song
Những cuốn sách để đời của nhà báo từng là “liệt sĩ”
Ngày xuất bản: 28/07/2021 7:27:53 SA
Lượt đọc: 11780

 - Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, nhà báo, nhà văn Minh Sơn kể lại câu chuyện của một nhà báo từng có giấy báo tử trong kháng chiến chống Mỹ, cùng với những gian nan vất vả của người làm công tác tuyên truyền thời chiến. Chính sự gian khổ trong kháng chiến đã làm nên những tác phẩm của nhà báo Kim Toàn – bút danh Cao Kim.

 Nhà báo Cao Kim - Kim Toàn (thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp báo Giải Phóng chụp ảnh tại chiến khu R, năm 1969

 

Cuộc đời và hoạt động của nhà báo từng là “liệt sĩ”

Nhà báo Kim Toàn năm nay đã ngoài 80, cái tuổi “xưa nay hiếm”, sinh ra và lớn lên ở một vùng quê “nước mặn đồng chua” chẳng mấy giàu có ở vùng cửa biển Hải Phòng. Từ năm 1957, khi còn học phổ thông, anh đã tập viết báo và từng có bài đăng trên một số báo ở trung ương và địa phương. Năm 1960, anh được tuyển thẳng vào làm việc tại Báo Kiến An - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Kiến An. Tại đây, anh từng làm biên tập viên, phóng viên viết, chụp ảnh, rồi tham gia minh họa, trình bày và các khâu xuất bản báo.

Năm 1963, khi tỉnh Kiến An và Thành phố Hải Phòng hợp nhất thành Thành phố Hải Phòng, Báo Kiến An cũng hợp nhất với Báo Hải Phòng kiến thiết thành Báo Hải Phòng, xuất bản hằng ngày. Là phóng viên trẻ, Kim Toàn xông xáo, “tả xung hữu đột” và luôn có bài đăng báo.

Vào những năm 1964, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc bước vào giai đoạn quyết liệt, nhà báo Kim Toàn cũng được tuyển chọn đi học lớp báo chí đặc biệt (do Ban Tuyên huấn Trung ương tổ chức), rồi bí mật vượt Trường Sơn vào Nam Bộ, làm phóng viên Báo Giải Phóng (cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) và mang bút danh Cao Kim từ đó.

Sau đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, tình hình các đô thị miền Nam diễn biến rất phức tạp. Các trận chiến đấu giữa ta và địch tại Sài Gòn - Gia Định diễn ra vô cùng ác liệt. Để bảo đảm an toàn, cấp trên quyết định đưa nhà báo Thép Mới ra khỏi nội đô, chỉ để nhà báo Cao Kim ở lại, vừa tham gia chiến đấu chống địch phản kích, vừa tiếp tục viết bài cho Báo Giải Phóng và tờ tin xuất bản tại chỗ của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Các lực lượng địch dốc sức càn quét, đánh phá dữ dội các cơ sở cách mạng, gây cho ta không ít khó khăn và tổn thất. Anh Cao Kim được bổ sung vào Đội vũ trang tuyên truyền T4, gồm hơn 40 tay súng, do anh Hai Ca làm đội trưởng. Chưa kịp làm quen và biết tên hết mọi người trong đội, anh lao ngay vào trận chiến cùng đơn vị chặn đánh bọn địch từ máy bay đổ xuống vùng sình lầy ở khu cửa ngõ phía Tây Nam Sài Gòn - Chợ Lớn.

Tiếp đó là những trận đánh diễn ra liên tục cả ngày lẫn đêm tại các ấp với lực lượng địch đông gấp bội, có hỏa lực mạnh cùng nhiều loại máy bay, pháo binh và xe tăng, xe lội nước yểm trợ. Đơn vị vũ trang tuyên truyền của anh bị thương vong nặng. Cao Kim cùng vài người may mắn sống sót.

Nhà báo Cao Kim cầm trên tay Giấy báo tử ghi tên mình, nhưng thật ra là đồng chí đội trưởng của ông

Trận đánh “giáp lá cà” diễn ra rất ác liệt, một anh trong đội vũ trang tuyên truyền bị thương và đã trút hơi thở cuối cùng tại trạm Quân y tiền phương. Đồng đội tìm thấy trong túi áo ngực anh duy nhất chỉ có một tờ giấy ướt đẫm máu - giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam mang tên Cao Kim. Bác sĩ quân y hỏi lại một số người cùng công tác tại đơn vị thuộc C107R (Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam) và được xác nhận rằng Báo Giải Phóng có một phóng viên là Cao Kim đang hoạt động tại mặt trận này.

Thế là Trạm Quân y Phân khu 3 liền viết giấy báo tử gửi về chiến khu, trong giấy có đoạn viết: Đồng chí Cao Kim trong trận chiến đấu chống càn tại xã Bình Chánh, huyện Tân Trụ (Phân khu 3) bị thương sọ não, hy sinh ngày 8/3/1968 tại trạm xá của Phân khu 3, đã được chôn cất chu đáo tại xã Long Định, huyện Cần Đước (ấp Nhứt). Nhưng ít ngày sau, Cao Kim trở về Báo Giải Phóng trong rừng Tây Ninh trước sự ngỡ ngàng của toàn cơ quan, anh em đồng nghiệp đã ôm chầm lấy Cao Kim mà nghẹn ngào.

Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, nhà báo Cao Kim trở về tiếp tục làm báo tại thành phố Cảng quê hương, sau đó được Thành ủy giao làm Tổng Biên tập Báo Hải Phòng và nhiều năm được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố.

3 cuốn sách của nhà báo Kim Toàn (bút danh Cao Kim)

 

Kỷ niệm sâu sắc trong các tác phẩm của nhà báo Kim Toàn

Từ năm 2018 tới năm 2020, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội đã cho ra mắt bạn đọc ba tập sách: “Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch”, “Làm báo ở chiến trường - chuyện giữa những người trong cuộc” và “Viết trong lửa đạn”. Tác giả của ba cuốn sách nói trên đều là nhà báo Kim Toàn (bút danh Cao Kim). Một người ở vào cái tuổi “bát thập” mà vẫn đam mê với nghề nghiệp, minh mẫn, khoáng đạt, thông tuệ, sáng tạo ra những “đứa con” tinh thần như vậy - đối với tôi, Anh là một nhân cách lớn.

Gần một nghìn trang sách, “thai nghén” gần nửa thế kỷ là những nơi anh đã qua, những người anh đã gặp: Đó là đồng đội, bạn bè, có những người đã dâng hiến cả máu thịt của mình để cứu anh qua những cơn hoạn nạn và hơn thế, anh cũng viết về chính mình. Với nhiều thể loại khác nhau, dưới ngòi bút sắc sảo của anh, con người giàu lòng nhân ái, đa tài, đa cảm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, lại có tình cảm mênh mang. Tôi đọc mà cứ thấy nghèn nghẹn trong cổ, nước mắt nhòe nhoẹt!

Trong cuốn sách “Làm báo ở chiến trường - chuyện những người trong cuộc” của anh có truyện ký “Đường về - trong rủi có may”, kể một câu chuyện thật chi tiết, chân thực và cảm động. Do sức khỏe của nhà báo Cao Kim quá sa sút, năm 1974, cấp trên quyết định đưa anh ra miền Bắc chữa bệnh. Gần ba tuần lễ liên tục vượt Trường Sơn bằng xe cơ giới, đêm 10/2 năm ấy, xe ô tô tải chở anh và những người cùng đi qua sông Gianh đến nghỉ tạm tại Trạm giao liên CT4 ở Quảng Bình. Sau nhiều ngày vật vã chịu đựng những cú xóc chóng mặt của xe khi phải vượt nhiều dốc cao và qua những bãi bom dày đặc, Cao Kim và mọi người trong đoàn đều mệt nhoài. Riêng anh còn cảm thấy trong cơ thể có sự khác thường… Mệt nhoài, anh nằm khượt trên tấm sạp ghép bằng tre. Nhiều người trong đoàn xúm lại thăm anh, đầy lo ngại. Bác sĩ Phương Dung nói với Cao Kim: “Anh bị xuất huyết chưa rõ nguyên nhân, cần nhập viện gấp. Chúng tôi đã liên hệ với một bệnh viện gần nhất, nhờ chữa trị cho anh. Anh Cao Tùng, bạn anh, sẽ đại diện của đoàn ở lại với anh”.

Nhà báo Phan Quang (ngồi bên phải), nhà báo Nieva và nhà báo Kim Toàn tại cuộc gặp ở Đồ Sơn (Hải Phòng) mùa hè 1996. Ảnh: TL

 

Sáng hôm sau, Cao Kim và Cao Tùng nhờ được một xe quân sự chạy ngược trở lại phà sông Gianh, qua thị xã Đồng Hới, rẽ sang huyện Bố Trạch rồi vào thẳng Phòng cấp cứu của Bệnh viện Quân y 41. Nằm tại bệnh viện dã chiến, Cao Kim được các bác sĩ chăm sóc tận tình, nhưng bệnh của anh diễn biến phức tạp và ngày càng trầm trọng. Do xuất huyết liên tục hai ngày liền, sức khỏe anh suy sụp rất nhanh, mặt mũi hốc hác, da teo tóp và xám xịt, nhiều lần lịm đi. Ai cũng biết, lúc này chỉ có cầm máu và tiếp thêm máu mới cứu nổi anh. Nhưng thời điểm đó, Bệnh viện Quân y 41 đã hết máu khô dự trữ. Dù có điện ra các bệnh viện ở Hà Nội để xin máu mang vào cũng không kịp, mà chuyển người bệnh đi xa càng nguy hiểm.

Nhận thấy điều chẳng lành đang ập đến với mình, Cao Kim vẫy Cao Tùng đến bên giường bệnh. Giọng khản đặc, anh thều thào dặn bạn mấy việc và nhờ chuyển giúp ba lô cùng một số thư từ, tài liệu cho gia đình mình cùng bè bạn ở miền Bắc. Nghe anh nói ngắt quãng trong hơi thở yếu ớt, Cao Tùng bật khóc. Sợ Cao Tùng quá lo, Cao Kim nhắc bạn: “Đây là nói phòng xa thôi, chứ mình không để bạn về một mình đâu!”

Với tinh thần khẩn trương “còn nước còn tát”, Ban lãnh đạo bệnh viện tìm mọi biện pháp cứu sống người bệnh. Chính ủy Lê Hùng và Trưởng Bệnh viện Lê Cảnh Diễn thông báo trong toàn bệnh viện và kêu gọi mọi người tình nguyện hiến máu để cứu phóng viên của Báo Giải Phóng. Sau lời kêu gọi khẩn thiết của lãnh đạo, nhiều cán bộ, bác sĩ, y sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện sẵn sàng hiến máu, nhưng chỉ có một số người hợp nhóm máu O với Cao Kim.

Một trong những người hợp nhóm máu là bác sĩ Huỳnh Thị Quýt, 49 tuổi, chính trị viên kiêm Trưởng ban Nội 4. Chị không những hiến cho Cao Kim 200ml máu mà còn vận động người khác tham gia. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của một phân đội thuộc Đoàn pháo binh 166 Quân Giải phóng vừa từ mặt trận Quảng Trị ra, đang đóng gần bệnh viện, khi nghe tin, cũng tự nguyện gặp bác sĩ để thử máu tại chỗ, và ngay giờ đầu đã hiến tặng 500ml máu.

Nằm mệt lử trên giường bệnh, nhìn những giọt máu hồng mang nặng nghĩa tình đồng chí, đồng đội đang truyền vào cơ thể mình, Cao Kim không kìm được xúc động trước tình cảm chân thành, nghĩa cử cao đẹp, tình thương yêu của những người cùng lý tưởng, cùng chiến đấu trên một trận tuyến đầy gian khổ và ác liệt dành cho mình.

Những nhân vật, những thân phận con người chân thực bằng xương, bằng thịt và ngay cả tác giả được kể thông qua các thể loại báo chí, văn chương với gần 60 bài viết hấp dẫn của nhà báo lão thành Cao Kim, khiêm tốn mà nói, đó là “những khúc tráng ca” về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam, trong đó chính tác giả là nhân vật trung tâm.

Nhà báo Cao Kim mong muốn giới trẻ làm báo ngày hôm nay bước tiếp truyền thống quý báu của cha ông

Bằng sự đam mê, sáng tạo của mình, qua ba tập sách mới xuất bản, tác giả muốn đưa đến bạn đọc - nhất là các nhà báo trẻ, một thông điệp: Mỗi thời kỳ đều có những thuận lợi và khó khăn khác nhau. Được sống và làm việc trong hòa bình trên đất nước đang từng ngày đổi mới và phát triển, mỗi chúng ta đều thấy hạnh phúc và đáng tự hào, nhưng không ai được lãng quên lịch sử hào hùng của dân tộc. Hãy sống sao cho xứng đáng với các thế hệ đi trước - những người thuộc mọi lĩnh vực, ở mọi vùng miền, đã chấp nhận nhiều hy sinh, gian khổ, cống hiến xương máu và cả cuộc đời mình trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành lại độc lập, tự do, để đất nước ta có cơ đồ, vị thế như hôm nay. Lịch sử văn hóa dân tộc và truyền thống cách mạng chính là động lực giúp chúng ta có thêm sức mạnh, tự tin vượt lên mọi thách thức trong thời kỳ mới để xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh, trường tồn, để cuộc sống của dân ta ngày càng ấm no, giàu có và hạnh phúc./.

Nhà báo, nhà văn Minh Sơn  (Tạp chí Người làm báo điện tử)

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải