song
Nghề báo - Cơ duyên, tình yêu và trách nhiệm
Ngày xuất bản: 28/08/2018 2:49:27 SA
Lượt đọc: 29405

 Tôi học Đại học Văn hóa, chuyên ngành Quản lý, mới ra trường, cơ duyên thế nào lại về làm phóng viên rồi biên tập viên tại một cơ quan báo chí văn nghệ, công việc và kiến thức được đào tạo đôi khi chẳng có gì ăn nhập với nhau. Những ngày đầu vào nghề biết bao khó khăn, bỡ ngỡ. Thấy kiến thức mình bị hổng, không có gì hơn là phải tự học. Tôi lao vào nghiên cứu tài liệu, cặm cụi tìm đọc các tác phẩm báo chí đoạt giải, các tập ký của thế hệ các nhà báo đi trước. Tôi nhận được sự chỉ bảo và học hỏi được rất nhiều từ các nhà báo, như: Hoàng Thế Sinh, Ngọc Chấn, Thế Quynh, Nguyễn Hiền Lương, Hoàng Việt Quân… May mắn là trước khi viết báo tôi đã viết văn, vừa hoàn thành 3 tập sách, đã quen với viết lách, chỉ cần thêm một số kỹ năng báo chí nữa là ổn. Khó khăn đầu tiên với tôi đó là cơ quan chỉ giao viết thể loại ký báo chí và phóng sự. Khó khăn thứ hai là khi khai thác, tìm hiểu để có một bài viết thấu đáo, khách quan đòi hỏi nhà báo phải am hiểu sâu về vấn đề mình đang viết, mỗi bài viết khai thác một vấn đề khác nhau nên đòi hỏi nhà báo phải có kiến thức rất rộng và nhiều nhiều khó khăn nữa…

Tác giả đang khai thác tư liệu ở cơ sở

Những ngày đầu, háo hức được đặt chân đến nhiều nơi. Khi về đánh vật với câu chữ, ăn uống thất thường để có một tác phẩm vừa ý. Đôi khi trằn trọc mãi cái vấn đề mình bắt gặp rồi phát hiện ra nghề báo không chỉ toàn màu hồng. Tôi hiểu sự quan trọng của trải nghiệm, trí tuệ và sáng tạo, theo đó là một trái tim nhiệt huyết, biết rung cảm, cảm thông, trách nhiệm và bản lĩnh nghề nghiệp. Cứ sau một chuyến đi, sau một bài viết tôi lại thấy mình trưởng thành hơn. Được lãnh đạo giao viết những bài thời sự nóng, quan trọng và hóc búa hơn…

Có rất nhiều điểm tựa tạo động lực và sức mạnh để tôi hoàn thành công việc của một nhà báo. Thứ nhất là điểm tựa độc giả: thỉnh thoảng nhận được phản hồi tích cực từ phía độc giả, cả ý kiến đánh giá, góp ý chân thành; đôi khi là một người không hề quen biết cảm ơn vì nhà báo đã nói hộ những suy nghĩ, trăn trở của mình; đôi khi là lời cảm ơn của các nhân vật trong bài viết. Mỗi lần đi phỏng vấn, lấy tư liệu, mọi người không ngần ngại bày tỏ vướng mắc, nguyện vọng, tôi cảm nhận được niềm tin họ đặt ở nơi mình… Tất cả khiến tôi có động lực hơn, trách nhiệm hơn trong từng bài viết để không phụ lòng độc giả. Điểm tựa thứ hai là gia đình, đồng nghiệp, bạn bè: mỗi khi gặp khó khăn hay áp lực từ công việc, thấy những đồng nghiệp của mình vẫn làm việc cần mẫn, những người thân trong gia đình chia sẻ công việc nhà để tôi dành thời gian nhiều hơn cho viết báo, bỗng thấy mình không có lý do gì để không cố gắng, và mọi khó khăn đều vượt qua dễ dàng…

Giờ công việc chính của tôi là biên tập viên, phóng viên chỉ là kiêm nhiệm thêm, tôi vẫn dành nhiều thời gian cho viết truyện, viết thơ, đôi khi cả sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian nhưng tôi vẫn luôn đi cơ sở viết báo và tự hứa với lòng mình luôn chuyên tâm với nghề báo, đó không chỉ là mưu sinh mà là những gì lớn lao hơn thế. Qua thời gian, tình yêu với nghiệp báo trong tôi vẫn không hề vơi cạn.

Nông Quang Khiêm

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải