song
Nhà báo và chuyện ứng xử vô cảm
Ngày xuất bản: 13/10/2022 8:10:10 SA
Lượt đọc: 13193

 Nhà báo cũng là một công dân nhưng là một “công dân đặc biệt”. Với nhà báo, vai trò của họ lớn vì họ là những người có uy tín do đó một bản tin ngắn, một quan điểm, một phát ngôn được nêu ra đều gây tác động đến cả cộng đồng xã hội.

Hãy hỏi trái tim thêm một lần nữa trước khi bấm "enter"

Những ngày vừa qua, không chỉ người dân Thái Lan mà người dân cả thế giới không khỏi bàng hoàng và đau xót trước vụ thảm sát kinh hoàng xảy ra tại ra tại một nhà trẻ ở thị trấn nhỏ Uthai Sawan tỉnh Nong Bua Lamphu, Đông Bắc Thái Lan làm ít nhất 38 người thiệt mạng, trong đó có 24 trẻ em. Phụ huynh của 24 em nhỏ không thể ngờ rằng, khoảnh khắc họ tạm biệt con vào lớp cũng là khoảnh khắc cuối cùng họ được nhìn thấy con…

Sau đó, CNN đã đăng tải một bản tin có các cảnh quay hiện trường đẫm máu trong thảm kịch này. Nhóm phóng viên CNN được cho là đã phát tán các hình ảnh từ bên trong hiện trường vụ án – nơi đã được cảnh sát phong tỏa, khiến dư luận phẫn nộ. Một bức ảnh do phóng viên Thái Lan chụp lại cho thấy nhóm này bước qua hàng rào phong tỏa. Truyền thông Thái Lan cũng cáo buộc điều đó đã vi phạm đạo đức báo chí.

Ông Danaichok Boonsom, người đứng đầu chính quyền Uthai Sawan, đã  cáo buộc CNN đưa bản tin gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân địa phương, đặc biệt là người thân của các nạn nhân. Đó là một sự “vô cảm” khi làm tăng lên nỗi đau khổ cho người nhà nạn nhân.

 

Kiến thức sách vở về nghề nghiệp cùng các phương tiện hành nghề tốt nhất suy cho cùng cũng chỉ là phương tiện, cái cần thiết và mãi mãi tạo hồn cho một tác phẩm báo chí là ở tấm lòng.

Tại Việt Nam, có nhiều câu chuyện trong thực tế mà những người làm báo thực sự không nên viết lên mặt báo. Họ tên, gia cảnh và toàn bộ sơ yếu lý lịch của một cậu bé tự tử vì áp lực gia đình, một người vợ đau khổ vì chồng phạm tội, một cô gái vị thành niên hành nghề mại dâm do nhà nghèo túng... Đó là tin tức. Đó có thể là KPI, là view, là quảng cáo, là điểm thưởng cuối tháng. Nhưng với tư cách một người con, người cha, người mẹ thì chúng ta cần cân nhắc khi đăng những thông tin đó. Nhiều tòa soạn đã có những quy định về những thông tin không được đưa lên báo, nhưng quy định nào cũng vậy không thể bao quát hết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.

Đó là câu chuyện tác nghiệp trên mặt báo. Còn những câu chuyện “tác nghiệp” trên mạng xã hội cũng có nhiều điều cần bàn. Người dân miền Trung ở nước ta năm nào cũng phải oằn mình chống bão. Sau một đêm tỉnh dậy, người nông dân tay trắng, sau mỗi trận mưa, trận gió kinh hoàng là những chiếc khăn tang dải trắng một vùng.

Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, cơn bão số 4 (bão Noru) cường độ mạnh được cho là cơn bão lịch sử và các hiện tượng thời tiết tiêu cực đã gây ảnh hưởng nặng nề về người và của tại nhiều địa phương ở khu vực miền Trung. Hơn 1 vạn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu 4, Quân khu 5, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, dân phòng tham gia chống bão.

Trong quá trình bão số 4 đổ bộ vào đất liền, một nữ MC của VTV gây tranh cãi với phát ngôn "Lâu lắm mới được đón một cơn bão ra hồn bão" khi chia sẻ hình ảnh cùng nhiều đồng nghiệp đang làm việc, đưa tin về tình hình bão Noru. Công chúng phẫn nộ cho rằng phát ngôn của cô là vô cảm trước nỗi đau của người dân miền Trung đang căng mình chống bão, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất vì lũ lụt, nhiều gia đình đau khổ tột cùng khi mất đi những người thân yêu bởi cơn bão này. 

Các nhà báo, hãy nhìn vào mắt bọn trẻ, hãy hỏi trái tim thêm một lần nữa trước khi bấm nút enter: Liệu những thông tin đó có ích thực sự cho công chúng ngoài những con số nhảy nhót mang tên "view", tên "like" kia?

Trong xã hội có câu “đài nói láo, báo nói thêm”..., hẳn nhiều nhà báo khi nghe câu này sẽ rất tức tối hoặc buồn phiền. Nhưng nếu bình tĩnh và khách quan nhìn nhận về bản thân và nghề nghiệp của mình, lời nhận xét ấy trong những trường hợp điển hình vừa nêu trên không phải không có cơ sở. Một trong những lý do khiến nghề báo mang tiếng "nói láo, nói thêm" ấy lại bắt đầu từ sự vô cảm.

Nghề báo, sở dĩ từ xưa đến nay luôn được tôn vinh, được xã hội dành cho sự trọng vọng là bởi nhà báo có mặt ở hầu hết những nơi nóng bỏng nhất của cuộc sống. Ngày ngày hiện trên các trang báo và các phương tiện nghe nhìn khác những bài viết, tấm hình, thước phim nóng hổi hơi thở cuộc sống từ biên cương, hải đảo; từ vùng sâu, vùng xa đến nơi phố thị xa hoa. Đó là những tin tức cập nhật thiên tai, hay những nét đẹp lao động trong cuộc sống thường ngày...

Tuy nhiên, có một trạng thái vô cảm khác đối với nghề báo là thấy gì, nghe gì viết nấy mà không cần quan tâm đến hiệu ứng xã hội của thông tin mình đưa ra có thể gây ra những hệ luỵ khó lường. Hay một số người làm báo đưa ra quan điểm cá nhân tiêu cực, những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên môi trường mạng khiến cho dư luận hoang mang, làm ảnh hưởng đến uy tín của người làm báo nói chung.

Hãy tác nghiệp trên mạng xã hội như tác nghiệp báo chí

Theo thống kê của We are Social vào đầu năm 2022, Việt Nam gần 77 triệu người sử dụng mạng xã hội (đúng hơn là gần 77 triệu tài khoản mạng xã hội). Chưa có thống kê về số lượng nhà báo sử dụng mạng xã hội nhưng có lẽ con số này xấp xỉ 100% nếu chúng ta tính cả các mạng xã hội Việt Nam như Zalo. Nhà báo tham gia mạng xã hội thì là nhà báo hay là cá nhân tham gia mạng xã hội? Đây là câu hỏi thậm chí cuộc “đấu tranh” giữa vài bên trong giới báo chí.

Tuy nhiên vấn đề này đã được nhiều tờ báo nổi tiếng trên thế giới quan tâm và họ đã ban hành những bộ quy tắc về việc này. Ví dụ, các nhân viên (không chỉ người làm báo) ở The New York Times “không được bày tỏ quan điểm chính trị, sự ủng hộ đối với ứng cử viên hay đưa ra nhận xét xúc phạm hoặc làm bất cứ điều gì khác làm giảm uy tín tờ báo”. Mặc dù mỗi người có thể nghĩ rằng tài khoản mạng xã hội của mình là riêng tư nhưng các bài viết thậm chí lượt “like” trên mạng xã hội đều công khai, mà đã là công khai thì đều liên quan đến tờ báo. AFP thì quy định cụ thể hơn, ví như các nhà báo muốn mở tài khoản mạng xã hội phải báo cáo và cần sự cho phép cấp trên và không được dùng bút danh. 

 

Phát ngôn trên mạng xã hội không thể tùy tiện mà cũng phải “uốn lưỡi” nhiều lần như khi viết bài đăng tải trên báo.

Theo nhà báo Trần Anh Tú, Phó Tổng biên tập Tạp chí Thông  tin và Truyền thông, những quy định chặt chẽ về việc tham gia mạng xã hội của nhà báo nhằm bảo vệ cơ quan báo chí cũng như bảo vệ chính nhà báo đó. Ngược lại cần hiểu rằng, công chúng đọc, thậm chí tin vào thông tin trên mạng xã hội của nhà báo một phần dựa vào độ xác tín của cơ quan báo chí nơi người đó làm việc. 

Đồng ý rằng, nhà báo cũng là công dân. Họ có quyền tự do phát ngôn trên trang cá nhân. Thế nhưng, họ cần hiểu rằng, với nhà báo, tư cách công dân và tư cách nhà báo không tách rời nhau, tức là trách nhiệm công dân và trách nhiệm nhà báo không tách rời nhau.

Họ không phải là một cư dân mạng bình thường mà còn phải gánh thêm trách nhiệm nghề nghiệp và cao hơn nữa là trách nhiệm xã hội. Nhà báo phải sử dụng mạng xã hội để tiếp nhận, lựa chọn, kiểm chứng và “chính thống hóa” thông tin; ngăn chặn, giảm thiểu tác hại của thông tin sai lệch nảy sinh và định hướng thông tin trên mạng xã hội, nhất là với những nhà báo có được nhiều sự theo dõi từ cộng đồng mạng.

"Nhà báo phải xem rằng, mọi thông tin họ đăng tải không chỉ với tư cách cá nhân mà còn mang trách nhiệm của người làm báo với vai trò cung cấp, định hướng thông tin một cách cẩn trọng khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật. Bởi lẽ, có những vấn đề, pháp luật không cấm nhưng đạo đức nghề báo thì không cho phép. Hãy tác nghiệp trên mạng xã hội như tác nghiệp báo chí, hãy thể hiện sự chuyên nghiệp của một nhà báo trên mạng xã hội", nhà báo Trần Anh Tú nhận định.

Trong thời đại kỹ thuật số, nhà báo Việt Nam cần tham gia mạng xã hội để thu thập thông tin, kiểm chứng thông tin, phát hành thông tin. Tuy nhiên, các nhà báo cần nhớ là, mỗi phát ngôn, thậm chí mỗi lượt “like” trên mạng xã hội đều ảnh hưởng đến chính nhà báo cũng như cơ quan báo chí. Và nếu, “sảy miệng” trên mạng xã hội thì không chỉ có nhà báo mà cả cơ quan báo chí cũng liên đới trách nhiệm.

Cuối cùng, không thể có một nhà báo ăn lương của cơ quan báo chí lại có những quan điểm trái ngược với quan điểm của tòa soạn.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải