song
Nhà báo sử dụng công cụ AI trong hoạt động cần có trách nhiệm
Ngày xuất bản: 23/03/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 5753

 Trong thời gian qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có nhiều đổi mới trong công tác giáo dục, chú trọng việc hình thành năng lực thực hành, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, chú trọng ứng dụng công nghệ AI vào công tác giảng dạy, thực hành.

Cập nhật liên tục các kiến thức và kỹ năng về công nghệ AI

Thực tế trong những năm gần đây, nhiều sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền ra trường đã thực hiện sản xuất các tác phẩm báo chí theo hướng đa nền tảng, các sinh viên mới ra trường với kỹ năng làm báo hiện đại, tích cực ứng dụng công nghệ AI vào sản xuất, từng bước đáp ứng được kế hoạch chuyển đổi số của các các tờ báo.

Như chúng ta đã biết, công nghệ AI là một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế kỷ 21. Nó đã tác động vào nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội, trong đó có nghề báo. AI đã mang lại cho ngành báo chí những lợi ích to lớn như tăng hiệu suất, tiết kiệm chi phí, phong phú hóa nội dung... Nhưng AI cũng gây ra những thách thức và rủi ro cho ngành này, như mất việc làm, mất chất lượng, mất uy tín...

 

Nhà báo Đinh Ngọc Sơn (ngoài cùng) tham gia hội thảo “Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn” một trong những sự kiện nổi bật tại khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023.

Nhà báo Đinh Ngọc Sơn - Khoa Phát thanh – Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: "Trong bối cảnh này, vai trò của phóng viên là rất quan trọng. Họ không chỉ là người viết và truyền tải thông tin cho công chúng, mà còn là người kiểm soát và giám sát AI để đảm bảo tính xác thực và minh bạch của thông tin. Tuy nhiên, để làm được điều này, phóng viên cần có những kỹ năng và kiến thức mới để có thể hợp tác hiệu quả với AI".

Hiện nay ở nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng AI để tăng cường khả năng tương tác và cá nhân hóa với khán giả. Trong đó có thiết kế đồ họa giúp tạo ra các thiết kế đẹp mắt và phù hợp với thương hiệu bao gồm infographic, poster, video, v.v.. AI cũng giúp sản phẩm báo chí có thêm các hiệu ứng động và âm thanh để thu hút khán giả.

AI giúp tạo ra các nội dung có tính tương tác cao với khán giả, như trò chơi, câu đố, bình chọn, cá nhân hóa nội dung cho từng người dùng dựa trên sở thích và hành vi của họ. AI giúp studio cải thiện kỹ năng nguời dẫn chương trình bằng cách phân tích giọng nói, ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm khuôn mặt của MC. Từ đó lựa chọn ánh sáng, khoảng cách và góc nhìn phù hợp để gây ấn tượng với khán giả.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã xây dựng các bài giảng để các phóng viên tương lai tiếp cận những kỹ năng và kiến thức cần thiết để làm việc hiệu quả với AI. Nhà báo Đinh Ngọc Sơn cho biết, Học viện đã  cập nhật liên tục các kiến thức và kỹ năng về công nghệ AI và ứng dụng của nó trong báo chí. Đào tạo cho sinh viên và nhà báo cách sử dụng các công cụ AI để hỗ trợviết bài, phân tích dữ liệu và kiểm tra thông tin.

Thực tế, ở một số toà soạn đã lựa chọn và yêu cầu phóng viên cần biết sử dụng các công cụ số để tìm kiếm, thu thập, xử lý và trình bày thông tin một cách hiệu quả và sinh động. Phóng viên cũng cần có khả năng thiết kế các hình ảnh, biểu đồ, video hay podcast để hỗ trợ cho việc truyền tải thông tin.

Tận dụng những ưu điểm của AI để phân tích dữ liệu, sinh ra nội dung và tùy chỉnh độc giả của AI. Phóng viên có thể sử dụng AI để giải phóng thời gian và công sức cho những công việc đơn điệu hoặc lặp lại, và tập trung vào những công việc sáng tạo hoặc đòi hỏi kỹ năng nhân văn của họ.

 

Sinh viên thực hành tại trường quay ảo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Cam kết về tính chính xác, tính toàn vẹn tác phẩm báo chí

Như tại báo Thanh Niên Online, trong nhiều năm liền đây là một trong những báo điện tử đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để giao tiếp với bạn đọc, giúp tăng trải nghiệm của người dùng một cách hoàn toàn mới lạ.

Thông qua AI, người dùng truy cập TNO không cần phải tương tác với các nội dung bài viết như truyền thống mà có thể sử dụng các lệnh thoại để ra lệnh tương tác. Điều này đặc biệt hữu ích trong bối cảnh mọi người quen thuộc với trợ lý giọng nói trong những năm gần đây.

Khi truy cập vào một tin/bài viết nào mà không có thời gian đọc, người dùng có thể ra lệnh “Đọc tin này”, hoặc “Chào Thanh Niên” trước khi gọi “Đọc tin này” nếu AI đang ở trạng thái ngủ. Trong quá trình trợ lý ảo đang đọc tin mà người dùng muốn tạm dừng lại có thể ra lệnh “Dừng lại” và khi muốn nghe tiếp có thể sử dụng lệnh “Tiếp tục”…

 

Nhà báo Đinh Ngọc Sơn - Khoa Phát thanh – Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tham gia các lớp giảng dạy do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Tuy nhiên, nhà báo sử dụng công cụ AI trong hoạt động cần có trách nhiệm. Nó giống như sự hợp tác để khai thác những thế mạnh của trí tuệ nhân tạo. Thay vì xem AI là đối thủ cạnh tranh hoặc công cụ thay thế, nhà báo nên xem AI là đồng nghiệp hỗ trợ. Phóng viên có thể sử dụng AI để tiết kiệm thời gian và công sức cho các công việc lặp đi lặp lại hoặc yêu cầu xử lý dữ liệu lớn; để tăng hiệu suất và phong phú hóa nội dung cho các loại tin tức đơn giản hoặc cơ bản; để tạo ra các ý tưởng mới mẻ hoặc khám phá các góc nhìn khác biệt.

Nhà báo Đinh Ngọc Sơn chia sẻ, "mỗi phóng viên cũng không nên quá phụ thuộc vào AI mà quên đi vai trò của mình. Phóng viên cần có khả năng kiểm soát và giám sát AI để đảm bảo tính xác thực và minh bạch của thông tin. Nhà báo cũng cần có khả năng chỉnh sửa và hoàn thiện các nội dung do AI sinh ra để tránh các sai sót hoặc sai lệch. Phóng viên cũng cần có khả năng sử dụng các kỹ năng và kiến thức riêng của mình để viết các loại tin tức mang tính chủ quan, giá trị hoặc tranh luận. AI không thay thế được vai trò của nhà báo con người trong việc tạo ra các bài viết sâu sắc, phản biện và có tính nhân văn. AI chỉ là một công cụ hỗ trợ cho quá trình sản xuất tin tức".

Mặc dù việc sử dụng AI trong báo chí có vẻ khó khăn, nhưng điều quan trọng là thay đổi là không thể tránh khỏi và tương lai của báo chí có thể sẽ ngày càng gắn liền với công nghệ. Điều quan trọng là nhà báo cần duy trì cam kết về tính chính xác, tính toàn vẹn và cách kể chuyện, họ có thể nắm bắt các cơ hội mà AI mang lại và tiếp tục sản xuất báo chí chất lượng cao.

Có thể nói khi cách mạng công nghệ thâm nhập vào tất cả các ngành tại Việt Nam trong những năm qua, thì hoạt động báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Dần dần AI sẽ có ở mọi mặt của đời sống báo chí, các cơ quan báo chí ứng dụng AI sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng, giúp công chúng được trải nghiệm nhiều hơn, hấp dẫn hơn chứ không chỉ là các cách thức truyền đạt truyền thống.

Đời sống xã hội ngày càng phát triển, công nghệ sẽ dần hỗ trợ và thay thế con người, vì thế nhu cầu về đào tạo cho phóng viên tương lai về ứng dụng AI là điều rất cần thiết, phù hợp với xu thế đi tắt đón đầu của báo chí hiện đại.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải