song
Quy hoạch tỉnh Yên Bái mở đường cho nhà đầu tư, doanh nghiệp
Ngày xuất bản: 22/09/2023 8:42:01 SA
Lượt đọc: 4886

 Công tác quy hoạch có vị trí, vai trò rất quan trọng, được ví như “người công binh mở đường”, quyết định đến thắng lợi của cuộc chiến. Với chiến lược phát triển toàn diện, trọng điểm, Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ góp phần củng cố năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh, từ đó kiến tạo thêm cơ hội và mở đường cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tạo bệ phóng đưa Yên Bái “cất cánh” trên hành trình hội nhập.

 

Một góc Khu công nghiệp Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Tính hết năm 2022, Yên Bái là nơi hội tụ của trên 3.000 doanh nghiệp hơn 600 hợp tác xã với khoảng 600 dự án đang triển khai với tổng vốn đăng ký đầu tư là 93.685,6 tỷ đồng và 402,1 triệu USD. Quy mô cũng như chất lượng thu hút đầu tư đã góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm mới và thu nhập cho người lao động cũng như tăng giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp nguồn thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. 

Yên Bái đang dần trở thành điểm đến có sức hấp dẫn và quan trọng trong chiến lược đầu tư kinh doanh của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong nước với nhiều tập đoàn mới đang quan tâm đầu tư vào tỉnh như: Tập đoàn BB Group, Tổng Công ty Viglacera - CTCP, Flamingo Holding Group… 

Đây sẽ là động lực lan tỏa trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về kinh tế, nhà đầu tư, để thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, Yên Bái cần làm tốt công tác lập quy hoạch về xây dựng, đất đai; thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, nhất là về hạ tầng giao thông; tập trung phát triển một số ngành chủ lực như du lịch, khai thác, phát triển dược liệu; tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân… Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm, công khai minh bạch, công khai quy hoạch, danh mục tiến độ triển khai các dự án.

Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ mở đường cho việc xây dựng và thực hiện hiệu quả chính sách thu hút các nguồn lực, triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng đô thị, phân bố dân cư, đất đai, tài nguyên, môi trường. 

Quy hoạch cũng là cơ sở pháp lý vững chắc để tỉnh từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du, miền núi Bắc Bộ. Mục tiêu đề ra trong quy hoạch là đến năm 2030, Yên Bái nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía bắc. 

Theo đó, bên cạnh tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã có, Yên Bái quy hoạch và phát triển mới 4 khu công nghiệp, 16 cụm công nghiệp để sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư. Tỉnh tập trung hình thành phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao như: vùng chè tại huyện Văn Chấn; vùng trồng cây ăn quả tại các huyện Văn Chấn và Yên Bình; vùng trồng rau tại thành phố Yên Bái; vùng chăn nuôi lợn và gia cầm tại các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên; vùng nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà; xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Trấn Yên. 

Tỉnh cũng tập trung phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như: chế biến nông lâm sản gắn với khai thác, phát triển vùng nguyên liệu, trọng tâm là chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao, đưa Yên Bái trở thành một trong các trung tâm chế biến lâm sản của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; khai thác và chế biến sâu khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp; cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đồng thời, phát triển hợp lý một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động địa phương như dệt may, da giày. 

Tỉnh sẽ ưu tiên lựa chọn các dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường, công nghệ sinh học. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ giữa công nghiệp với nông nghiệp và các ngành dịch vụ liên quan như: thương mại, vận tải, logistics, xuất nhập khẩu... 

Để đảm bảo yêu cầu phát triển, tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn. Theo các chuyên gia về kinh tế, Yên Bái hiện đang được biết đến là khu vực có tiềm năng, thế mạnh lớn về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông đang  dần kết nối đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào... 

Có thể nói, Yên Bái đang sở hữu đầy đủ các yếu tố cần thiết để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, ngay cả những nhà đầu tư khó tính nhất. Do đó, với định hướng và giải pháp liên quan đến phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư được nêu trong Quy hoạch sẽ góp phần củng cố năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh, từ đó kiến tạo thêm cơ hội để tỉnh thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Yên Bái.

Theo Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải