song
Mỗi chuyến đi là vô vàn bài học
Ngày xuất bản: 19/12/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 32316

 10 năm theo truyền hình, Trung Dũng thấy mình thật may mắn khi được trải nghiệm với công việc mình yêu thích. Gắn bó với truyền hình Dũng cũng có thêm nhiều cơ hội tích luỹ những giá trị tri thức, bởi mỗi chuyến đi với Dũng là vô vàn bài học.

Trung Dũng thích nghề báo ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế phổ thông, chỉ với suy nghĩ đơn giản nghề báo được đi nhiều, biết nhiều. Quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khoa Phát thanh - Truyền hình, một chân trời mới trước mắt cùng với đó là những vất vả của gia đình vốn đã nhiều khó khăn. Ra trường Dũng chỉ muốn trở về Yên Bái để làm việc, ngay từ những ngày đầu còn là sinh viên thực tập tại Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái, Dũng đã rất nỗ lực để khẳng định mình. Đi và viết, có lẽ đến giờ nhiều anh chị ở Đài vẫn nhớ hình ảnh cậu thực tập sinh thường xuyên mượn máy ghi âm của mọi người để rong ruổi tác nghiệp. Kết thúc khoá thực tập, Trung Dũng xin được làm việc tại Đài Yên Bái, bởi đó là môi trường tốt để rèn luyện, hơn nữa ở đó Dũng sẽ có dịp làm việc với các anh, chị giỏi nghề và tốt bụng.

Phóng viên Trung Dũng (Ảnh: Thùy Linh)

Xuất thân là một phóng viên phát thanh, đầu quân về Phòng Thời sự, Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái, Trung Dũng bắt đầu làm quen với truyền hình,  tự mày mò học, nhiều khi là học “mót” từ các anh, chị trong phòng, có khi học từ chính các bạn thực tập.  

Nghề báo với Dũng giờ đây không chỉ là những hào nhoáng bên ngoài mà còn vô vàn những khó khăn, thử thách phải đối mặt. Dũng càng thấm thía suy nghĩ “Nghề báo đầy vinh quang nhưng cũng không ít nhọc nhằn”. Không vinh quang sao được khi nhà báo là người định hướng, dẫn dắt dư luận, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, chỉ một thông tin sai lệch hoặc sự non kém về bản lĩnh chính trị của nhà báo thì hậu quả thật khôn lường. Đa số nhà báo được dân tin, dân yêu bởi nhà báo thường là người đứng ra chia sẻ, bảo vệ lẽ phải nhất là các sự việc có dấu hiệu không minh bạch từ phía các cơ quan chức năng. Vì thế mà Trung Dũng đặc biệt thích mảng đề tài phản ánh, lên án những mặt trái của đời sống xã hội, như một loạt các vấn đề về ô nhiễm môi trường do các nhà máy công nghiệp trên địa bàn gây ra, Trung Dũng đã không ít lần cầm theo đơn thư từ phía người dân phản ánh thực trạng, tạo sức ép để chính quyền và các cấp, các ngành vào cuộc giải quyết. Rồi vụ việc tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, Qua tìm hiểu Dũng thấy có nhiều hộ dân ở đây được thành phố cấp sổ đỏ, giao về cho xã, tuy nhiên vì muốn đòi hỏi quyền lợi xã đã không trả sổ đỏ cho dân, có hộ bị giữ sổ đỏ mấy năm trời. Dũng cùng phóng viên Nguyễn Hà đã dùng sức mạnh báo chí đòi lại quyền lợi cho các hộ dân nơi đây.  

Không muốn nói nhiều đến vất vả của nghề, bởi nghề nào cũng có những khó khăn riêng, khi đã theo thì phải tự khắc phục, dù nửa đêm trời rét vẫn sẵn sàng tung chăn vác máy đi khi đâu đó có thiên tai, hoả hoạn, hoặc những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, rồi những lúc đi bộ nửa ngày mới đến được địa điểm tác nghiệp, hay phải ở lại cơ sở cả tuần không còn là chuyện hiếm của cánh phóng viên vùng cao. Nhớ chuyến đi vùng cao đầu tiên cùng phóng viên Ngọc Sơn tháp tùng đồng chí Hoàng Xuân Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác lên vận động bà con người Mông ở bản Làng Giàng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải dời non cao xuống sinh sống tập trung dưới các bản làng, đường đi chỉ là những vệt mòn do người dân kéo gỗ mà nên, xuất phát lúc 11 giờ trưa, sau 7 giờ leo núi mới tới nơi, nhiều lúc đầu gối mỏi nhừ chẳng muốn bước tiếp. Trên đường đi Dũng và anh Ngọc Sơn phát hiện hiện tượng phá rừng, bèn nảy ý làm phóng sự, tách đoàn men theo những cây gỗ to mới bị hạ, rồi cứ mải quay, phỏng vấn mà không biết mình đi quá sâu vào trong, lúc sau quay ra thì đoàn công tác đã đi xa, điện thoại không sóng, hai người phải tự dò đường, cuối cùng gặp được đoàn khi mọi người đang chuẩn bị ăn tối. Tác phẩm “Rừng Làng Giàng đang kêu cứu” đã được phát sóng ngay sau đó.

Những góc khuất của xã hội cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và cả làn sóng dư luận nên ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, Trung Dũng muốn được tự do, thoải mái tác nghiệp trong lĩnh vực, đề tài mình yêu thích để cho ra đời những sản phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống và có những tác động nhất định. Những phóng sự Dũng cùng đồng nghiệp làm đã phần nào bộc lộ đúng tính cách của Dũng, người xem sẽ đồng cảm cùng những bất bình và tức giận trước những đối tượng lừa đảo, trăn trở trước những tư duy, tập quán lạc hậu của người dân vùng cao. Hình ảnh về những trẻ em nghèo, mùa đông không đủ ấm, tới trường bằng đôi chân trần luôn ám ảnh Dũng. Vì thế mà vùng cao luôn hấp dẫn và lôi cuốn Dũng.

Trung Dũng chia sẻ “Dù làm ở mảng nào thì mình vẫn luôn tranh thủ để đi, bởi mỗi chuyến đi là vô vàn bài học, mình trưởng thành hơn. Đó cũng là những thứ quý giá mà nghề báo đem lại. Điều mà mình luôn tâm niệm đó là nhà báo chống tiêu cực phải đấu tranh tới cùng, nhưng phải vừa “chống” vừa “xây”, chứ đừng đẩy những đối tượng bài báo mình chống lại lâm vào đường cùng. Bởi xét cho cùng báo chí đấu tranh, phê phán những tiêu cực, sai trái cũng là hướng đến mục tiêu làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”.

Một môi trường làm việc tốt, bên cạnh có những đồng nghiệp chân thành, và những người tiếp xúc hàng ngày chính là người thầy để Dũng học tập và dần trưởng thành. Dũng luôn nghĩ làm truyền hình đừng bó hẹp mình và không quên cầu thị, nên những kiến thức chuyên môn mà các đàn anh, đàn chị truyền đạt và bản thân tiếp nhận chưa bao giờ Dũng thấy là thừa, cùng với đó là những giải thưởng báo chí mà Dũng cùng đồng nghiệp dành được như 01 Giải Vàng, 03 Giải Bạc tại các kỳ Liên hoan truyền hình, Liên hoan Phát thanh toàn quốc; 01 Giải Vàng tại Liên hoan phim tài liệu và phóng sự truyền hình do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức; 03 Giải A giải Báo chí tỉnh Yên Bái… đã chứng minh trong công việc Trung Dũng luôn là một phóng viên nghiêm túc, bản lĩnh và nhiệt huyết.

Thuỳ Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải