song
Phát thanh - Truyền hình dân tộc: Cầu nối giữa Đảng với đồng bào
Ngày xuất bản: 20/10/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 45988

 Những năm qua, chương trình phát thanh - truyền hình (PT-TH) tiếng dân tộc của Đài PT-TH Yên Bái đã làm tốt công tác đưa thông tin tuyên truyền đến với cơ sở, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nâng cao dân trí, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào phát triển.

Là một tỉnh miền núi, trong đó 8/9 huyện, thị, thành phố toàn tỉnh có nhiều dân tộc anh em như: Tày, Thái, Mường, Nùng, Mông, Dao..., cùng chung sống, nhiều xã thuộc vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, đường xá đi lại không thuận lợi, người biết nghe tiếng phổ thông chưa nhiều cho nên việc tiếp nhận thông tin và hưởng thụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ bị hạn chế. Để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các kiến thức khoa học - kỹ thuật, văn hoá, văn nghệ, ca nhạc đến với đồng bào. Là cơ quan ngôn luận cua Đảng bộ, chính quyền địa phương, ngay sau khi tách tỉnh, bên cạnh chương trình PT-TH tiếng Việt. Năm 1991, Đài PT - TH Yên Bái đã xây dựng và phát sóng chương trình phát thanh của 3 thứ tiếng Mông, Dao, Thái và đến năm 1997, phát chương trình truyền hình tiếng Mông và đây cũng là chương truyền hình dân tộc đầu tiên của các đài PT-TH phía Bắc. Năm 2010, phát thêm truyền hình tiếng Dao, năm 2011, phát chương trình truyền hình tiếng Thái. Cùng với sự phát triển và đổi mới không ngừng của đất nước, hiện nay chương trình các thứ tiếng Mông, Dao, Thái đã được nâng cao về chất lượng và thời lượng phát sóng cũng tăng từ 90 phút/ngày lên 180 phút/ngày đối với phát thanh, còn chương trình truyền hình cũng được tăng từ 6 chương trình/tháng lên 12 chương trình/tháng, trong đó tiếng Mông 6 chương trình/tháng và tiếng Dao, tiếng Thái, mỗi thứ tiếng 3 chương trình/tháng. Ngoài việc thực hiện các chương trình PT-TH tại đài địa phương, bộ phận sản xuất chương trình tiếng dân tộc còn tổ chức sản xuất 6 chương trình truyền hình/tháng gửi choVTV5 của Đài truyền hình Việt Nam. Trong đó, có 4 chương trình truyền hình tiếng Mông, 1 chương trình truyền hình tiếng Dao và 1 chương trình truyền hình tiếng Thái.

Đối với các chương trình phát thanh được kết cấu gọn nhẹ, song vẫn đầy đủ phần tin trong tỉnh, trong nước và thế giới. Cùng đó là các bài phóng sự, bài phản ánh sinh động về cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Nhằm thu hút thính giả, ban biên tập chương trình tiếng dân tộc còn xây dựng các chuyên đề, chuyên mục như: gương người tốt làm việc tốt, nhà nước và pháp luật, an toàn giao thông, xây dựng nông thôn mới, nhịp cầu thính giả, văn hóa ẩm thực, dân số - kế hoạch hoá gia đình, học tập và làm theo lời Bác, khoa học với cuộc sống, qua các miền quê của đất nước, danh nhân đất Việt, dân ca các dân tộc, chuyện lạ bốn phương…Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Tình - Trưởng phòng tiếng Dân tộc của Đài PT-TH Yên Bái cho biết:“Để duy trì, phát huy tính năng tuyên truyền, mang tính thời sự cao, nội dung các chương trình được kết cấu phong phú như mở đầu chương trình là phần tin, giữa là bài xen kẽ nhạc, sau cùng là bài hát. Còn chương trình truyền hình thì gồm phần tin trong tỉnh, bài phản ánh, phóng sự xen với ca nhạc, trong đó có những chương trình kết cấu theo dạng tạp chí. Đội ngũ phóng viên, biên tập, biên dịch và phát thanh viên - những người làm chương trình phải thường xuyên đi cơ sở, thu thập, khai thác thông tin để có những tin tức, bài viết sát với thực tế. Đồng thời, tổ chức thu thanh, ghi hình và sưu tầm những bài hát, tiết tấu nhạc dân tộc do người dân các địa phương sáng tác, thể hiện”. Chính từ những yếu tố hấp dẫn đó, đã làm cho chương trình tiếng dân tộc có chỗ đứng trong lòng khán, thính giả.

Khi tỷ lệ người dân ở vùng cao còn biết tiếng phổ thông chưa nhiều thì các chương trình PT-TH tiếng dân tộc của Đài PT-TH Yên Bái là công cụ tuyên truyền hữu hiệu, thật sự là cầu nối giữa Đảng với đồng bào. Bà Triệu Thị Mến - Biên dịch, phát thanh viên tiếng Dao chia sẻ:“Làm chương trình phát thanh - truyền hình tiếng dân tộc không hề dễ chút nào, hàng ngày, hàng tuần và hàng năm chúng tôi phải thực hiện tốt công tác biên dịch, đó là phải dịch đúng, ngắn gọn những tin, bài mà Ban giám đốc đã duyệt để phát lên sóng PT-TH giúp đồng bào hiểu và dễ thực hiện. Bởi vậy, chúng tôi phải thay phiên nhau đi cơ sở để vừa khai thác thông tin, tư liệu nhưng cũng là để trao dồi kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống từ cơ sở để làm công việc biên tập, biên dịch tốt hơn”. Bằng cách dịch ngắn gọn, đọc súc tích, dễ hiểu của các biên dịch viên, phát thanh viên đã truyền tải được nội dung thông tin của các chương trình PT-TH đến với thính giả và khán giả một cách hiệu quả.Thông qua đó, các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đã đến với bà con đồng bào một cách dễ dàng và đi vào cuộc sống của người dân, kịp thời cổ vũ, động viên, thúc đẩy các phong trào thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống, xã hội ngày càng giàu đẹp hơn. Không những thế mà còn giúp người dân vùng cao thay đổi về nhận thức, xóa bỏ đi những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, không du canh du cư, chặt phá rừng làm nương rẫy... Đặc biệt là góp phần quan trọng tạo nên thành công trong sự đổi mới về tập quán sản xuất lâu đời, giúp đồng bào vùng cao chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ và  tăng năng suất. Cụ thể là những thắng lợi trong việc xoá bỏ cây thuốc phiện,  sản xuất vụ đông xuân ở các xã vùng cao của huyện Văn Chấn và hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải là kết quả minh chứng cho Đài PT-TH  Yên Bái thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong suốt quá trình chỉ đạo sát sao của tỉnh đến cơ sở.Và trong đó, có sự đóng góp tích cực của các chương trình PT-TH tiếng dân tộc Thái, Mông, Dao. Ông Hảng Tồng Chư ở bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải phấn khới nói: “Qua được nghe đài, xem truyền hình tiếng Mông của Đài PT-TH Yên Bái, tôi đã học được cách gieo trồng vụ đông nên đời sống của gia đình tôi ngày càng được cải thiện. Tôi thấy đây là một kênh thông tin rất bổ ích, phù hợp với đồng bào vùng cao chúng tôi".

Với chức năng, nhiệm vụ “công cụ” tuyên truyền, thời gian qua, chương trình PT-TH tiếng dân tộc của Đài PT-TH Yên Bái đã kịp thời đưa tin, phản ánh, cổ vũ các sự kiện, sự việc đã và đang diễn ra trong tỉnh, trong nước. Đặc biệt là làm tốt công tác tuyên truyền các ngày lễ hội truyền thống và các ngày lễ hàng năm như: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam 3/2, Ngày Quốc khánh 2/9, Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái 30/6... Nội dung tuyên truyền luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và phản ánh kịp thời việc thực hiện của các cơ quan, ban ngành và các địa phương.

Để đáp ứng tốt hơn về nhu cầu của thính giả, Đài PT-TH Yên Bái đã xây dựng trang Website trên mạng Internet với địa chỉ miền:http://www.yenbaitv.org.com.vn. Tháng 1/2014, kênh truyên hình của Đài PT-TH Yên Bái đã được phát trên vệ tinh Vinasat 1 nên các chương trình phát thanh - truyền hình tiếng dân tộc cũng đã được truy cập hàng ngày trên mạng một cách dễ dàng và truyền hình đã được phủ sóng trên diện rộng đáp ứng được nhu cầu thông tin với công chúng vùng cao.

Tiếp tục nâng cao chất lượng các chương trình PT-TH, đáp ứng được nhu cầu thông tin của đồng bào vùng cao. Ông Hà Minh Ất - Giám đốc Đài PT-TH Yên Bái đã cho biết một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới: “Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị sản xuất chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên làm chương trình. Để từng bước nâng cao chất lượng và tăng thời lượng chương trình PT-TH của Đài PT-TH Yên Bái nói chung và chương trình PT-TH tiếng dân tộc nói riêng...".

Hiện nay toàn thể đội ngũ phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên chương trình tiếng dân tộc của Đài PT-TH Yên Bái đang ra sức học tập rèn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ để đưa chương trình phát thanh - truyền hình tiếng dân tộc ngày càng phát triển, hiệu quả trở thành kênh thông tin quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

 

 Bài, ảnh: Sùng A Hồng

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải