song
Nhớ những ngày ở Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn
Ngày xuất bản: 31/08/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 115451

 Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, thấm thoát đã một phần tư thế kỷ kể từ ngày xa đại gia đình Đài Phát thanh - Truyền hình Hoàng Liên Sơn, vậy mà không hiểu vì sao tôi vẫn nhớ như in những ngày gian khổ mà vui và sâu đậm tình nghĩa anh em, bạn bè đồng nghiệp của thời ấy.

Đầu năm 1988, anh Lục Bỉnh Ngọc nghỉ hưu, tỉnh đề bạt anh Đỗ Quang Minh làm giám đốc, tôi là phó giám đốc Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn. Theo sự phân công của anh Minh, tôi đi các huyện Văn Chấn, Than Uyên, Mù Cang Chải, thị xã Lào Cai, huyện Bát sát, Bảo Thắng…làm việc để tách đài truyền thanh khỏi Phòng Văn hóa thành đơn vị trực thuộc UBND các huyện, thị. Ngoài việc chịu trách nhiệm nội dung phát thanh ở đài tỉnh, chúng tôi còn phải lo giúp các huyện thị tập huấn nghiệp vụ cho phóng viên, cung ứng vật tư, sửa chữa thiết bị cho đài huyện thị và xây dựng các trạm truyền thanh cơ sở. Công việc bề bộn nhưng trên dưới đồng lòng, phối hợp với nhau rất ăn ý. Ngoài nâng cao chất lượng chương trình thời sự và văn nghệ chúng tôi còn tổ chức mấy cuộc tường thuật bóng đá tại chỗ do anh Đinh Trọng An thực hiện, có cuộc mời cả anh Hoài Sơn ở Đài Tiếng nói Việt Nam lên hỗ trợ, đạt kết quả rất tốt. Nhưng rồi anh Minh được cử đi Liên - Xô học hai năm, tôi được giao phụ trách đài trong điều kiện chỉ có mình tôi là phó giám đốc, công việc bàn chung chủ yếu dựa vào chi ủy. Mãi đến đầu năm 1991 Tỉnh mới đề bạt tôi làm giám đốc; anh Nhiễm là phó giám đốc. Có biết bao khó khăn của những năm ấy khi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội đã đi vào điểm đỉnh, tác động không nhỏ đến hoạt động của đài và đời sống cán bộ công nhân viên, phóng viên. Bây giờ chắc chỉ có anh Nguyễn Thủy Nguyên, anh Hà Minh Ất và một số anh chị em thế hệ U60 được chứng kiến cái thời  từ giám đốc đến nhân viên của đài đều nuôi lợn tăng gia tự túc, đi lấy củi 9-10 km bằng xe đạp vào các ngày chủ nhật. Cơ quan chỉ có duy nhất một chiếc xe máy cho hoạt động của phóng viên và chỉ có anh Dương Soái biết sử dụng. Trong bối cảnh ấy nợ của cơ quan chồng chất do đặc trưng nghề nghiệp, máy hỏng thì phải sửa, tiền điện chưa có vẫn cứ phải phát sóng…rồi lo trang trải dần. Tuy khó khăn nhưng hoạt động của đài Hoàng Liên Sơn vẫn là tiếng nói, có uy tín được Trung ương chú ý. Anh Trần Hoàn - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin lên thăm, rồi anh Phan Quang - Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam lên đặt vấn đề muốn hỗ trợ Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn nâng cao chất lượng chương trình phát thanh tiếng Mông để thành chương trình tiếng Mông của  của Đài Tiếng nói Việt Nam phát bằng nhạc hiệu của đài trung ương. Tôi xin ý kiến lãnh đạo tỉnh, được sự đồng ý chúng tôi đã cùng Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng chương trình phối hợp công tác với sự táo bạo và huy động mọi khả năng của cả cơ quan thực hiện. Tôi xin anh Mã A Lềnh từ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh về làm Trưởng phòng tiếng Mông, rồi lặn lội lên Mường Khương tuyển người, được biết có cô Lý Thị Hoa đã học xong phổ thông trung học đang đi dạy xóa mù chữ, tôi viết thư nhắn lại thực ra cũng ít hy vọng. Thế nhưng một tuần sau thì chị Hoa đến xin nhận việc. Rồi được anh Sình tốt nghiệp đại học báo chí về với chị  Chẩu, anh Páo đang làm việc tại đài, thế là tạm ổn. Nhận lời với Đài Tiếng nói Việt Nam rồi, việc lo nhân sự để làm biên dịch nội dung và phát tiếng Mông có ý nghĩa quyết định, bởi kỹ thuật  khả dĩ có người thay, nội dung lại là tiếng dân tộc không ai thay thế được, trong khi xây dựng chương trình tiếng Mông đã hơn một lần anh chị em vì quá khó khăn đã bỏ về tất cả phải lập lại từ đầu.

Phóng viên Đài PT - TH tỉnh Yên Bái tác nghiệp tại lễ hội Festival Quế tổ chức tại huyện Văn Yên

Được các anh Mai Thúc Long, Mai Luân - Phó Tổng giám đốc, Hoàng Trọng Đan - Trưởng ban thời sự, Hoàng Hàm - Chánh văn phòng Đài Tiếng nói Việt Nam thường xuyên lên Hoàng Liên Sơn, cử tổ công tác giúp xây dựng nội dung, biên tập chương trình, đầu tư máy phát sóng, máy ghi âm, phòng bá âm chất lượng cao…đã giúp Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn nâng cao chất lượng đáng kể cả nội dung và cơ sở vật chất kỹ thuật. Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn cùng Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyến công tác đến các tỉnh Lai Châu, Hà Tuyên viết tin bài về vùng đồng bào Mông và thu các bài hát tiếng Mông, bổ sung cho băng ca nhạc làm cho chương trình thêm phong phú, phản ánh các vấn đề bao trùm khắp khu vực có đồng bào Mông. Chương trình tiếng Mông của đài Hoàng Liên Sơn đã vinh dự là nhân tố ban đầu và là nòng cốt để hình thành chương trình tiếng Mông của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đang lúc bề bộn với biết bao công việc của đài cùng với việc phối hợp xây dựng chương trình phát thanh tiếng Mông của Đài Tiếng nói Việt Nam thì Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Khắc Cương đã giao cho đài xây dựng cơ sở truyền hình. Chiếc máy phát hình đầu tiên của tỉnh có công suất 100w do Liên - Xô sản xuất. Sự nghiệp truyền hình đúng là được khởi nghiệp từ “3 không”: Phương tiện chuyên dụng làm truyền hình không có,  kiến thức kinh nghiệm làm truyền hình cả nội dung và kỹ thuật cũng không (cán bộ kỹ thuật của đài lúc đó chỉ biết khai thác vận hành máy phát sóng truyền thanh), rồi đất để đặt ăng- ten cột truyền hình cũng không, nhờ uy tín của Chủ tịch tỉnh, nhưng cũng phải chật vật lắm mới mượn được 150 m2 đất trên đỉnh đồi ngân hàng nhà nước san tạo để xây ngôi nhà cấp III đặt máy phát sóng và mượn vài chục m2 đặt cột ăng - ten cao 64 m có dây co. Ăng ten là cột thông tin tín hiệu dã chiến mua từ miền Nam ra. Phương tiện phát sóng và làm chương trình gồm một máy phát hình màu 100w, 3 ti vi màu, 2 camera M7, 2 đầu vi deo…tất cả đều là đồ dân dụng. Anh Dương Soái là trưởng phòng Văn nghệ được giao kiêm nhiệm làm nội dung truyền hình đã mày mò dùng camera đấu nối với  2 đầu video dựng những tin đầu tiên về hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Uỷ ban Nhân dân tỉnh họp, đồng bào Văn Chấn, Bảo Thắng thi đua sản xuất, nông dân xã Tú Lệ (Văn Chấn) phá thuốc phiện v.v…chị Đỗ Thị  Hòa được phân công là phát thanh viên đầu tiên trên truyền hình Yên Bái. Ngày 15 tháng 7 năm 1990 chương trình truyền hình đầu tiên của đài Yên Bái ra mắt khán giả. Khỏi phải nói người dân thị xã Yên Bái lúc đó mừng thế nào khi được thấy hình ảnh của mình trên đài địa phương. Từ đó truyền hình Yên Bái có chương trình định kỳ ổn định cả thời sự và văn nghệ, đồng thời tiếp sóng Đài truyền hình Việt Nam. Truyền hình Yên Bái từ đây đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của lãnh đạo tỉnh và người dân địa phương. Truyền hình Yên Bái hôm nay đã khang trang, bề thế với cột ăng ten tự đứng cao hơn trăm mét, rồi lại truyền sóng qua vệ tinh, máy phát công suất 5kw, bàn dựng hiện đại, đội ngũ kỹ thuật và phóng viên được đào tạo chuyên nghiệp có thể sánh vai với các đài bạn, nhưng các bạn trẻ hôm nay đừng quên những người đi khai hoang mở đất, đặt những viên gạch đầu tiên làm nền móng  cho sự nghiệp truyền hình tỉnh nhà mà người đầu tiên phải nhắc đến là Chủ tịch Đỗ Khắc Cương, các anh: Trần Khánh Dư, anh Hà, anh Khuê, anh Mộng là kỹ thuật viên và xây dựng cơ bản, anh Soái, chị Hòa là những người làm nội dung từ buổi sơ khai mở đường cho sự nghiệp truyền hình Yên Bái được như hôm nay.

Tháng 6 năm 1991, Quốc hội họp quyết định chia tách Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Thế là lại có biết bao nhiêu việc phải lo, phải làm, nào phân công sắp xếp nhân sự đi mà làm tư tưởng để anh chị em đi Lao Cai đâu có dễ (trừ những người quê gốc trên đó), rồi tìm đâu ra máy phát để bố trí đủ cho hai tỉnh. Sau đó là tổ chức thực hiện làm sao đúng 1-1-1991 mỗi đài tự phát chương trình tỉnh mình với nhạc hiệu riêng. Đài Hoàng Liên Sơn cùng lúc chia làm ba: Một số đi Lào Cai, bộ phận tiếng Mông về đài Tiếng nói Việt Nam ở Hà Nội, số còn lại ở Yên Bái. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Đài Tiếng nói Việt Nam giúp đỡ ủng hộ tỉnh Hoàng Liên Sơn toàn bộ số máy phát sóng, máy ghi âm và phòng bá âm đã đầu tư xây dựng tại tỉnh với tổng giá trị 170 triệu đồng là một tài sản rất lớn lúc đó. Nhờ thế mà đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn có đủ máy móc trang bị cho hai tỉnh để triển khai chia tách đài đúng kế hoạch. Tôi đã cùng anh em lên Phố Lu (huyện Bảo Thắng) là nơi tỉnh Lào Cai tập kết vì thị xã Lào Cai đã bị hủy diệt, tại đây chúng tôi đã chỉ đạo xây dựng phòng bá âm, đặt máy phát sóng giao cho anh Bùi Duy Nhiễm là Phó giám đốc tổ chức bộ máy và hoạt động ban đầu của đài Lào Cai. Trong khi chờ ổn định bộ máy và hoạt động của đài Lào Cai, Yên Bái vẫn xây dựng chương trình phát cho đài Lào Cai lệch giờ với đài Yên Bái trong hơn 1 tháng. Đến đúng ngày 1.1.1991, kỷ niệm ngày giải phóng Lào Cai thì đài Phát thanh Lào Cai chính thức phát chương trình của mình. Thực hiện chủ trương của tỉnh, ưu tiên cho tỉnh Lào Cai mới tách ra cơ sở vật chất thiếu thốn, khó khăn hơn từ con người đến máy phát sóng phát thanh, máy phát điện, ô - tô cho đến những tấm cách âm, dây cáp điện… cái gì mới, cái gì tốt, cái gì anh em Lào Cai cần chúng tôi đều đáp ứng. Đội ngũ cán bộ đi Lào Cai có hai kỹ sư vô tuyến điện, bộ phận nội dung đa số đã qua đại học, trừ một số ở bộ phận tiếng dân tộc.

Cho đến hôm nay, chuyến xe cuối cùng chở anh em đi Lào Cai dời khu tập thể Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn ở km7 dưới cái nắng chói chang đã trôi vào quá khứ 26 năm mà tôi vẫn có cảm giác như anh chị em chỉ đi công tác ít ngày lại về, không ai nghĩ lại xa đến thế !

Năm tháng qua đi, thời gian không trở lại nhưng những kỷ niệm đẹp về một thời gian lao mà rất vui và ấm tình bạn bè, đồng nghiệp vẫn sống mãi trong tôi và nhiều anh em đồng nghiệp cùng thời. Đó là một vùng ký ức đẹp sẽ sống mãi với thời gian.

Nguyễn Thanh Vân

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải