạo, tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Ban Quan lý Khu Kinh tế Hải Phòng tổ chức Hội thảo Hợp tác đào tạo và giải quyết việc làm giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái với các tổ chức, doanh nghiệp. 

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp Hải Phòng đã đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Yên Bái và mong muốn thông qua Hội thảo sẽ mở ra cơ hội hợp tác hiệu quả. 

Ông Ko Tea Yoon - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng, Giám đốc Công ty TNHH Heesung Electronics Việt Nam chia sẻ: "Với nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo bài bản, tôi hi vọng tỉnh Yên Bái sẽ có thêm nhiều chương trình xây dựng cho sinh viên để giúp họ trở thành công dân toàn cầu, trở thành người có ước mơ, hoài bão để có thể làm việc ở nhiều địa phương khác ngoài tỉnh. 

Tôi cũng đề xuất tỉnh Yên Bái cần quan tâm đầu tư, phát triển nhiều chương trình, chính sách đào tạo tốt hơn, liên kết với các doanh nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm về những kỹ năng học sinh cần có, đào tạo nghề gắn với thực tế, giúp họ có lòng yêu nghề, tính kiên nhẫn để thích ứng và làm việc ở các môi trường đòi hỏi chất lượng công việc cao”.

Tại Hội thảo đã có một số ý kiến tham gia về cơ chế hợp tác, phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp về tuyển sinh, đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, bố trí giảng viên, kỹ sư tham gia giảng dạy, bố trí cho học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tế tại doanh nghiệp; doanh nghiệp hỗ trợ cơ sở vật chất thiết bị đào tạo cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia đánh giá, sát hạch kết quả đào tạo của người học; những cơ chế, chính sách, đề án dành cho người lao động… 

Ông Lâm Tuấn Khanh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Nghĩa Lộ cho rằng, các cơ sở giáo dục đào tạo nghề rất mong muốn nhận được sự phối hợp, liên kết thường xuyên của các doanh nghiệp. Đặc biệt cần xác định rõ hình thức hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; nội dung phối hợp, lĩnh vực, ngành nghề phối hợp; cơ chế phối hợp và đánh giá kết quả thực hiện; việc kết nối trao đổi thông tin, xác định các nhiệm vụ phối hợp trong thời gian tiếp theo, việc cung ứng nhân lực của các nhà trường trực tiếp cho các doanh nghiệp và kết nối qua trung tâm dịch vụ việc làm, việc theo dõi kết nối đánh giá hiệu quả sử dụng nhân lực, tiếp thu các ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp… Làm được như vậy thì chắc chắn lực lượng lao động của Yên Bái sẽ được đào tạo bài bản, đáp ứng đến 90% yêu cầu công việc của các doanh nghiệp.

Ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng khẳng định: "Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cam kết sẽ đồng hành cùng người lao động Yên Bái, hỗ trợ, hướng dẫn giới thiệu việc làm cho lực lượng lao động Yên Bái phù hợp với trình độ đào tạo. Và đặc biệt, sau Hội thảo, các sở, ngành, các cơ sở giáo dục - đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái cần thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị, doanh nghiệp của Hải Phòng để việc hợp tác đạt hiệu quả cao”.

Mở rộng cơ hội cho người lao động

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm đào tạo nhân lực nông thôn, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ lao động, đáp ứng nhu cầu sử dựng nhân lực của doanh nghiệp và thị trường lao động. 

Là một trong những hoạt động thường niên của tỉnh Yên Bái, Ngày hội việc làm năm 2023 có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Yên Bái đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ việc làm và 3.500 người lao động, học sinh, sinh viên tham gia, mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, tập trung ở nhiều lĩnh vực, ngành, nghề như: điện, điện tử, năng lượng, cơ khí, sản xuất và lắp ráp, may mặc, dịch vụ…, là cầu nối quan trọng để kết nối thông tin cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh. 

Tại Ngày hội năm nay có 46 gian hàng giới thiệu, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động gồm: 18 gian hàng của doanh nghiệp thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, 15 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Yên Bái; 5 gian hàng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh; 8 gian hàng của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. 

Ông Kim Jin Goo - Giám đốc Hành chính Nhân sự, Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng cho biết: "Công ty LG Innotek đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm mô đun camera, đang có nhu cầu tuyển dụng lớn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như lao động phổ thông về làm việc tại doanh nghiệp. Thông qua sự hỗ trợ, kết nối của Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, chúng tôi rất vui mừng khi được tham gia Ngày hội việc làm năm 2023 tại tỉnh Yên Bái và mong muốn nhận được sự quan tâm của đông đảo các em học sinh, sinh viên để trong thời gian tới có được nguồn lao động đáp ứng nhu cầu hoạt động hiệu quả”.

Em Đào Duy Khánh - sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái chia sẻ: "Thông qua Ngày hội việc làm giúp em có thêm nhiều thông tin hữu ích về các ngành nghề đang phổ biến. Qua đó, cung cấp cơ hội để em có thể tiếp cận được với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để dễ dàng tìm kiếm việc làm, phát triển kĩ năng và năng lực của bản thân trong thời gian tới”.

Giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy tối đa nội lực để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Để nhu cầu về lao động phù hợp với điều kiện thực tế đòi hỏi trong thời gian tới các cơ quan, đơn vị, địa phương phải gắn kết chặt chẽ, tăng cường hợp tác không chỉ ở thị trường trong tỉnh mà còn vươn xa hơn tại thị trường lớn trong và ngoài nước để việc giải quyết việc làm cho lao động thực sự đem lại hiệu quả tích cực và mang tính bền vững.

Theo Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải