song
Thu phí báo chí: Chặng đường dài cần phải vượt qua
Ngày xuất bản: 03/03/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 5101

 Tại Diễn đàn kinh tế báo chí 2023 vừa diễn ra tại Bình Định, câu chuyện thu phí báo chí một lần nữa được nhắc lại với vai trò là một trong ba trụ cột kinh tế của mỗi cơ quan báo chí.

Tuy vậy, đa số các đại biểu tham dự cho rằng thu phí báo chí tại Việt Nam vẫn còn là chặng đường dài với không ít thách thức.

Những người tiên phong

Theo Hiệp hội Báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA), truyền thông số đang bước vào kỷ nguyên SaaS (Service as a Stories) với việc xác lập mối quan hệ mới với độc giả thông qua dữ liệu, để mở ra hướng phát triển mới tiếp theo. 

Theo WAN-IFRA, báo chí nói chung vẫn phụ thuộc vào hai loại hình kinh doanh truyền thống là nguồn thu từ quảng cáo và nguồn thu từ độc giả.

Báo in đã định hình các mô hình kinh doanh từ hàng trăm năm qua, nên nguồn thu từ độc giả dễ dàng được xác định là qua doanh số bán báo in. Với báo mạng, mô hình kinh doanh phổ biến nhất vẫn phụ thuộc vào quảng cáo, gồm cả quảng cáo truyền thống và quảng cáo lập trình. 

Hiện nhiều tờ báo lớn trên thế giới như New York Times, Washington Post, Financial Times đều đã áp dụng hard-paywall (thu phí tất cả các bài viết trên trang) trong khi các báo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chủ yếu áp dụng mô hình Metered paywall (cho đọc một số lượng bài nhất định rồi phải trả phí). 

 

Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023.

Dù áp dụng cách thu phí nào thì các báo đều triển khai chính sách mềm dẻo và dựa nhiều vào yếu tố công nghệ (quản lý thuê bao). Việc quản lý thuê bao gắn liền với thu thập và phân tích dữ liệu độc giả, đây cũng là trung tâm của hành trình chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí.

Trong bối cảnh đó, nhiều tờ báo đã nghiêm túc đặt vấn đề thu phí độc giả qua đăng ký dài hạn. Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện đã có khoảng 20 cơ quan báo chí tại Việt Nam thử nghiệm thu thập dữ liệu của độc giả để tiến hành phân tích. Đây là bước tiếp cận đầu tiên để tiến tới có thể thu phí người dùng. Hiện đã có một số nhỏ các cơ quan báo chí tiến hành thu phí độc giả. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí này cũng mới chỉ coi đây là chiến lược nhằm thay đổi nhận thức của độc giả, tạo thói quen trả phí đọc báo chứ chưa đặt nặng vấn đề doanh thu. 

Tại Việt Nam, vấn đề thu phí báo chí được ông Lê Quốc Minh - Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khởi xướng trong rất nhiều các khóa đào tạo, diễn đàn, truyền thông. Năm 2012, VietnamPlus giương ngọn cờ bắt đầu thử nghiệm thu phí và tháng 6/2018 chính thức triển khai thu phí báo chí.

Tạp chí Nhà quản lý cũng thu phí báo chí gián tiếp theo hình thức “bia kèm lạc”, tức là mua báo giấy được đọc miễn phí điện tử. Còn ICTnews đã bán bài báo độc quyền trên Báo mới, nhưng gần như không thu được đồng nào từ người đọc.

Tháng 3/2021, Tạp chí điện tử Ngày Nay ra mắt báo thu phí trực tuyến trong chuyên mục Special Today và mới đây nhất, ngày 15/6/2021, VietNamNet triển khai thu phí một phần từ chuyên mục VietNamNet Premium ra mắt rộng rãi độc giả từ hơn 2 tháng trước.

Việc thu phí đọc báo tại Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt của hàng loạt tờ báo khi đại dịch bùng nổ, doanh thu sụt giảm mạnh, báo giấy giảm sút lượng phát hành và đặc biệt là sự lấn lướt, chiếm thị phần quảng cáo trực tuyến tới 80% của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google.

Ở các tờ báo trên thế giới, việc thu phí được thực hiện theo nhiều cách thức. Phổ biến nhất là thiết lập bức tường thu phí mềm (cho phép người dùng truy cập một số nội dung kỹ thuật số dựa trên các tiêu chí được thiết lập bởi các tòa soạn báo điện tử), bức tường thu phí cứng (chỉ cho phép khách truy cập bất kỳ nội dung nào nếu khách hàng đăng ký thuê bao trả phí hàng tháng, quý, năm), hình thức hỗn hợp và trả phí đọc các bài báo của nhiều tờ báo qua các app.

Tại Việt Nam, cách thức phổ biến nhất được cả 3 ấn bản VietnamPlus, Ngày Nay, VietNamNet áp dụng là thu phí mềm. Họ vẫn cho phép độc giả đọc phần lớn tin bài miễn phí, chỉ thu phí một số bài viết đặc biệt (chiếm dưới 5% tổng số tin bài xuất bản hằng ngày). Mô hình này được xem là phù hợp nhất tại Việt Nam, nơi thói quen đọc báo điện tử miễn phí hiện hữu từ hơn 20 năm nay và rất khó để thay đổi.

Vấn đề mà các báo đã, đang và sắp tiến hành dựng tường thu phí quan tâm nhất, gặp nhiều khó khăn nhất không phải là hoạt động theo mô hình nào, mà là có khách đọc, có khách sẵn sàng trả phí hay không. Hơn nữa, các sản phẩm báo chí thu phí chính là một mặt hàng đáp ứng nhu cầu cho độc giả - người trả tiền, vì thế, “nội dung là vua”, nhưng nội dung gì, sản phẩm chuyên sâu đặc sắc gì để khiến độc giả hài lòng trả tiền thì không dễ.

Theo ông Trần Tiến Duẩn, những nội dung VietnamPlus đã và đang thực hiện thu phí tập trung vào 4 mảng chính: chính trị - xã hội, thế giới, kinh tế - công nghệ và văn hóa - thể thao. Các bài viết này được phân tích dưới nhiều góc nhìn đa chiều và quan trọng hơn có nhiều thông tin mang tính độc quyền, bởi được các phóng viên thường trú ở nước ngoài cung cấp nhanh chóng, kịp thời, thông tin đặc sắc, thu hút sự quan tâm của công chúng. Mức phí khoảng 5.000 đồng/tin tức. Hoặc chi phí với các gói xem tin tức độc quyền ở các mức như 10.000 đồng/7 ngày; 30.000 đồng/30 ngày hay 50.000 đồng/60 ngày. Việc thu phí được liên kết với thuê bao di động qua các nhà mạng.

Tờ Ngày Nay cũng định vị chuyên mục Special Today thu phí là những bài viết chuyên sâu, là những góc nhìn, phân tích từ các chuyên gia, các cây bút nổi tiếng và không có sự xuất hiện của quảng cáo. Việc thanh toán có thể theo tuần, tháng, quý, năm trên nền tảng của ViettelPay và thanh toán bằng thẻ ATM của nhiều ngân hàng. “Để bạn đọc trả tiền đọc báo đã khó, nhưng giữ chân bạn đọc còn khó hơn. Cách duy nhất để giữ được bạn đọc chính là câu chuyện nội dung có bản quyền, kết hợp với các yếu tố công nghệ mới”, ông Phạm Hữu Quang nêu quan điểm.

Con đường không trải hoa hồng

Theo đánh giá của một số lãnh đạo cơ quan báo chí, vấn đề của mô hình thu phí đọc báo điện tử tại Việt Nam hiện nay không nằm ở nội dung hay công nghệ mà ở thói quen “miễn phí” và văn hóa tôn trọng bản quyền của bạn đọc.

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế báo chí 2023 diễn ra tại Bình Định cuối tháng 2, nhà báo, ThS. Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus nhận định, thu phí bạn đọc ở Việt Nam sẽ còn là chặng đường dài mà báo chí không dễ dàng vượt qua nếu không có những sự hỗ trợ, khuyến khích đúng hướng của các cơ quan quản lý. 

Trong nhiều thập kỷ qua, sự bùng nổ của internet với thế mạnh của tốc độ khiến các loại hình báo chí truyền thống được thay thế bằng báo điện tử, trong khi các hình thức thanh toán online chưa phổ biến khiến việc thu phí bạn đọc trở nên khó khăn.

Các tờ báo điện tử chỉ có thể tồn tại nhờ quảng cáo và tài trợ. Khi các nền tảng mạng xã hội xuất hiện, người đọc ít nhiều ngộ nhận về nguồn tin, và vai trò cung cấp thông tin của các toà soạn chuyên nghiệp bị đánh giá thấp, việc trả phí đọc báo càng không được nghĩ đến.

 

Thậm chí, khi các nền tảng mạng xã hội phát triển cực đại như hiện nay thì nó cũng hút cạn dòng tiền quảng cáo, tài trợ vốn thuộc về các toà soạn. Báo chí đến lúc cần phải trở lại với bản chất của mình, sản xuất tin tức và các câu chuyện một cách chuyên nghiệp để buộc người đọc phải nghĩ đến việc trả phí để thụ hưởng.

Làm thế nào để người đọc quay lại trả phí cho các toà soạn?

Báo chí là một ngành kinh doanh, mà sản phẩm là thông tin và các câu chuyện. Vì thế mà các toà soạn phải sản xuất ra các sản phẩm tốt. Được định dạng tốt, thông tin được xử lý chuyên nghiệp, các câu chuyện được viết bởi các cây bút xuất sắc. Các thể loại điều tra, bình luận tin tức, phóng sự điền dã... là những thứ không dễ tìm được trên nền tảng mạng xã hội, được sản xuất bởi các nhà báo nghiệp dư.

Sản phẩm cần có được sự tin cậy của khách hàng. Điều đó đòi hỏi sự độc lập của các toà soạn đối với lợi ích của các tổ chức, các nhãn hàng. Có nghĩa là không có tài trợ, không có quảng cáo.

Sản phẩm cần phải được bảo hộ về bản quyền, không bị làm giả, làm nhái. Các toà soạn phải tìm cách bảo vệ bản quyền tác phẩm, hạn chế phụ thuộc vào các nền tảng trung gian.

Sản phẩm báo chí cũng cần được tiếp thị. Các toà soạn thay vì xác định mình là một kênh truyền thông, quảng cáo thì cũng phải xác định chi phí để quảng cáo, truyền thông cho sản phẩm của mình.

Thị trường báo chí sẽ thay đổi như thế nào khi các toà soạn sống bằng tiền mua báo của độc giả?

Sẽ cạnh tranh nhiều hơn. Vì khi thu phí, các tờ báo sẽ trở thành đối tượng lựa chọn của người mua và sẽ phải đảm bảo sự độc đáo, hấp dẫn và đáng tin cậy của mình.

Nhân sự ngành báo sẽ được đào tạo kỹ lưỡng hơn để có thể thiết kế, phát triển được các sản phẩm báo chí tốt nhất, độc đáo nhất, để có thể sản xuất được các sản phẩm hấp dẫn nhất, đáng tin cậy nhất. Và nhà báo, cần có kỹ năng đa dạng, kiến thức sâu, rộng hơn.

Các toà soạn sẽ cần đầu tư nhiều hơn cho nội dung tổng thể, có tính ổn định để định vị thương hiệu của tờ báo, thay vì chạy theo việc câu view ăn xổi.

Cuối cùng, người đọc có sẵn sàng trả phí?

Câu trả lời là có, nếu đáng để trả phí. Bởi vì người ta đã sẵn sàng trả phí để dùng Netflix, hoặc Spotify để nghe nhạc và xem phim không bị chèn quảng cáo. Báo chí, nếu hấp dẫn, đáng tin cậy, và không có quảng cáo sẽ luôn có người mua.

Việc thu tiền từ bạn đọc trực tuyến ở Việt Nam hiện nay khá khó khăn nhưng nếu muốn thay đổi cơ cấu doanh thu thì các cơ quan báo chí phải bắt tay cùng làm. Quan trọng nhất là phải bảo vệ được bản quyền.

Bên cạnh đó, các báo cũng rất cần sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ của độc giả, các doanh nghiệp trong việc “đọc báo và trả tiền”. Thu phí báo chí là một lối đi mới, có thể còn mờ mịt và lắm chông gai, nhưng điều mà những người làm báo thấy vững tin nhất là đã nhận được sự ủng hộ, động viên của nhiều độc giả, họ sẵn sàng trả phí cho những tin bài có chất lượng nội dung hay, xuất sắc. Niềm tin cũng đến từ việc mô hình trả phí đang dần được chấp nhận. VietnamPlus, Ngày Nay, VietNamNet đang đặt những viên gạch đầu tiên, đi những bước chân đầu tiên trên con đường chông gai đó.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải