song
Rèn luyện kỹ năng, bảo vệ hoạt động tác nghiệp hợp pháp - Vấn đề quan trọng đối với mỗi nhà báo
Ngày xuất bản: 03/04/2023 7:19:14 SA
Lượt đọc: 4431

 Trong thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện các vụ việc cản trở hoạt động báo chí, đe dọa, hành hung nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp. Hơn lúc nào hết việc trang bị kỹ năng tự bảo vệ khi tác nghiệp là vấn đề quan trọng với mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí.

Phóng viên được đánh giá là một trong những nghề thu hút nhiều bạn trẻ với những điểm thú vị như đi nhiều, gặp gỡ nhiều người, biết nhiều thứ. Tuy nhiên đây cũng được đánh giá là nghề nguy hiểm, nhất là những phóng viên làm điều tra, về môi trường, an ninh trật tự, buôn lậu, phá rừng, vi phạm đất đai… Thực tế, đã có những tòa soạn áp dụng phương pháp đào tạo võ thuật cổ truyền cho phóng viên để tự vệ, hướng dẫn truyền đạt cho phóng viên các kỹ năng bảo vệ mình trong các tình huống không mong muốn, để khi xông pha vào các điểm nóng có thể yên tâm xử lý các tình huống.

 

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng ghi nhận bằng chứng phá rừng tại Quảng Nam.

Trên thực tế, muốn có thông tin hay, phóng viên phải đi đến tận những địa điểm để ghi nhận, nơi đó có thể là nguy hiểm, cực kỳ ô nhiễm độc hại… Ở những địa điểm đó, họ dễ rơi vào trạng thái của sự sống và cái chết, đối diện với những tình huống bất ngờ, đe dọa đến tính mạng để có được những thước phim, những hình ảnh chân thực nhất về những vấn đề, sự kiện mọi người đang quan tâm.

Như tháng 10 năm 2022, trong lúc ghi hình thực tế tình trạng “xe dù bến cóc” tại Trạm xe buýt đầu đường Nguyễn Tất Thành (phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột), phóng viên Ngọc Hùng – Báo Giao thông bắt gặp chiếc xe dán logo Thế Vĩnh mang BKS: 47G-000.21 (bên hông phải xe dán BKS 47B - 017.96) tấp vào đón bắt khách.

Xe đeo biển số 47G-000.21 nhưng trên thân xe lại in biển số khác, chiếc xe cải tạo thành xe tải van, không được phép chở khách theo quy định. Thấy phóng viên tác nghiệp, tài xế tiến lại cản trở, không cho chụp hình. Vài phút sau, chiếc xe này đón một hành khách lên, khi phóng viên đang quay video thì tài xế mở cửa, chạy tới lớn tiếng chửi bới rồi dùng tay đánh nhiều cái vào đầu, bụng phóng viên. Bị đánh tới tấp, phóng viên giơ tay đỡ khiến tay cũng bị thương tích.

Hay như gần đây, ngày 11 tháng 2 năm 2023, anh Hoàng Quân là phóng viên Chuyên đề Công an TP HCM (Báo Công an nhân dân) nhận điện thoại của một người đàn ông từ số máy 0917279xxx. Qua điện thoại, người đàn ông này xưng là anh của bà T.T.H, nhân vật trong bài viết “Vay gần 38 tỷ, trả 56 tỷ vẫn bị đòi nợ 52 tỷ đồng” của anh Quân thực hiện. Cuộc gọi dài hơn 7 phút, người đàn ông này liên tục chửi bới, dọa giết cả gia đình anh Quân.

 

Đối tượng tấn công, đe dọa phóng viên Báo Giao Thông.

Mới nhất, vào ngày 21/3, nhóm phóng viên báo Báo Điện tử Dân Việt/Nông thôn Ngày nay phối hợp cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đến nhà máy giấy Thuận Phát (xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) để ghi nhận về tình trạng nghi xả thải gây ô nhiễm môi trường tại đây.

Trong lúc phóng viên đang tác nghiệp, nhóm 3 đối tượng đã có hành vi ngăn cản, bẻ tay, giật, ném, đạp camera nhằm hủy hoại tài sản và những bằng chứng đã lưu bên trong camera, dùng những lời lẽ hăm dọa, chửi bới, xúc phạm nhóm phóng viên. Nhóm đối tượng này còn chỉ đạo đưa một chiếc xe tải, chặn cổng ra vào nhà máy, không cho nhóm phóng viên và 2 cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đà Bắc ra ngoài…

Mặc dù ngay sau đó nhóm phóng viên đã liên lạc với lực lượng công an xã, công an huyện, nhưng nhóm đối tượng vẫn hết sức hung hãn, đe dọa, đồng thời thách thức cả nhóm phóng viên và cơ quan chức năng.

Có thể nói, phóng viên viết điều tra, tiêu cực là nghề nguy hiểm, không chỉ ngay lúc đi tác nghiệp thực tế mà cả khi tác nghiệp xong, tác phẩm báo chí đã được đăng tải, được bạn đọc đánh giá cao, nhưng đằng sau đó vẫn có nhiều rủi ro tiềm ẩn có thể xảy đến. Trong quá trình tác nghiệp họ gặp nhiều người manh động, đó là những đối tượng xã hội đen, có tiền án, tiền sự, họ sẵn sàng hành hung phóng viên bất cứ lúc nào.

 

Nhóm 3 đối tượng tự xưng Giám đốc và 2 bảo vệ đã bẻ tay, vít cổ phóng viên và giật camera ném đi.

Ngoài việc cố gắng có được hình ảnh, âm thanh đắt giá, đối với phóng viên điều tra họ còn chịu áp lực lớn về mặt tinh thần khi bị đe dọa tính mạng cả bản thân và gia đình. Nhiều nhà báo cho rằng việc đe dọa là việc thường ngày diễn ra, phóng viên phải chấp nhận việc đó để có những tác phẩm có giá trị, để đời.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo Điện tử Dân Việt/Nông thôn Ngày nay cho biết, đối với nhà báo điều tra họ có thể bị lộ bất cứ lúc nào, từ khi tác phẩm đang được triển khai, chưa được đăng tải, đến lúc đăng tải, sau này nhận các giải thưởng báo chí họ đều có thể bị lộ. Muốn an toàn thì cố gắng không lộ danh tính; các đối tượng bị tố cáo sai phạm, bị đi tù nhưng họ không biết ai làm thì sẽ hạn chế khả năng bị trả thù.

Khi buộc phải lộ mình, phải gặp gỡ trực tiếp với những người có liên quan để phỏng vấn thì nên đi theo nhóm, bảo vệ nhau, tinh tế, luôn có thống nhất với nhau về các phương án an toàn, hỗ trợ nhau thu thập thông tin, hình ảnh tạo tính chân thực đa dạng, có chiều sâu cho tác phẩm.

“Trước sự manh động của các đối tượng, phóng viên cần chạy nhanh hơn, chống lại sự tấn công của những người có vũ khí. Bạn cứ hình dùng như đi vào ngõ nhưng không phải là ngõ không cụt, cần nhìn ra được con đường để thoát thân, ví dụ có người cảnh giới, có người đứng xa hỗ trợ, nên có người đi cùng sẽ yên tâm hơn. Đây là một trong những kỹ năng mềm để đảm bảo an toàn cho phóng viên” - nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ.

 

Nhà báo Hoàng Quân - phóng viên Chuyên đề Công an TP HCM (Báo Công an nhân dân) chia sẻ khó khăn với người dân vùng mưa lũ tại xã miền núi Húc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).

Nghề báo được xem là nghề vinh quang, nghề có sức ảnh hướng đến công chúng, nhưng cũng là nghề nhọc nhằn và không ít nguy hiểm. Để bảo vệ mình, các phóng viên cần nâng cao ý thức trách nhiệm, nắm vững pháp luật cũng như quy định đạo đức nhà báo. Và trên hết mỗi nhà báo phóng viên cần luôn thẳng thắn, công tâm, dũng cảm, bảo vệ người yếu thế, bảo vệ lẽ phải và công bằng xã hội…

Mới đây Báo NTNN/Dân Việt đã tổ chức buổi Tọa đàm “Làm gì để bảo vệ nhà báo trong chống tiêu cực?”. Tại buổi tọa đàm các đại biểu đều nhấn mạnh về việc cần có chế tài mạnh, đủ sức răn đe hơn để bảo vệ phóng viên trước các hành vi manh động, hành hung, vi phạm pháp luật như kể trên. 

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết, báo chí được coi là lĩnh vực đặc biệt, trên thế giới cũng coi đây là một ngành nghề đặc biệt, đặc biệt ở nhiệm vụ của báo chí và sự rủi ro của nó. Thực tế hiện nay phóng viên đến tác nghiệp tại các khu vực trọng yếu, vào các vụ việc nhạy cảm, gây bức xúc dư luận hay các vụ việc về tham nhũng tiêu cực thì mang lại nhiều rủi ro cho phóng viên.

Trả lời câu hỏi về việc phóng viên nhà báo đi tác nghiệp như đi thi hành công vụ, người ngăn cản, hành hung nhà báo là những người chống người thi hành công vụ, tuy nhiên đến nay vấn đề này vẫn chưa được công nhận? Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, các cơ quan báo chí được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và trong Luật Báo chí năm 2016 cũng nêu việc bảo hộ quyền tác nghiệp của nhà báo. Chúng ta phải xem rõ việc bảo hộ này như thế nào, có được áp dụng quy chế của công vụ vào, đặc biệt khi bị chống đối, bị đe dọa có được áp dụng các quy định của chống người thi hành công vụ vào hay không? Việc này cần phải được xem xét trên cả bình diện khoa học, pháp lý rộng rãi để áp vào vấn đề thực tiễn này.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải