song
Nghề báo vinh quang nhưng cũng lắm chông gai
Ngày xuất bản: 09/09/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 61256

 Nhà báo Thanh Phúc là cái tên được độc giả của Báo Yên Bái biết đến qua nhiều phóng sự điều tra hay, đậm tính thời sự và đầy ắp hơi thở cuộc sống. Chịu khó tìm tòi, nghiên cứu là điều độc giả sẽ cảm nhận được trong từng tác phẩm báo chí của anh.

http://hoinhabaoyenbai.org.vn/images/guongmathoivien/nhabaothanhphuc.JPG

Nhà Báo Thanh Phúc- Chi hội Nhà báo Báo Yên Bái (ảnh Thùy Linh)

Nghề báo đối với Thanh Phúc chỉ đơn giản là nghề “Cha truyền con nối”, bố anh - nhà báo Nguyễn Bội Đông. Hành trang của anh đến với nghề báo là hình ảnh về người bố đêm đêm cặm cụi cùng cây bút bên chiếc đèn dầu, có khi thức đến sáng và những chuyến công tác xa nhà. Năm 1991, sau khi tốt nghiệp PTTH, anh theo học lớp tạo nguồn báo chí tại Phân viện Báo chí và Tuyên truyền rồi về công tác tại Báo Yên Bái. Chưa có niềm đam mê cũng như chưa am hiểu về nghề nên những năm đầu thi thoảng anh còn “trốn việc” cơ quan theo mấy người anh họ đi buôn bán. Năm 1994 anh theo học lớp Đại học báo chí (Phân viện báo chí tuyên truyền, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Qua những bài giảng của thầy, anh bắt đầu tìm hiểu sâu hơn, say mê hơn trong những lần tác nghiệp, nghề báo cứ ngấm dần vào anh như thế.

Đến giờ thì Thanh Phúc đã trưởng thành trong nghề báo, đam mê nghề báo và anh cũng đã hiểu vì sao mà bố anh có thể thức cả đêm, trăn trở với mỗi bài viết. Cũng như thế có những đề tài anh đã trăn trở, tìm tòi, nhiều khi quên cả thời gian. Với Thanh Phúc, viết về mảng nông - lâm nghiệp luôn là thế mạnh của anh, bởi ngày nhỏ anh cũng là một “nông dân” chính hiệu, sáng đi học, chiều về theo mẹ ra đồng cùng đám trẻ trâu trong làng mót thóc, mò cua, bắt ốc. Vì thế mà anh đã khá hiểu biết về nông nghiệp - nông thôn. Với nhiều phóng viên nếu cứ chuyên một mảng đề tài có thể nhàm chán, cùn bút thì đối với Thanh Phúc đó lại là thế mạnh. Anh đã có rất nhiều tác phẩm điều tra hay, được tổng kết từ thực tiễn nhiều năm như loạt bài: Liên kết - Sự sống còn của ngành chè; Cánh đồng mẫu lớn bao giờ liền ô liền thửa; Xây dựng nông thôn mới không phải là danh hiệu; Tuyên chiến với dịch cúm gia cầm...

Muốn làm tốt nghề báo thì phải có đủ thời gian tích luỹ kinh nghiệm, có những đề tài ấp ủ rất lâu, điều tra, sưu tầm kỹ tư liệu rồi mới viết. Trong một vấn đề, nhà báo không phải là người biết đầu tiên nhưng nhà báo là người đầu tiên đưa vấn đề đó ra công luận, phải tạo được dư luận tốt thì mới có khả năng thay đổi được cách nghĩ, cách làm. Trong mỗi chuyến đi cơ sở, anh luôn cố gắng góp nhặt từng chi tiết dù là nhỏ nhất để dựng lên một bức tranh đầy đủ và trọn vẹn trong bài viết của mình. Nhà báo nhìn cuộc sống phải khác với những người làm nghề khác thì mới có cái để mà viết, cũng có nghĩa là phải nhìn thấy những cái bất bình thường trong cái bình thường. Như vậy, không phải là anh thích hướng vào những điều tiêu cực mà chỉ đơn giản là gợi mở những gì còn cảm thấy lăn tăn, trăn trở. Nhà báo Thanh Phúc chia sẻ: “Cái đích cuối cùng của mỗi tác phẩm báo chí là đem đến những hiệu ứng tốt đẹp hơn cho hiện thực”.

Điều đó cũng có nghĩa anh đã nhiều lần phải đối mặt với hiểm nguy, bị đe doạ tấn công, bị đuổi như đuổi tà, đặc biệt là bị lâm tặc tra hỏi như công an hỏi tội phạm... Nhưng với quan niệm rõ ràng, làm báo thì phải đụng chạm, nhất là liên quan đến kinh tế, chế độ chính sách. Nói những điều mới mẻ, những điển hình tiên tiến, những cái tốt thì cũng cần nói những điều không hay còn tồn tại đó là trách nhiệm công dân của người làm báo. Không phải nhà báo nào cũng sẵn sàng viết về những vấn đề nhạy cảm, vì vấn đề đó đòi hỏi người làm báo phải đầu tư thời gian và công sức để thu thập tài liệu, phải điều tra và học hỏi liên tục, lúc nào cũng phải đối mặt với các “sai sót” có thể xảy ra. Chữ nghĩa nặng lắm, một chữ sai có thể là một tai hoạ với nhà báo và rất nhiều người xung quanh, chính vì thế mà người làm báo phải thận trọng, nghĩ suy trước mỗi câu chữ.

Nghề báo có những điều rất thú vị, lúc đi thì thấy mệt mỏi, đôi lúc thấy tuyệt vọng, nhưng ngồi nghĩ lại chuyến đi nào cũng tuyệt vời, có khi càng vất vả sau này lại càng thấy tuyệt vời. Thanh Phúc vẫn nói nhà báo cũng giống như một diễn viên, phải biết vào nhiều vai khác nhau, từ một người nông dân, đến một cán bộ lãnh đạo, thậm chí là một tên “xã hội đen”. Và khi tiếp chuyện đối tượng nào thì phải dùng mánh khoé của đối tượng đó. Nhờ thế mà trong chuyến đi Vân Hội tìm hiểu về việc phá rừng anh đã bình an thoát khỏi sự bao vây của một nhóm lâm tặc.

Không biết có phải là do cái tính nghịch ngợm từ nhỏ và cái sở thích chơi với bậc đàn anh hay không mà trong nghề báo Thanh Phúc thích lao vào những vấn đề có gì gợn sóng một chút. Cái khác của nhà báo Thanh Phúc còn ở chỗ khai thác tư liệu, không bao giờ anh cần đến bản báo cáo, tất cả đều do anh tự tìm hiểu, làm thế để có được những điều trung thực, khách quan nhất. Đôi khi sự thật đó làm chúng ta giật mình, khiến nhiều cấp, nhiều ngành phải suy xét lại.

Nghề báo là một nghề vinh quang nhưng cũng lắm chông gai, nghề báo cũng mang lại rất nhiều chất liệu quý giá cho cuộc sống. Đã có những đóng góp cho nghề báo, thành công sau những bài viết nhưng anh chưa khi nào tự mãn. Anh vẫn miệt mài đi và viết, không phải để lấy thành tích mà chỉ đơn giản là viết những điều anh nghĩ và anh còn trăn trở./.

Thùy Linh

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải