song
Những nhà báo làm văn học nghệ thuật trưởng thành trong kháng chiến
Ngày xuất bản: 29/11/2018 2:08:35 SA
Lượt đọc: 43081

 Đã từ lâu, tên gọi hay trụ sở của những ngôi nhà mang tên: Hội Nhà báo, Báo Yên Bái. Đài Phát thanh - Truyền hình, Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Yên Bái ..., không chỉ là nơi sản sinh ra những nhà báo với những phẩm chất cao quý, làm nên diện mạo của nền báo chí cách mạng đối với cuộc sống lao động của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, mà từ những trang viết của họ, sự thôi thúc và trái tim nhạy cảm của người cầm bút, không ít các nhà báo đã say mê sáng tạo để cho ra đời nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị đích thực. Những tác phẩm đó không chỉ là sự khám phá và phát hiện cuộc sống mà còn là góc nhìn trong đạo lý truyền thống, tâm thế và nhân cách của người làm báo làm văn.

Trong ngôi nhà chung của các cơ quan báo chí nhiều nhà báo đã góp phần sáng tạo nên bình diện văn học nghệ thuật Yên Bái có chỗ đứng vững trong đời sống xã hội.

Hơn ba mươi năm cầm bút, cố nhà báo - nhà thơ Lâm Quý đã hăm hở đi và viết. Anh có mặt ở chiến trường Tây Nguyên vào những năm 72 của thế kỷ trước, khi mà cả nước gánh trên vai sức nặng của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Giữa nơi bom đạn ác liệt của chiến trường, Lâm Quý đã cho ra đời nhiều bài báo, bài thơ đầy ắp hơi thở nóng hổi và không khí của những ngày ra trận. Công tác ở Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Yên Bái, Lâm Quý vừa viết báo vừa làm văn học. Vốn sống của người làm báo cùng với sự say mê sáng tạo đã cộng hưởng nên một Lâm Quý với những tác phẩm văn học viết về dân tộc Cao Lan và nhiều đề tài khác. Những tập thơ: Hát về nguồn, Điều có thật trong dân ca, Núi mọc trong gương, Kolauslam, Chàng út của ông Trời, Tình vương hoa núi cùng nhiều bài sưu tầm giới thiệu, Lâm Quý đã tạo ra chỗ đứng để ông sáng tác, góp phần làm cho cuộc sống đẹp hơn.

Trong đội ngũ của những người chụp ảnh ở Yên Bái vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước nhà báo Hữu Tê có thể coi là một trong những người sống trọn đời cho những giá trị đích thực của nghệ thuật. Lòng say mê nghề nghiệp đã đưa Hữu Tê đến với mọi miền đất. Bàn chân của người nghệ sỹ đã từng vượt đá tai mèo đến với Trường Sơn, đến với những vùng cao xa xôi hẻo lánh của Tây Bắc. Nhưng bức ảnh mà ông ghi lại được về chân dung những con người ở vùng cao hẳn sẽ làm cho nhiều người xúc động. Nhưng đối mặt với thiên nhiên, đối mặt với chính mình Hữu Tê vẫn lặng lẽ âm thầm chắt lọc, chắt lọc như chính bức ảnh mà anh đã đoạt giải cao trong cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc. Cây lá, dòng sông và những con đò đã đi vào ống kính của anh cùng với nét đẹp hoang dã tinh tế của đồng bào miền núi hẳn sẽ làm nên một Hữu Tê độc đáo, kỹ lưỡng trong mỗi bức ảnh nghệ thuật.

Báo Yên Bái cùng với những thành tựu lớn lao, những năm tháng qua đã gắn liền với sự nghiệp và tên tuổi của những nhà văn lớn như: Ma Văn Kháng, Bùi Nguyên Khiết, mà những tác phẩm của họ vẫn còn gây ấn tượng sâu sắc trong độc giả. Nhà báo Thế Sinh - Phó tổng Biên tập, với ông văn học  luôn là cái đích làm tiền đề cho mọi sáng tạo. Ông là người đam mê với nhiều loại hình nghệ thuật, lặng lẽ âm thầm trước trang viết, xông xáo nhanh nhậy mỗi khi đi cơ sở. Hăm hở với những khát vọng  khám phá, phát hiện đã đưa ông đến với những vùng đất lạ. Nhiều tập truyện ngắn, bút ký các tiểu thuyết: Bụi hồ, Ma tiền…. của ông đã ra đời trong những hoàn cảnh mà cuộc sống đòi hỏi người cầm bút có bản lĩnh vững vàng, tư duy nhạy bén. Tác phẩm văn học của nhà báo, nhà văn Thế Sinh đã chuyển thành phim, thành kịch phát trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, trên các sân khấu nghệ thuật toàn quốc.

Hơn nửa thế kỷ suốt cuộc đời đam mê sáng tạo, khi trở về, đắm mình trong phong cảnh thiên nhiên, bên những nhành cây, búp lá khi bước vào  cái tuổi “xưa nay hiếm” cố nhà báo Xuân Nguyên cùng với sự nghiệp báo chí khi làm Phó giám đốc Đài PTTH, rồi Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh ông đã sáng tạo ra hàng chục tác phẩm văn học với những tập truyện như: Hoa đào tháng 9. Người mẹ bên suối Lũng Pô, Bài thơ vách đá, Đêm mưa giông. Tiểu thuyết: “Cơn lốc núi” của ông viết về công cuộc bảo vệ tổ quốc của đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc. Với ông sáng tạo văn học là một trong những đam mê không bao giờ nguội tắt. Những gì mà ông đã có được trên con đường lao động nghệ thuật đã nói lên hoài bão cùng những dự định cho những kịch bản phim, truyện ngắn ra đời.  Điều ấy, có lẽ chỉ có được đối với một người làm báo đi nhiều viết nhiều, say mê sáng tạo, như nhà báo Xuân Nguyên.

Cuộc sống lao động, khẩn trương sôi nổi diễn ra hàng ngày, hàng giờ không chỉ là tư liệu vô giá cho người làm báo mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các tác phẩm văn học nghệ thuật. Với nhà báo Dương Soái điều đó thực sự trở nên ý nghĩa, gần 40 năm làm báo, Phó giám đốc Đài PTTH, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái khá nhiều vở kịch, tập thơ, truyện ngắn của ông đã được xuất bản, đăng tải trên các báo Nhân dân, Văn nghệ, Tiền phong phát trên sóng Đài TNVN, Đài truyền hình Việt Nam. Bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” đã được nhạc sỹ Thuận Yến  phổ nhạc trở thành một trong những bài hát không thể nào quên với nhiều thế hệ trong những năm tháng qua. Những tập sách đã in, những bản thảo chưa ấn hành, sẽ là hành trang cho những hy vọng để tâm hồn và tình cảm mãi còn rung động trong trái tim ông trước cuộc đời và nỗi niềm nhân thế.

Cùng với nhiều nhà báo làm văn học nghệ thuật, cố nhà báo Lê Năng nguyên phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Yên bái với những bức ảnh đạt giá trị nghệ thuật cao, những truyện ngắn viết cho thiếu nhi để lại nhiều ấn tượng trong thế giới tuổi thơ. Nhà báo Hoàng Việt Quân với 35 tập truyện ngắn khảo cứu, sưu tầm, giới thiệu về nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã trở thành tư liệu quý cho nhiều người muốn đi sâu tìm hiểu con người, phong cảnh, tập quán, nét đẹp văn hóa của người miền núi. Đặc biệt là tập sưu tầm: Người ở nguồn tập hợp những mẩu chuyện hay về Bác Hồ ở Việt Bắc đã được nhiều bạn đọc tìm hiểu trân trọng. Cố nhà báo Hoàng Bảo với những tập thơ: Miền đất tôi yêu, Bông gạo trắng còn bay để lại nhiều ấn tượng đối với bạn đọc.

Công tác nhiều năm ở Báo Yên Bái, nhà báo Thế Quynh thuộc lớp người sinh ra và trưởng thành trong kháng chiến, bên cạnh những tác phẩm báo chí, ông đã có nhiều bút ký được đăng ở Báo Nhân dân và các tạp chí, ông cũng là tác giả của nhiều tập thơ xuất bản gần đây.

Trong sự nghiệp báo chí và văn học, nhiều nhà báo đã không còn nữa, nhưng tác phẩm của họ thì vẫn còn sống mãi trong lòng độc giả

Có thể ví văn học và báo chí như những con thuyền và cánh buồm, dòng sông và cuộc sống đang là mảnh đất màu mỡ cho những sáng tạo nghệ thuật. Nghề báo - Nghề văn sẽ còn mãi nguồn cảm hứng vô tận trước cuộc sống diễn ra sôi động và phức tạp. Phẩm chất và tư cách người cầm bút sẽ được thử thách và định hình ở những nhà báo, viết văn trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Ngọc chấn

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải