song
Nơi giữ “hồn” văn hóa Dao đỏ
Ngày xuất bản: 08/01/2019 2:31:38 SA
Lượt đọc: 86277

 Trải qua bao thăng trầm, biến cố của đời người, sự giao thoa giữa các nền văn hóa và lối sống hiện đại song đến nay đồng bào Dao đỏ ở thôn Sâm Trên, xã Trung Tâm (Lục Yên) vẫn giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ông Thiều Hữu Đức - Bí thư Chi bộ thôn Sâm Trên cho biết: “Sống trong thời kỳ mới, hòa chung với các dân tộc khác, song bà con nơi đây vẫn giữ được phong tục tập quán từ lễ cúng, cưới hỏi, ma chay, trang phục, tiếng nói cho đến nếp ăn, nếp ở. Tất cả đều được giữ gìn và phát huy theo hướng bảo tồn những giá trị tốt đẹp, xóa bỏ những hủ tục, mê tín dị đoan”. Ở Sâm Trên, các chị em phụ nữ ở đây vẫn duy trì việc làm ra trang phục cho bản thân và mọi người trong gia đình. Ngoài các công việc nương rẫy, bếp núc hàng ngày, lúc rảnh rỗi họ lại cần mẫn với từng đường kim, mũi chỉ. Những bộ trang phục đẹp nhất được cất giữ để diện trong các dịp lễ tết. Các trang phục thường ngày được tối giản các phần cầu kỳ, tuy nhiên vẫn đảm bảo đường nét, các chi tiết cơ bản nhất, các họa tiết hoa văn trang trí mang nét đặc trưng khác biệt với các dân tộc khác. Người Dao ở Sâm Trên còn có quy ước rằng những người con gái trước khi lấy chồng dù lấy người dân tộc khác đều phải mang theo bên mình một bộ quần áo truyền thống để có thể mặc những dịp cần thiết. Những bộ trang phục ấy thể hiện sự cần cù, sáng tạo và tỉ mỉ của mỗi người phụ nữ sẽ vẫn được gìn giữ dù khoảng cách có xa xôi đến đâu. Qua đó, góp phần lưu truyền cho thế hệ sau biết trân trọng và giữ gìn nét văn hóa nguồn cội của dân tộc.

Cùng với việc giữ gìn và phát huy nét đặc sắc trên trang phục, người Dao đỏ ở Sâm Trên còn duy trì những tập tục, phong tục tín ngưỡng truyền thống: lễ cấp sắc, lễ cầu mùa, hát giao duyên... Thôn còn thành lập một câu lạc bộ văn nghệ là nơi giao lưu và truyền dạy những bài hát dân tộc cổ, các điệu múa truyền thống cho thế hệ trẻ. Để có nơi tổ chức riêng những hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân tộc, từ năm 2013, những người dân ở thôn Sâm Trên đã cùng nhau đóng góp ngày công, nguyên vật liệu, tiền bạc... để xây dựng “chì lìu” (nhà sinh hoạt cộng đồng của người Dao). Đây là nơi thờ phụng và tổ chức các hoạt động văn hóa tín ngưỡng của dân tộc mỗi dịp lễ, tết. Từ đó đến nay, mỗi hộ người Dao đỏ ở Sâm Trên đã tự nguyện đóng góp 80.000 đồng/quý thành lập quỹ sinh hoạt sử dụng cho các hoạt động văn hóa văn nghệ, các lễ hội dân gian của thôn. Từ những hoạt động ấy, người dân trong thôn ngày càng đoàn kết, gắn bó, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới được đẩy mạnh. Đặc biệt, thôn còn xây dựng một quy ước về việc đoàn kết giúp đỡ nhau bằng việc đóng góp củi, gạo, tiền, giấy, rượu, gà… cho những gia đình gặp hoạn nạn, ốm đau hay ma chay hiếu hỉ. Anh Thiều Văn Ngọc cho biết: “Một tháng trước gia đình tôi bị lũ cuốn trôi nhiều tài sản và vật nuôi. Ngay sáng hôm sau, bà con trong thôn đã nhanh chóng đến dọn dẹp nhà cửa, ủng hộ một số đồ dùng gia đình, giúp đỡ củi, gạo giúp gia đình tôi nhanh chóng vượt qua những khó khăn trước mắt”.

Chính bản sắc văn hóa đã góp phần xây dựng một Sâm Trên thanh bình, hầu như không có tệ nạn xã hội, các gia đình đoàn kết gắn bó. Đây còn là nền tảng tinh thần để người Dao đỏ nơi đây vươn lên ổn định cuộc sống.

Dương Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải