Ngày 23/9, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Ranh giới giữa bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và tôn trọng quyền riêng tư của công dân trên báo chí”. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến và phát trực tiếp trên fanpage của Trung tâm.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, GS,TS. Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông cho biết: Đây là vấn đề phức tạp nhưng cũng rất tế nhị, nhiều người có thể chưa quan tâm, có quan tâm nhưng quan tâm chưa đúng mức.
GS,TS. Tạ Ngọc Tấn và PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng chủ trì hội thảo “Ranh giới giữa bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và tôn trọng quyền riêng tư của công dân trên báo chí”. Ảnh: Nguyên Phong
“Ranh giới xác định rất khó, giữa sự thật khách quan với việc bảo vệ quyền con người. Kể cả vấn đề nhân vật đồng ý cho báo chí phỏng vấn đưa tin lên nhưng việc đưa tin như thế nào để bảo vệ quyền lợi, lợi ích, quyền con người đấy cũng là vấn đề mang tính trách nhiệm của người làm báo với công chúng. Hội thảo lần này tôi mong rằng mỗi người sẽ chia sẻ những kinh nghiệm của mình từ đó mỗi nhà báo đều rút ra được bài học, phát huy được những giá trị nghề và góp phần bảo vệ nâng cao tầm vóc giá trị của mỗi con người Việt Nam”- GS,TS. Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng (Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí) đã giới thiệu một số nội dung liên quan đến quy định pháp luật, quyền tự do báo chí, quyền thông tin và quyền về đời tư; chức năng quyền hạn của báo chí… trong các điều khoản của Bộ Luật Dân sự, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tiếp cận thông tin. Giới thiệu các nội dung trong Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Giới thiệu các trong nội dung trong khoản 5 điều 3 Nghị định 64/2007/NĐ-CP liên quan đến thông tin về đời sống riêng tư...
PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng (Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí) gợi mở một số vấn đề tại hội thảo. Ảnh: Nguyên Phong
PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng cũng cho rằng: Thực tế tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề báo vẫn đang ngày càng gia tăng gây bức xúc trong nhân dân. Các vi phạm này tuy chỉ xảy ra ở một số nhỏ ở cơ quan báo chí, một số nhà báo nhưng cũng làm ảnh hưởng tới uy tín của báo chí và ảnh hưởng tới uy tín người làm báo. Nhiều thông tin về cá nhân, đời tư đang được khai thác trên báo chí và mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau, thông tin cá nhân, đời tư được đưa lên mặt báo làm ảnh hưởng tới đời sống và vi phạm quyền riêng tư.
Chia sẻ kinh nghiệm từ cá nhân, cơ quan đơn vị mình, nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết: Hơn ai hết, nhà báo phải biết rõ giới hạn về mặt luật pháp khi động chạm đến những khía cạnh nhạy cảm liên quan đến nhân thân của những người trong cuộc. Bởi lẽ “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”.
Do đó, ngoài những quy định luật pháp, đạo đức, nhà báo phải tuân thủ nguyên tắc “trái tim nóng và cái đầu lạnh” trong cả quy trình làm báo từ đầu vào đến đầu ra của tác phẩm báo chí. Điều đó có nghĩa là nhà báo hoàn toàn có thể khai thác câu chuyện của nhân vật bằng cảm xúc và nhiệt huyết của mình nhưng khi thể hiện thành sản phẩm báo chí thì phải phân tích, xem xét bằng lý trí và sự tỉnh táo.
Theo nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ: "Nhà báo phải tuân thủ nguyên tắc “trái tim nóng và cái đầu lạnh” trong cả quy trình làm báo...". Ảnh: Nguyên Phong
Nhà báo Lê Xuân Trung chia sẻ: “Kinh nghiệm thực tế cho thấy khi nhà báo đã dồn hết cảm xúc (trái tim nóng) vào sản phẩm thì khó mà đủ tỉnh táo (cái đầu lạnh) để soi xét bằng lý trí. Ở báo Tuổi Trẻ còn có một khâu cộng thêm vào quy trình làm báo để gác cửa việc này: Tỉnh táo viên. Đây là những người không tham gia trực tiếp vào quy trình làm báo nhưng có trách nhiệm xem lại sản phẩm báo chí cuối cùng để tư vấn, góp ý cho Ban biên tập về những vấn đề cần hết sức tỉnh táo”.
Tại hội thảo, nhà báo Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cũng chia sẻ về một trường hợp cụ thể trong thực tiễn tác nghiệp. Đó là câu chuyện phóng viên đi phỏng vấn một bệnh nhân HIV, nhân vật đồng ý cho ê kíp quay chính diện, quay mặt. Phóng viên đã viết một nội dung về việc đồng ý lên hình, nhân vật đã ký. Về nhà phát sóng, không che hình, hôm sau em gái của nhân vật đến làm ầm ĩ, không đồng ý với việc phóng sự đài đã phát.
“Lúc này chị phóng viên bỏ giấy cam kết trong túi đưa cho gia đình xem… Ở đây tôi thấy ranh giới giữa cái đúng, cái lý của mình và cái tình cũng như số phận nhân vật, sự ảnh hưởng của phóng sự tới những người thân trong gia đình họ...Điều đó phóng viên phải phán đoán được, đặt mình trong đó. Cách ứng xử của phóng viên đúng nhưng không hợp. Quyền lợi, sinh mệnh của một nhân vật phải cao hơn cái lý, cao hơn quyền được phát sóng, làm ra sản phẩm truyền hình” - nhà báo Trần Bá Dung chia sẻ.
Nhà báo Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ HNBVN cho rằng: "Quyền lợi sinh mệnh của một nhân vật phải cao hơn cái lý, cao hơn quyền được phát sóng..." Ảnh: Nguyên Phong
Trao đổi về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Thu Hà - Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Paris (Pháp) cho biết: Việc bảo vệ quyền giữ gìn hình ảnh, quyền riêng tư là rất quan trọng, muốn chụp ảnh hoặc quay phim một người, một nhóm người hoặc một địa điểm, tác giả của ảnh hoặc phim phải được thực hiện đúng pháp luật, tức là phải được sự cho phép.
Quyền của một người đối với hình ảnh của mình được bảo vệ. Bất kỳ ai, nổi tiếng hay ẩn danh, đều có thể phản đối việc sử dụng hình ảnh của họ mà không được họ cho phép, trừ một vài trường hợp ngoại lệ. Nếu nguyên tắc này không được tôn trọng, người chụp ảnh, ghi hình có thể bị kiện ra tòa, phải bồi thường thiệt hại, thậm chí phải đi tù.
Nhà báo Nguyễn Thu Hà cho biết: Quyền riêng tư ở đây là sức khỏe, tình cảm và cuộc sống gia đình, nhà cửa, thu nhập, tôn giáo, tín ngưỡng và chính trị,... đều cấu thành các yếu tố trong cuộc sống riêng tư của mỗi người. Việc sao chép hoặc phổ biến một hình ảnh liên quan đến người đó phải tôn trọng các nguyên tắc của luật bảo mật và quyền đối với hình ảnh. Do đó, bất kỳ hành vi vi phạm quyền hình ảnh nào đều trở thành vi phạm quyền riêng tư và có thể bị phản đối việc công bố thông tin, thậm chí có thể bị kiện ra tòa.
Nhà báo Nguyễn Thu Hà - Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Paris (Pháp) cho biết: "Việc bảo vệ quyền giữ gìn hình ảnh, quyền riêng tư là rất quan trọng". Ảnh: Nguyên Phong
Còn theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Điện tử Dân Việt: Chúng ta có luật để chi phối quyền riêng tư của mỗi người trên báo chí và mạng xã hội - điều này thì đã rõ. Song, có những khoảng mờ tranh luận (không quá trầm trọng), thì cần một trái tim nóng và một cái “Tâm” sáng nhằm suy xét. Thể hiện trách nhiệm của nhà báo và cơ quan họ với cộng đồng. Rồi, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Hãy đặt mình trong vị trí của nhân vật bị mình đưa các vấn đề, hình ảnh “riêng tư” ở các mức độ khác nhau lên báo chí, để hiểu, để thông cảm, để thương yêu và cũng là để… căm phẫn. Yêu tha thiết và căm thù mãnh liệt, là hai chiều cảm xúc nhà báo cần có để làm nghề: cũng là để quyết định mức độ công bố cái gọi là quyền riêng tư kia lên các phương tiện truyền thông đến đâu. Đưa hay không, đưa theo cách nào!
“Tác phẩm báo chí mà nhút nhát quá, thành ra nhạt nhẽo và vô dụng cho xã hội. Táo bạo quá, có khi vô tình làm đau người khác một cách không cần thiết, vi phạm quy tắc đạo đức và luật pháp về quyền riêng tư. Khi việc làm đau này thành phong trào mà không được cầm cương, thì lại còn thành ra nguy hiểm và phản nhân văn” nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khẳng định.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Điện tử Dân Việt chia sẻ về ghi lại hình ảnh khi làm phóng sự điều tra. Ảnh: Nguyên Phong
Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung chia sẻ nhiều bài học, ví dụ cụ thể về những lần tác nghiệp. Như những tác phẩm phóng sự điều tra, quay lén; ghi lại hình ảnh cơ quan điều tra bắt các quan chức, lãnh đạo; kinh nghiệm về dùng những góc quay để giấu mặt nhân vật, quay sau lưng, quay dưới chân… góc quay nào vừa có được hình ảnh nhân vật vừa không lộ được mặt nhân vật.
Một số nhà báo chia sẻ về cách nhận biết như thế nào là vi phạm quyền riêng tư, đời tư, kinh nghiệm về tòa soạn có đội ngũ luật sư để phân định rõ ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm. Nhiều đại biểu nêu khi đăng tải một tác phẩm đầu tiên phải phân định được đâu là ranh giới của đạo đức, của pháp luật, hay đặt vấn đề giá trị truyền thông lên trên hết tất cả.
Một số nhà báo cho rằng mỗi tòa soạn nên đặt quy định hình ảnh nào nên đưa, không nên đưa, nên có bộ quy định riêng. Cần hệ thống lại thành quyển sổ tay nhỏ, cẩm nang cho phóng viên áp dụng. Ngoài ra các đại biểu còn trao đổi vấn đề nhà báo lạm quyền khi cố tình vi phạm quyền riêng tư, đời tư của nhân vật để nhằm mục đích kinh tế…
Hội thảo với chủ đề: “Ranh giới giữa bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và tôn trọng quyền riêng tư của công dân trên báo chí” thu hút sự quan tâm, tham dự của rất nhiều nhà báo. Ảnh: Nguyên Phong
Tiếp thu những ý kiến đóng góp tại hội thảo, GS,TS. Tạ Ngọc Tấn khẳng định: Mỗi một ví dụ, một trường hợp các đại biểu trao đổi chia sẻ ngày hôm này, dù trong nước hay ở nước ngoài sẽ là bài học kinh nghiệm để mỗi người làm báo áp dụng vào thực tiễn khi tác nghiệp.
Ở đây vấn đề trình độ nhận thức của người dân cũng rất quan trọng, báo chí cần tích cực tuyên truyền cho người dân để nâng cao nhận thức về các quy định pháp luật, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người khi bị xâm phạm quyền riêng tư.
Tuy nhiên cách tiếp cận thông tin pháp luật của người dân trong tương lai có thể sẽ thay đổi nhưng vấn đề lương tâm trách nhiệm của người làm báo trước sau như một, chúng ta làm báo về quyền con người, vì tính nhân văn mà chúng ta phải bảo vệ. Luật pháp vẫn phải hoàn thiện, vấn đề quản lý báo chí cũng thay đổi để phù hợp.
GS,TS. Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh: "Mỗi nhà báo không chỉ quan tâm nâng cao vấn đề nghề nghiệp, nghiệp vụ kỹ thuật, hiểu pháp luật nhưng trên hết là lương tâm trách nhiệm của người làm báo. Khi chúng ta nhận thức về nghề nghiệp chúng ta sẽ có trách nhiệm với từng nhân vật, chúng ta đặt mình vào lợi ích nhân vật".
Theo Báo Nhà báo và Công luận
CÁC TIN KHÁC