song
Những nhà báo, nhà văn chiến sĩ
Ngày xuất bản: 14/12/2024 3:16:24 SA
Lượt đọc: 978

 Trong cuộc kháng chiến giành độc lập tự do và chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc có rất nhiều nhà báo, nhà văn tham gia. Họ thực sự là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, vừa trực tiếp cầm súng vừa sử dụng cây bút như một thứ vũ khí sắc bén tố cáo tội ác quân thù; động viên cổ vũ tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta. Hòa bình lập lại, những nhà báo nhà văn ấy vẫn là chiến sĩ xung kích trong việc cổ súy cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh chống lại cái xấu, cái tiêu cực góp phần tạo nên hệ giá trị con người Việt Nam. Ở Yên Bái, cùng với đội ngũ nhà báo và văn nghệ sĩ địa phương đã có nhiều nhà báo là nhà văn từng khoác áo lính.

Đó là cố nhà báo Trần Cao Đàm, ông từngtham gia quân đội và chiến đấu ở chiến trường nước bạn Lào. Là chiến sĩ gan dạ, dũng cảm “Ngày 4 tháng 3 năm 1968, được phân công lên đỉnh núi cảnh giới. Trời ngả về chiều, nắng từ phía Tây chiếu tới, hang ổ Pa Thí của địch nằm ở phía Tây, là chiến sĩ tò te mới ra trường, tôi cứ đưa ống nhòm quan sát địch. Bất ngờ pháo 105 ly của địch bắn ầm ầm tới, mảnh đạn văng vào gốc cây, tảng đá canh cách. Thấy vậy đơn vị phải cử đồng chí Phượng lên gọi tôi xuống cho an toàn”. Đến với nghề viết lại chính trong cuộc chiến mà ông đang tham gia“Trong dịp này Bác Hồ kêu gọi nêu gương học tập người tốt, việc tốt. Biết tôi là phóng viên đài, Chính trị viên phó tiểu đoàn Lưu Quang Định gọi tôi trao cho nhiệm vụ đến các đại đội tìm gặp các điển hình viết bài. Rồi Đại uý Trương Cung ở Phòng Chính trị Đoàn bộ đội 766 gửi cho 2 tập giấy cùng với thư dặn viết bài gửi ra. Thế là tôi viết bài về đồng chí Mùi Văn Én, dân tộc Mường Phù Yên vào trận tả xung hữu đột; gương Đường Toàn Thắng đưa đơn vị vào mật tập đánh địch ở Phu Hin Xa…. Những bài ấy tôi gửi về Đoàn 766,Đại úy Trương Cung đã cung cấp cho Đài phát thanh Pa Thét Lào. Tôi còn gửi tiếp cho Báo Chiến sĩ Tây Bắc, Báo Quân đội nhân dân. Từ tháng 5 năm 1968 tôi được Báo QĐND gửi cho tập san Thông tín viên”.Rời quân ngũ về Đài phát thanh Hoàng Liên Sơn, rồi Đài Phát thành – Truyền hình Yên Bái và theo học tại Học viện Báo chí tuyên truyền. Cứ miệt mài đivà viết, làm chương trình phát thanh. Ông có mặt ở những nơi đầy khó khăn, gian khổ như vùng cao, biên giới và nhất lànông thôn. Kinh nghiệm, vốn sống và sự cần cù giúp ông trở thành một nhà báo miền núi có tay nghề cao, đầy chất lính. Các giải báo chí hằng năm và nhất là Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp phát thanh, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam là sự ghi nhận cho sự đóng góp của ông. Và cũng qua nhiều năm lăn lộn với nghề làm báo, tư liệu cùng vốn sống phong phú cứ “thôi thúc, day dứt’ trong lòng để đưa đẩy ông“ngoại tình” với văn học. Một loạt tác phẩm ra đời: tập truyện ngắn “Lẽ Đời”; các tiểu thuyết “ Pa Thí mù sương”, “Bến Ngòi”, “Âu Lâu bến lửa”, “Đất Mường”, “Đất Mường thời dông lũ”, “Âm vang Ngòi Vần”, “Bất khuất Mường Lò”. Trong các cây bút ở Yên Bái, Trần Cao Đàm là người thiên vềtiểu thuyết lịch sử. Theo ông, cái vốn hiểu biết trong đầu cứ thôi thúc phải viết ra "để rồi sau này, liệu có ai muốn biết về một thời, về một trang sử hào hùng còn có thể tìm đọc".Cũng bởi vậy mà khi đọc tác phẩm của ông bạn đọc có thể được sống với lịch sử oai hùng của vùng quê Yên Bái từ Chiến khu Vần - Hiền Lương đến miền Tây Văn Chấn - Nghĩa Lộ. Ông sống cuộc đời chiến sĩ, chiến đấu và làm báo, làm văn đến những giây phút cuối đời. Tác phẩm cuối cùng “Bất khuất Mường Lò” đã vinh dự được nhận giải A của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái; giải C của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học, Nghệ thuật, Báo chí  về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2023.

 

Nhà báo, nhà văn Hoàng Thế Sinh cùng các đồng nghiệp tại Khu Di tích lịch sử Pác Pó, Cao Bằng.

Với nhà báo Hoàng Thế Sinh, năm 1971 khi đang tuổi học trò phổ thông đãnghe theo tiếng gọi non sông “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” nên sẵn sàng nhập ngũ. Vào bộ đội, được biên chế vào trung đoàn 165, sư đoàn 312 và tham gia chiến đấu tại chiến trường Cánh đồng Chum của nước bạn Lào.Trở lại hậu phương theo học ngành sư phạm, làm thầy giáo rồi làm báo. Là Phó Tổng biên tập Báo Yên Bái,từng đoạt giải Cây bút vàng của Hội Nhà báo Yên Bái, ở ông luôn có cái nhìn nhanh nhạy trước những vấn đề của cuộc sống. Nhiều phóng sự, bút kí để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc như “Khát vọng của đất”, “Lên Phan Si Păng”… Có những vấn đề thuộc chủ trương của địa phương khá nhạy cảm cần có sự phản biện thì ông đã mạnh dạn lên tiếng như “Cà phê Catimo mất ngủ”;  hay nêu gương điển hình tiên tiến của cán bộ vùng cao có tác phẩm “Bí thư của người Mông” đạt giải cao cuộc thi viết về Xây dựng Đảngcủa Báo Nhân Dân.Có đến gần 40 năm dấn thân vào văn chương, viết nhiều tác phẩm với thể loại: thơ, truyện ngắn, ký, tiểu thuyết; nhưng thành tựu lớn nhất để làm nên tên tuổi nhà văn phải là tiểu thuyết. Tính đến thời điểm này, ông đã góp mặt với nền tiểu thuyết Việt Nam 10 tác phẩm, và chắc không dừng ở con số đó.Nói riêng về tiểu thuyết, xét theo phạm vi hiện thực đời sống mà các tác phẩm đề cập, nhà văn đã bao quát nhiều không gian khác nhau: nơi chốn học đường (Thời hoa đỏ-1998), chiến tranh cách mạng (Rừng thiêng - 2008, Cánh đồng Chum mùa hoa ban- 2021); đời sống thế sự xã hội (Bụi hồ- 1992; Xứ mưa- 2000; Thiên thần Nam Mê - 2021; Thuốc phiện và lửa - 2014; Ma tiền - 2017; Chúa đất miền Khau Sưa - 2020; Tằng cẩu - 2023).  Ở đề tài nào ông cũng có đóng góp, nhưng có lẽ ngòi bút này dành tâm huyết nhất cho mảng tiểu thuyết thế sự xã hội. Với con số 7/10 tiểu thuyết tập trung vào hiện thực xã hội đương thời cho thấy đây là một nhà văn nặng lòng với thời cuộc, có ý thức dấn thân, công khai bộc lộ trách nhiệm công dân trong tư cách một nhà văn đích thực. Là người tự nguyện cắm chặt đời mình với mảnh đất Yên Bái để sống và viết nên những cái ôngviết hoặc trực tiếp liên quan, hoặc gián tiếp xa gần với đất và người Yên Bái. Hiện thực mà ông quan tâm miêu tả là không gian xã hội đô thị miền núi và các vùng lân cận, nơi đang biến đổi mạnh mẽ, mau chóng theo hướng kinh tế thị trường và đô thị hóa với tất cả cái hay dở của nó; ở đấy, có hai lực lượng gần như đối lập: một bên là những người cán bộ, công an, những người trẻ tuổi, những già làng đi theo công lý và sự tiến bộ, và bên kia là những kẻ làm ăn bất chính, tham nhũng, chạy đua quyền lực, chơi bời trác táng. Các nhân vật được xử lý theo hướng: người đẹp thiện lương, người tốt được đền bù, may mắn tìm được hạnh phúc; những kẻ ác độc bị trừng phạt thậm chí phải lãnh cái chết; một số kẻ ác hoặc sa ngã, tha hóa tuy cũng có lúc biết ăn năn, thức tỉnh nhưng đã muộn và đều có một kết cục xấu.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Chấn sinh ra ở Làng Nhuế, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ nhưng lại chọn Yên Bái để gắn bó và lập nghiệp. Ông đi bộ đội từ lúc còn trẻ, từng là lính thuộc binh chủng tăng thiết giáp, tham gia các trận chiến tại Bình Long, Phước Long,giải phóng Sài Gòn. Xuất ngũ theo học tại Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh rồi về công tác tại Yên Bái. Ngọc Chấn đã kinh qua các chức vụ quản lý: Trưởng phòng Biên tập Văn nghệ Chuyên đề của Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái, Chủ tịch Hội Nhà báo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh Yên Bái. Như một cơ duyên, những chuyến đi làm báo đã đưa ông đến với nhiều vùng đất, giúp có cơ hội tìm hiểu, khám phá về văn hóa, thiên nhiên, cuộc sống, con người. Đó vừa là chất liệu viết báo, vừa nuôi dưỡng cảm xúc để cho ra đời những tác phẩm thơ dung dị, chứa chan tình đời, tình người. Cả cuộc đời gắn bó với nghiệp làm thơ, viết báo, ông đã gặt hái được không ít những thành công. Những bài báo viết về quê hương và con người Yên Bái; những chương trình văn nghệ truyền hình do ông đạo diễn và chỉ đạo để lại ấn tượng sâu sắc với người xem và cũng từng đạt giải cao trong các cuộc thi phát thanh - truyền hình địa phương cùng Trung ương. Với văn chương, bạn đọc Yên Bái biết đến Ngọc Chấn qua các tập thơ “Vĩ thanh người lính”, “Miền đất tôi yêu”, “Nơi dòng sông gặp biển” và “Người đánh rơi câu hát”.Thơ với ông là để kí thác tâm sự, để gửi gắm tình cảm yêu thương với quê hương, gia đình, bạn bè… Song kỷ niệm thời binh nghiệp với những người bạn lính vẫn là mảng sâu sắc nhất. Đã có cả tập thơ “Vĩ thanh người lính” mà tiếng lòng nhà thơ trong bất kỳ hoàn cảnh nào luôn hướng về bạn bè quân ngũ. Thời hậu chiến, “những người lính trở về” gương mặt còn in trận sốt rét ở rừng, tay lại tiếp tục “cầm cày cầm cuốc/giọt mồ hôi rơi lã chã trên đồng” vẫn không quên hình ảnh đồng đội từng gắn bó nắng mưa một thời “Đêm đêm pháo kích đã từng/Bạn ra trận cõng trên lưng nắng chiều”. Ngày chiến thắng nhiều người đã không về “Bỏ quên câu hát giữa chừng/Máu xương nhuộm đỏ đất rừng miền Đông”. Nhưng “sử sách vẫn còn ghi” và trong tâm thức mọi thế hệ người Việt Nam tên tuổi các anh “hóa thạch”, trở thành tượng đài sừng sững; sự hy sinh “không mặc cả cho mình” đã “Gửi niềm tin vào đất/Cả cuộc đời mình là lá phiếu gửi Nhân dân”.

Còn nhà báo Hoàng Việt Quân từng là người lính chống Mỹ ,nhập ngũ khi chuẩn bị kết thúc năm cuối của chương trình đại học. Trong đội hình tiểu đoàn sinh viên 1040, ông tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Đà. Khi trở lại hậu phương là cán bộ tổ chức ở Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, là thầy giáo rồi biên tập viên Tạp chí Văn nghệ, Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái. Với báo chí, đóng góp của ông tập trung vào mảng ký. Như “con ong chăm chỉ”, những nơi ông đến, những con người ông gặp bao giờ cũng được thể hiện một cách chi tiết, sinh động, mang sắc thái vùng miền khá rõ. Và các giải báo chí về Xây dựng Đảng, kỉ niệm của các huyện, thị, thành phố và các ngành là phần thưởng cho sự tận tụy, yêu nghề. Còn lĩnh vực văn học - nghệ thuật, đến nay nhà văn Hoàng Việt Quân đã có một khối lượng trang viết đồ sộ với 47 đầu sách in riêng.Trong đó kỉ niệm về một thời áo lính được tái hiện qua một số bài ký, truyện ngắn và nhất là tập kịch ngắn “Bài ca Trường Sơn”. Ông cũng dành nhiều cho công việc khảo cứu vốn văn hóa dân gian, đánh giá về một số tác giả có nhiều đóng góp cho văn nghệtỉnh nhà. Nét nổi bật chính là những tác phẩm viết và biên soạn về lãnh tụ Hồ Chí Minh như: “Người ở nguồn”, “Bác Hồ trong lòng người Yên Bái, Lào Cai”, “Người ở núi thương nhớ Bác Hồ”. Giải B của Ban Tuyên giáo Trung ương về chủ đề “Quảng bá các tác phẩm VHNT - Báo chí về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho tác phẩm “Tìm trong dân gian” là một sự ghi nhận.

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Hiền Lương sinh năm 1954 tại Hoàng Hanh, Tiên Lữ, Hưng Yên và theo gia đình lên định cư tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Năm 1972 ông lên đường nhập ngũ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến tháng 10/1977 ra quân rồi theo học ngành sư phạm và về dạy học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái. Sau 29 năm theo nghề giáo, ông chuyển sang công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái với vai trò Phó Chủ tịch Hội, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Trở thành nhà báo, nhà văn muộn so với các đồng nghiệp nhưng Nguyễn Hiền Lương đã gặt hái được khá thành công và để lại nhiều dấu ấn trong hoạt động văn học nghệ thuật cũng như báo chí tỉnh nhà. Về báo chí, ông chủ yếu viết ký. Mảng đề tài mà ông yêu thích là viết về người lính và ngành giáo dục, hai lĩnh vực đã từng gắn bó và cống hiến. Nghề báo lôi cuốn ông bởi những chuyến đi thực tế, ở đó ông tìm thấy, nhìn thấy từng lát cắt vô cùng phong phú, đa tầng của cuộc sống. Nhà báoNguyễn Hiền Lươngchia sẻ: “Không bao giờ là trễ khi theo đuổi đam mê, đúng là ở độ tuổi của tôi khi chuyển sang lĩnh vực báo chí cũng không tránh khỏi những khó khăn, nhưng tôi cũng có nhiều thuận lợi. Chuyển sang làm báo, viết văn chính là được thổi bùng ngọn lửa đam mê viết của mình”. Đi và viết, ngòi bút đã ghi lại cảm nhận tinh tế về những địa danh nơi bước chân đi qua từ cao nguyên đá Đồng Văn đến Cà Mau đất mũi. Nhưng gần gũi hơn cả vẫn là đất và người Yên Bái với Lục Yên đất Ngọc, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Mường Lò, Thành phố Bái. Rồi cũng chính từ công việc làm báo thôi thúc ông trong sáng tạo văn học. Hàng chục đầu sách từ ký, thơ, phê bình, truyện ngắn đến tiểu thuyết ra đời. Lại chính từ cuộc sống của người lính đã khơi gợi cảm hứng viết về đề tài chiến tranh cách mạng với thành công của tiểu thuyết “Xóm chợ” cùng các truyện “Bản hùng ca Tây Bắc”, “Người về sau cuộc chiến”. Trong lĩnh vực này, nhà văn, nhà báo Nguyễn Hiền Lương đã gặt hái đượcnhiều giải thưởng văn học nghệ thuật của trung ương và địa phương.

Và cũng còn không ít các nhà báo chuyên và không chuyên, họ là nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh. Tất cả đang góp phần làm nên diện mạo của báo chí Yên Bái; khẳng định vị trí xung kích của báo chí trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Nam Hà

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải