song
Sơ kết 1 năm phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”
Ngày xuất bản: 19/11/2023 9:43:48 SA
Lượt đọc: 3455

 Chiều 16/11, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”, Tổng kết công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại địa phương, Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam.

Dự Hội nghị có ông Lê Quốc Minh (Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) cùng đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; 20 liên chi hội và 100 chi hội nhà báo trực thuộc.

 

 Các đồng chí chủ trì hội nghị 

Hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”, các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố tích cực triển khai thực hiện, tổ chức lễ phát động thi đua trong cơ quan báo chí, ký kết giao ước thi đua trong các Cụm thi đua, chi hội, câu lạc bộ nhà báo, người làm báo trực thuộc; tăng cường đưa nội dung văn hóa báo chí vào các buổi sinh hoạt hội, hội nghị, hội thảo, tọa đàm; gắn xây dựng môi trường văn hóa với nội dung đào tạo, bồi dưỡng chính trị đạo đức chuyên môn nghiệp vụ...

Toàn cảnh hội nghị

Qua việc thực hiện phong trào thi đua, nhiều cơ quan báo chí, các cấp Hội đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Nhiều cơ quan báo chí đã xác định được vấn đề nổi cộm, cấp thiết để tập trung giải quyết như: Việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, kịp thời chấn chỉnh việc phát ngôn không phù hợp trên mạng xã hội của một số rất ít nhà báo.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ về việc thực hiện “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Đồng thời, đưa ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...

Nhìn nhận qua 5 năm thực hiện Quyết định số 979/QĐ-HNBVN của Hội Nhà báo Việt Nam về sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương, cho thấy: các văn phòng đại diện, hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú tại địa phương đã bám sát định hướng của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí địa phương, thực hiện tốt Luật Báo chí, tôn chỉ mục đích cơ quan báo chí; triển khai hiệu quả các nội dung tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu thông tin của đại đa số công chúng báo chí.

Hiện có 62 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận và bố trí sinh hoạt cho 1.051 hội viên là phóng viên thường trú; chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền rà soát, nắm số lượng, danh sách trích ngang của hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương. Hầu hết hội viên phóng viên thường trú đăng ký tham gia sinh hoạt tại Hội Nhà báo tỉnh, thành phố là lực lượng phóng viên nòng cốt của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn của Trung ương...

Các đại biểu đã phát biểu, tham luận, nêu lên những kinh nghiệm trong việc phối hợp quản lý hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương; xử lý hội viên vi phạm điều lệ Hội Nhà báo, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; vai trò giám sát của Hội Nhà báo địa phương…

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi ghi nhận các ý kiến đóng góp cũng như những kiến nghị, đề xuất giải pháp của đại biểu về các nội dung quan trọng mà hội nghị thảo luận. Trên cơ sở đó, Hội sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện phong trào xây dựng môi trường văn hóa của cơ quan báo chí, văn hóa người làm báo ở các cấp Hội Nhà báo, để báo chí từng bước vươn tới tiêu chí “Chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Đồng thời, Hội tích cực tham mưu cho cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí xây dựng các quy định, quy chế quản lý hoạt động báo chí, văn phòng đại diện và phóng viên thường trú tại địa phương; đào tạo, bồi dưỡng hội viên là phóng viên thường trú ở địa phương.

P.V

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải