song
Sứ mệnh và trách nhiệm của văn học nghệ thuật trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người
Ngày xuất bản: 18/07/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 35344

 Con người là chủ thể của mọi sự phát triển, còn văn hóa tạo ra hệ thống các giá trị chuẩn cho con người vươn tới, từ đó hình thành nên phẩm chất con người. Trong văn hóa thì văn học nghệ thuật là loại hình, lĩnh vực quan trọng, đặc biệt, tinh tế, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người. Như vậy, có thể nói văn học nghệ thuật là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và xây dựng, phát triển văn hóa con người. Với vai trò như vậy, văn học nghệ thuật mang sứ mệnh và trách nhiệm rất lớn.

Giao lưu Đoàn văn nghệ sỹ VHNT tỉnh Nam Định với văn nghệ sỹ Yên Bái

Trong các chức năng lớn của văn học nghệ thuật như: Chức năng nhận thức; chức năng thẩm mỹ; chức năng giáo dục là chức năng chủ chốt góp phần điều chỉnh xã hội, xây dựng một xã hội lành mạnh hơn. Trong đời sống xã hội ngày nay, có thể dễ dàng nhận thấy sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đặc biệt là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, trở thành lực cản đối với sự phát triển của đất nước. Sự xuống cấp đó chắc chắn một phần do chúng ta chưa coi trọng, phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Hiện nay có một thực tế, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật ngày càng rời xa chức năng giáo dục, thẩm mỹ; chức năng giải trí bị biến dạng, chạy theo thị hiếu tầm thường, thậm chí là thấp kém của một bộ phận công chúng. Điều đáng lo ngại là các tác phẩm này lại được quảng bá, tiếp thị với mục đích thu lợi nhuận của các nhà sản xuất, phát hành. Các tác phẩm tốt, có chiều sâu tư tưởng và mang đậm dấu ấn nghệ thuật, thẩm mỹ lại ít được công chúng quan tâm, thậm chí nhiều tác phẩm hay không đến được công chúng vì thiếu một chiến lược quảng bá, giới thiệu hiệu quả. Hoạt động nghiên cứu, phê bình, lý luận văn học, nghệ thuật chưa phát huy tốt nhiệm vụ định hướng thị hiếu công chúng, trong nhiều trường hợp, để báo chí làm thay nên đôi khi việc đánh giá, thẩm định tác giả, tác phẩm còn thiếu chính xác.

Văn học nghệ thuật vừa khẳng định vừa phản biện, vừa nuôi dưỡng vừa nâng đỡ, vừa là chỗ dựa tinh thần vừa nghiêm khắc cảnh tỉnh con người, giúp con người nhận ra những cái xấu, cái chưa hoàn thiện để tự điều chỉnh mình. Hiệu quả tích cực mà văn học, nghệ thuật đem lại là điều không thể phủ nhận, ngược lại, nếu để văn học nghệ thuật chạy theo thị hiếu thấp kém, tầm thường, thì những tác động tiêu cực của nó ảnh hưởng không nhỏ đến công chúng, nhất là giới trẻ. Những ảnh hưởng tiêu cực này thật đáng báo động trong những năm gần đây.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến văn hóa, văn học nghệ thuật. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã xác định văn học nghệ thuật là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm. Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tiếp tục khẳng định: Phát triển văn học, nghệ thuật là một trong các nhiệm vụ then chốt. Với thực trạng hiện nay, để phát triển văn học nghệ thuật, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người, có ba vấn đề cần chú ý: Thứ nhất về phía chủ thể sáng tạo, đòi hỏi mỗi văn nghệ sỹ bên cạnh tài năng, năng khiếu, phải vươn lên là những nhà tư tưởng, vừa có tài, vừa có tâm, có tầm; bên cạnh đó, văn nghệ sĩ phải là những nhà đạo đức, làm gương cho xã hội, là những công dân với đầy đủ ý thức trách nhiệm, bổn phận đối với dân tộc, nhân dân, đất nước; Thứ hai, về phía công chúng - người tiếp nhận, cần thường xuyên bồi dưỡng năng lực cảm thụ nghệ thuật, định hướng thị hiếu, thẩm mỹ lành mạnh cho công chúng. Chỉ khi chúng ta có một công chúng hiểu biết, có gu nghệ thuật tinh tế, có đòi hỏi cao về hưởng thụ văn hóa, thì nền văn học nghệ thuật mới có cơ hội phát triển; Thứ ba, đối với các nhà quản lý, lãnh đạo, tham mưu văn hóa, văn nghệ cần nâng cao năng lực, hiểu biết về lĩnh vực nhạy cảm và tinh tế này. Tránh tình trạng có những xử lý, ứng xử chưa đúng đối với tác giả, tác phẩm, làm mất đi môi trường thuận lợi, mất sự kích thích sức sáng tạo đối với văn nghệ sỹ.

Để văn học nghệ thuật thực sự phát huy vai trò, sứ mệnh trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người, ngoài giải quyết các vấn đề đã nêu ở trên, các Hội văn học nghệ thuật từ Trung ương tới địa phương cần xây dựng Hội vững mạnh toàn diện, tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động, gắn bó máu thịt và trách nhiệm với hội viên, với dân tộc, nhân dân, đất nước.

Đại hội Văn hóa Dân gian tỉnh Yên Bái

Đối với Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yê Bái, là nơi tập hợp, quản lý, tổ chức hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh, Hội luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích là nâng cao hơn nữa tính tư tưởng, tính giáo dục lý tưởng thẩm mĩ cho công chúng thưởng thức thông qua hình tượng văn học nghệ thuật. Hiện nay Yên Bái có 145 hội viên. Trong những năm qua, Hội đã theo dõi, phát hiện, bổ sung những tác giả trẻ; phối hợp với các Hội chuyên ngành, các địa phương tăng cường các trại sáng tác để bồi dưỡng, nâng cao năng lực sáng tác cho các tác giả. Bộ máy cơ quan Thường trực, nhất là bộ phận Ban Biên tập các ấn phẩm của Hội đã được Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái kiện toàn. Ban Biên tập thường xuyên họp giao ban để rút kinh nghiệm, thường xuyên trao đổi với tác giả, hội viên, vì vậy mà chất lượng tác phẩm trên các ấn phẩm của Hội ngày một nâng cao. Hiện nay, ngoài Tạp chí Văn Nghệ Yên Bái xuất bản mỗi tháng một số, Hội còn có thêm ấn phẩm Văn nghệ Yên Bái vùng cao, xuất bản hai tháng một số và Trang Văn học Nghệ thuật Yên Bái điện tử, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đáp ứng ngày càng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh, theo kịp xu thế của thời đại, đưa Văn học nghệ thuật đến được nhanh nhất, nhiều nhất tới đông đảo công chúng trong và tỉnh. Hội cũng thường xuyên tổ chức các cuộc Hội thảo và các cuộc thi, gần đây nhất là phát động cuộc thi viết truyện ngắn ba tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai; Cuộc thi Thơ; Cuộc thi ảnh “Đất và người Yên Bái”; Cuộc thi Ca khúc Yên Bái; Cuộc thi sáng tác Logo tỉnh Yên Bái… ngoài ra Hội còn vận động viết cho các chuyên mục như: “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Bên cạnh đó, các chi hội chuyên ngành cũng luôn có những hoạt động sáng tác thiết thực, cụ thể như triển lãm, đi thực tế sáng tác...

Yên Bái là một tỉnh miền núi, đa dân tộc, được hội tụ bởi các lớp trầm tích văn hóa đặc trưng. Thiên nhiên tươi đẹp, không gian văn hóa độc đáo, văn hóa dân gian, dân ca, dân vũ phong phú, là cảm hứng và là nguồn đề tài vô tận cho các văn nghệ sĩ Yên Bái sáng tạo. Đó là môi trường tốt sinh ra các thế hệ văn nghệ sĩ có đóng góp không nhỏ cả về số lượng và chất lượng trong nền văn học nghệ thuật. Điều đáng ghi nhận nhất là đội ngũ văn nghệ sĩ Yên Bái đã làm phong phú và bền vững hơn bản sắc văn hóa. Bản sắc văn hóa ấy là linh hồn, là cội nguồn của sự trường tồn, là mục tiêu quan trọng góp phần xây dựng văn hóa con người trong thời kỳ mới. Luôn chăm lo, củng cố đội ngũ văn nghệ sĩ và đẩy mạnh đầu tư cho sáng tác, quảng bá văn học nghệ thuật; nâng cao đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ, chính vì thế văn học nghệ thuật Yên Bái đã phát huy tốt vai trò, sứ mệnh xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đưa nền văn học nghệ thuật ngày càng tiến bộ, luôn là bộ phận tinh túy của văn hóa, là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực phát triển bền vững đất nước.

Nông Quang Khiêm

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải