song
Thông tin báo chí với công tác lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay
Ngày xuất bản: 06/04/2018 7:54:01 SA
Lượt đọc: 30754

 Công tác lãnh đạo, quản lý bao gồm nhiều yếu tố cấu thành: mục đích, chủ thể, đối tượng, nội dung, phương thức... Để phục vụ cho hoạt động của mình, nhất là xây dựng đường lối, chính sách, xử lý các vấn đề đang nảy sinh trong đời sống xã hội, ban hành những quyết định quan trọng, liên quan đến lợi ích của đông đảo các tầng lớp nhân dân, bên cạch các kênh thông tin trực tiếp như nhận báo cáo từ cấp dưới, từ các cuộc họp, các cơ quan chức năng..., các tổ chức, cơ quan lãnh đạo, quản lý rất chú ý đến nguồn tin từ báo chí. Thông tin báo chí là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Mặc dù vậy, thông tin trên báo chí về công tác lãnh đạo quản lý còn có những hạn chế nhất định cần phải thay đổi nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin báo chí.

1.Vai trò thông tin báo chí trong công tác lãnh đạo, quản lý

Thứ nhất, thông tin báo chí phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước

Để các nghị quyết của Đảng, quyết định, đạo luật của các cơ quan nhà nước được triển khai hiệu quả, sâu rộng và đồng bộ thì việc tuyên truyền một cách chính xác, kịp thời, đúng nội dung của các văn bản đó là việc làm rất cần thiết, nhất là đối với những văn bản quan trọng như: Nghị quyết các Đại hội Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, Hiến pháp 2013, Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi)... Chính vì vậy, sau khi kết thúc mỗi kỳ họp Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương, Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, họp báo Chính phủ thường kỳ... các báo đều đưa nhiều thông tin về các chủ trương, quyết sách đã được thông qua và tình hình tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai tại các bộ, nghành địa phương trên cả nước.

Thông qua việc tuyên truyền, báo chí đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, tạo diễn đàn phản ánh kịp thời những ý kiến sôi động từ thực tiễn cuộc sống để Đảng, Nhà nước có các quyết sách đúng đắn. Như vậy, thông tin báo chí góp phần phát huy dân chủ, nâng cao dân trí, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng và thực thi đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

-Thứ hai, thông tin báo chí phản ánh tình hình triển khai thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước

Trong những năm 2013 - 2015, báo chí thường xuyên đưa tin về việc thực hiện phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII (Về một số vấn đề cấp bách của Đảng trong điều kiện mới), Nghị quyết vế đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục..., tạo ra những hiệu ứng xã hội tốt, được dư luận nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ, đồng thời cũng phê phán những nghành, địa phương triển khai còn hình thức, hiệu quả không cao. Thông tin báo chí phản ánh về việc  thực hiện chưa tốt Nghị định số 122/2015/NĐ - CP quy định về nâng mức lương tối thiểu vùng; chủ trương đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; việc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ cho người dân vay để sửa chữa, xây dựng mới nhà ở; về xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1 năm 2015... Đó chỉ là mấy vấn đề nổi bật trong số hàng trăm vấn đề mà người dân quan tâm, đòi hỏi các cơ quan Đảng, Nhà nước phải giải quyết, đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

-Thứ ba, thông tin báo chí phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội, phản ánh những yếu kém trong quản lý nhà nước, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý điều chỉnh chủ trương, chính sách và biện pháp giải quyết kịp thời.

Trước khi ban hành Nghị quyết, chính sách, các cơ quan lãnh đạo, rất cần nguồn thông tin từ báo chí. Những thông tin chính xác, đa chiều giúp phân tích, xử lý để đưa ra quyết định đúng đắn. Trong quá trình thực hiện nghị quyết, chính sách, báo chí lại tiếp tục phản ánh những bất cập, khó khăn; ý kiến phản hồi từ các đối tượng liên quan. Như vậy, thông tin báo chí tích cực giám sát, phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các vấn đề xã hội, ngăn ngừa được những hạn chế của chính sách, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, giải toả những bức xúc của xã hội, thông qua đó tạo áp lực, buộc những người lãnh đạo, quản lý phải không ngừng học hỏi, rèn luyện kỹ năng và có thái độ, hành vi đúng đắn trước nhân dân.

-Thứ tư, thông tin báo chí cảnh báo, dự báo những vấn đề có thể xảy ra để cơ quan quản lý nhà nước chủ động có biện pháp đối phó, xử lý phù hợp

Năm 2015, báo chí nhiều lần đưa tin cảnh báo về nguy cơ sản phẩm tôn thép của Trung Quốc có thể tràn vào Việt Nam; về hàng hoá nhập lậu từ Trung Quốc khá phổ biến; hiện tượng tiêu cực từ dự án xây dựng nhà từ gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ; về việc thịt gà Mỹ nhập khẩu có giá trị thấp; về tình trạng “lời thật lỗ giả”, chuyên gia của doanh nghiệp nước ngoài..., qua đó các cơ quan chức năng gồm công an, thuế, tài chính, thanh tra chính phủ đã triển khai hàng loạt đợt thanh tra, kiểm tra, đồng thời có giải pháp hữu hiệu. Điều đó cho thấy những thông tin báo chí là chính xác, kịp thời, phục vụ đắc lực công tác quản lý  nhà nước. Những bài báo phản ánh gay gắt về những nguy cơ có thể xảy ra khi ký hợp đồng với các công ty Trung Quốc khai thác quạng bô xít ở Tây Nguyên, xây dựng đường sắt trên cao ở Hà Nội, lao động Trung Quốc tràn sang làm việc ở các khu vực công nghiệp trên cả nước... Đến nay, nhiều vấn đề được cảnh báo sớm đã xảy ra và khó giải quyết.

-Thứ năm, thông tin báo chí phục vụ công tác đấu tranh với các hành vi quan liêu, tham nhũng lãng phí, lợi dụng chức vụ quyền hạn, coi thường pháp luật của cơ quan, cá nhân lãnh đạo, quản lý

Trong năm 2014 - 2015, báo chí đã thông tin khách quan, chính xác, kịp thời về nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền xây biệt thự có nhiều đất đai, bổ nhiệm cán bộ hàng loạt trước khi về hưu; về vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và Nguyễn Đức Kiên phạm lỗi “Lừa đoạt chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức vụ Dương Chí Dũng phạm tội tại Vinaline; về việc nhiều tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Khánh Hoà... đua nhau trình dự án hàng nghìn tỷ đồng xây Trung tâm hành chính; lãnh đạo tỉnh Sơn La chủ trương xây dựng quảng trường, tượng đài hàng trăm tỷ; vụ nguyên Giám đốc Công an Quảng Nam xây dựng bất hợp pháp biệt thự trên đất rộng hàng nghàn m2 ở rừng Hải Vân... đã gây bức xúc trong dư luận. Nhờ thông tin báo chí, tất cả các hiện tượng, dự án nêu trên đều được xử lý kịp thời, những người vi phạm đều bị buộc phải tôn trọng pháp luật, phải khắc phục hậu quả.

-Thứ sáu, thông tin báo chí phản ánh tình hình thế giới, thực trạng hội nhập quốc tế của Việt Nam, giúp các cơ quan quản lý, doanh nghiệp có giải pháp thích hợp

Thông tin về Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày 5.10.2015; về việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối tháng 12.2015, về tình trạng nền kinh tế và phá giá đồng Nhân dân tệ ở Trung Quốc, vấn đề nợ công ở Châu Âu, thị trường Mỹ... được tất cả các báo đưa tin đậm nét (nhất là Thời báo kinh tế, Đầu tư, Thời báo tài chính...) bởi đây là bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam. Các báo phỏng vấn các doanh nghiệp Việt khi tham gia sân chơi này như có cơ hội cải thiện năng lực cạnh tranh, thay đổi cơ cấu xuất khẩu..., nhưng sẽ phải đối mặt với nguy cơ, thách thức mới. Thông tin báo chí luôn cập nhập nhanh chóng tình hình và những biến động cơ bản của thị trường kinh tế, tài chính thế giới và việc thay đổi chính sách kinh tế, thương mại của các nước, đặc biệt là các nước lớn trên thế giới, để cơ quan quản lý có phản ứng, điều chỉnh kịp thời về mặt chính sách, chỉ đạo điều hành hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng của những biến động nêu trên đối với tình hình kinh tế trong nước.

2.Đánh giá ưu điểm, hạn chế thông tin báo chí phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý

a.Ưu điểm

- Thông tin báo chí ngày càng đa dạng về hình thức bao gồm cả báo in, báo hình, báo điện tử, báo ảnh (thông tin chính thống) và thông tin trên các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức, được cập nhật nhanh chóng hàng ngày, hàng giờ. Phương thức thông tin không ngừng được cải tiến, đổi mới:  đưa thành một tin chung (trong đó nêu rõ mọi thông tin từ khi bắt đầu đến khi kết thúc), đưa theo dạng chuỗi các sự kiện, chuỗi ảnh có liên quan (slideshow), video hoặc đưa tin theo hình thức cập nhập liên tục diễn biến sự kiện, vấn đề (việc cập nhật được tiến hành liên tục 24h/24h, có tính bằng phút).

- Thông tin của những cơ quan báo chí chính thống như TTXVN, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng... đã cố làm tốt chức năng đại diện cho quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, là tiếng nói của nhân dân, đã tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đông đảo người dân, góp phần to lớn trong việc định hướng dư luận xã hội, nâng cao dân trí. Các thông tin từ các cơ quan này luôn đảm bảo chính xác, trung thực, khách quan, đúng định hướng là nguồn tư liệu tin cậy để nghiên cứu, học tập và trích dẫn, tham khảo khi cần.

- Bên cạnh phản ánh tích cực những thành tựu của đất nước, báo chí đã phát hiện, biểu dương và góp phần nhân rộng những yếu tố mới, gương điển hình tiên tiến cũng như thẳng thắn phê phán, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, và các tệ nạn xã hội. Đồng thời, một số tờ báo đoàn thể như Thanh niên, Tuổi trẻ, Đại đoàn kết, Lao động Tiền Phong... thường đi sâu phản ánh những mặt trái của đời sống xã hội, những vấn đề gây bức xúc trong dư luận, vấn đề nóng đang được người dân quan tâm, nên được nhiều độc giả tìm đọc. Một số tờ báo chuyên ngành như Thời báo Kinh tế, Đầu tư, Diễn đàn doanh nghiệp... được chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, nhà quản lý và hoạch định chính sách quan tâm bởi tính chuyên sâu, hàm lương thông tin tư liệu phong phú.

- Báo chí đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế; củng cố và mở rộng quan hệ của Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế, thu hút đầu tư và du khách nước ngoài vào Việt Nam ở nước  ngoài đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời phát huy vai trò đấu tranh trên mặt trận thông tin, phản bát những quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCH, bảo vệ đường lối chính sách, chủ quyền và quyền chủ quyền của Tổ quốc.

b.Hạn chế

- Một số thông tin báo chí chưa thực hiện tốt chức năng định hướng tư tưởng, giáo dục, chức năng văn hoá, thẩm mỹ của báo chí. Nhiều sản phẩm của báo chí (nhất là trong các ấn phẩm phụ, số chuyên đề, báo điện tử) chạy theo xu hướng giật gân, câu khách, vi phạm thuần phong mỹ tục, xa rời tôn chỉ, mục đích đối tượng, thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, tội ác; thông tin về chuyện thầm bí mê tín dị đoan, về những sinh hoạt đời thường của giới  show-biz, gây ảnh hưởng không tốt cho nhận thức của giới trẻ. Có những tờ báo (nhất là báo điện tử) vì chạy theo tính nhanh nhạy, cập nhật nên một số thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu chuẩn xác, thiếu nhạy cảm chính trị dẫn đến những sai sót đáng tiếc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Không ít cơ quan báo chí chưa coi trọng biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những nhân tố tích cực trong học tập, lao động và chiến đấu; các tờ báo chuyên nghành còn thiếu những bài viết chuyên sâu, phân tích về mọi lĩnh vực nghành nghề nào đó trên cơ sở và hoàn cảnh điều kiện và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, nên hiệu quả thông tin, tham khảo giúp người đọc và giới chuyên gia, nhà quản lý nâng cao trình độ hiểu biết, kiến thức còn hạn chế. Còn thiếu những bài báo sâu sắc, có sức thuyết phục cao trong đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc... của các thế lực thù địch; chưa chủ động thông tin sâu về các vấn đề được dư luận quan tâm, chưa phản bác có hiệu quả các thông tin sai trái, gây thất thiệt trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử cá nhân.

- Nhiều tờ báo, đài truyền hình địa phương khai thác quá nhiều thông tin, chương trình, phim ảnh của nước ngoài, thiếu chọn lọc, mà không chú trọng đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, không chú trọng đến việc khơi dậy ý thức, niềm tự hào dân tộc. Trong các chương trình (chủ yếu là truyền hình) lồng ghép quá nhiều hình ảnh quảng cáo để thu lợi nhuận, trong đó nhiều hình ảnh quảng cáo không phù hợp với nội dung, phản cảm, gây bất bình trong dư luận.

- Thông tin báo chí chính thống chưa thực sự làm tốt vai trò và vai trò là diễn đàn của nhân dân, đưa tiếng nói của nhân dân đến với Đảng và Nhà nước; thông tin đối ngoại trên báo chí trong một số trường hợp chỉ dừng ở mức độ tuyên truyền, thông tin một chiều, phản ánh những gì “mình muốn”, mà chưa đề cập nhiều đến chủ đề bạn đọc quan tâm. Công tác chỉ đạo, quản lý, quy hoạch báo chí của cơ quan chỉ đạo, quản lý ở trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế. Cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản pháp luật còn thiếu và bất cập.

- Thông tin trên báo chí chính thống nhiều lúc còn chậm, chưa kịp thời, thiếu yếu tố mới, nhất là đối với thông tin nhạy cảm, các vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân chính là quá thận trọng để đảm bảo tính định hướng, độ an toàn của thông tin nên thường né tránh hoặc chỉ thông tin chung chung mà không đi đến cùng sự việc, vấn đề. Một bộ phận cán bộ, phóng viên , biên tập viên hạn chế về năng lực chuyên môn, tư duy chính trị, thiếu tinh thần trách nhiệm; nhận thức không sâu sắc tính chất đặc thù của báo chí với tư cách là sản phẩm hàng hoá đặc biệt nên không nghiêm túc trong việc quán triệt, tuân thủ chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền; thậm chí có những người phai nhạt lý tưởng dẫn đến tha hoá về chính trị  và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

3. Giải pháp và kiến nghị nâng cao chất lượng thông tin báo chí

a. Đối với các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí

- Mỗi cơ quan báo chí phải bám sát và tuân thủ nghiêm tôn chỉ, mục đích của tờ báo để hạn chế sự trùng lặp thông tin, tạo ra nét đặc thù, bản sắc riêng của mình, không chạy theo những thông tin giật gân câu khách. Phải làm tốt hơn nữa chức năng cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân; bảo đảm thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chuẩn xác, đúng định hướng. Dám đi sâu vào những vấn đề gai góc, những vấn đề xã hội bức xúc; chủ động, tích cực hơn nữa trong việc đấu tranh, phản bác, phản biện trước những thông tin sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

- Phải không ngừng đa dạng hoá nội dung, hình thức truyền tải thông tin phù hợp cho từng loại đối tượng độc giả; tăng cường các bài chuyên sâu để tạo sức hút, sức hấp dẫn người đọc, qua đó phát huy hiệu quả thông tin. Mỗi phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý báo chí, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định; không ngừng học hỏi nâng cao trình độ về cả chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, ngoại ngữ và các kỹ năng khác, có khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ truyền thông tiên tiến.

- Chủ động tiếp cận, khai thác nguồn tin, thiết lập mối quan hệ tin cậy với các bộ, nghành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp để tạo nguồn cung cấp thông tin thường xuyên, đầy đủ, kịp thời, đúng định hướng. Một trong những phương thức đang được cơ quan báo chí triển khai có hiệu quả là ký thoả thuận hợp tác truyền thông với các bộ, ngành, địa phương trên các sản phẩm báo chí sẽ tăng cường tuyên truyền quảng bá tiềm năng, thế mạnh của bộ, nghành, địa phương trên các sản phẩm báo chí, còn bộ, nghành địa phương sẽ chủ động và đảm bảo cung cấp nhanh, đầy đủ, đúng định hướng cần thiết cho cơ quan báo chí. Tăng cường mở rộng mối quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí trong và ngoài nước để mở rộng và đa dạng hoá nguồn tin, phục vụ đắc lực hiệu quả hơn nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.

- Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan chủ quản chỉ cần phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí; tổ chức đều đặn và chất lượng các cuộc giao ban định kỳ hàng tuần để kịp thời chỉ đạo và định hướng dư luận xã hội, nhất là các sự kiện lớn, quan trọng, đặc biệt nhạy cảm hoặc đột xuất.

b. Đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương

- Tăng cường phối hợp, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí theo định kỳ và khi có phát sinh sự kiện đột xuất, bất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời góp phần để các cơ quan Đảng, Nhà nước làm tốt hơn công tác lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng thông tin trên báo chí nước ngoài, trên mạng xã hội đã lan tràn, những báo chí chính thống không tiếp cận được nguồn thông tin chính thức, không có người phát ngôn, không có cơ quan nào cung cấp thông tin.

- Các Ban đảng, Bộ, Nghành, đoàn thể, các tỉnh uỷ... vừa là cơ quan chủ quản báo chí có trách nhiệm quản lý báo chí thuộc quyền, vừa có vai trò là cơ quan tham mưu của Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhân dân, cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Tăng cường cung cấp các thông tin mang tính định hướng dư luận xã hội, thông tin cảnh báo, thông tin đi trước đón đầu để tạo sự đồng thuận, thống nhất về quan điểm, tư tưởng ngay trong các cơ quan báo chí cũng như người dân về một vấn đề, vụ việc hoặc trước khi triển khai một chủ trương chính sách nào đó có ảnh hưởng sâu rộng đến quyền và lợi ích của người dân.

- Các bộ, ngành địa phương cần xây dựng quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và quy định rõ đầu mối liên hệ với báo chí để tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, phối hợp triển khai thông tin, đồng thời tránh sự chồng chéo và tình trạng đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi có sự cố, sai sót đáng tiếc xảy ra trong quá trình cung cấp, xử lý thông tin.

- Cần có chế tài xử lý nghiêm minh đối với những cá nhân, tổ chức không tạo điều kiện cho báo chí hoạt động, không cung cấp thông tin hoặc thông tin không đúng, không chính xác mà cả các vấn đề mà báo chí yêu cầu; đồng thời không lương tay, bao che đối với các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí, nhất là các hành vi cản trở tác nghiệp của báo chí, lợi dụng hoạt động báo chí để thực hiện các hành vi phi pháp.

- Lãnh đạo các tỉnh, thành cần đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho phóng viên các cơ quan báo chí, đặc biệt là người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và các Sở, Nghành, UBND cấp huyện, xã để đảm bảo hiệu quả thông tin tuyên truyền của báo chí.

NV(ST)

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải