song
Thực hiện nghiêm quy chế hoạt động nghiệp vụ của phóng viên trong vùng có dịch
Ngày xuất bản: 26/07/2021 3:06:40 SA
Lượt đọc: 14174

  Ngày 23/7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản số 2746/BTTTT-CBC gửi các cơ quan chủ quản báo chí; các cơ quan báo chí về việc tăng cường kỷ luật truyền thông phòng, chống dịch COVID-19.

Phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại “điểm nóng” dịch bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng ẢNH: Đ.X

Theo đó, thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, để bảo đảm phát huy hơn nữa hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí trong nước, báo chí đối ngoại bám sát, thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 78/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ. Theo đó, các cơ quan chú trọng thông tin, tuyên truyền về mục tiêu phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; tăng thời lượng, tần suất thông tin về các kết quả tích cực, các mô hình tốt, sự chung tay của cả cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, về cách phòng, tránh và các biện pháp phòng, chống lây chéo trong cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là trên hết, trước hết.

Nội dung, cách thức thông tin, kể cả những tồn tại, hạn chế phải theo hướng xây dựng, tạo niềm tin, lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, tuyệt đối không để suy diễn, gây hoang mang, phân tâm trong nhân dân; chủ động phát hiện, tích cực đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, tin giả, bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật, thông tin gây hoang mang trên không gian mạng và trên báo chí về tình hình dịch bệnh. Bảo đảm qua công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, huy động, cổ vũ toàn dân đoàn kết, tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh,

Các cơ quan báo chí ban hành, thực hiện nghiêm quy chế hoạt động nghiệp vụ của phóng viên trong vùng có dịch và trong mùa dịch; xây dựng các phương án bảo đảm hoạt động của cơ quan báo chí khi có tình huống xấu; thành lập Tổ phóng viên chuyên trách trực tiếp thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời có biện pháp bảo đảm an toàn cho cán bộ, phóng viên trực tiếp tác nghiệp tại hiện trường theo đúng quy định; tổ chức xét nghiệm định kỳ, đầy đủ cho cán bộ, phóng viên, kể cả những trường hợp đã được tiêm đầy đủ vaccine theo kế hoạch áp dụng với từng cơ quan báo chí.

Các cơ quan báo chí cũng cần chỉ đạo cán bộ, phóng viên tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin, quy định về kỷ luật thông tin, trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, bảo đảm đưa tin cân bằng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, ổn định tâm lý, đời sống nhân dân vùng có dịch bệnh; không mở rộng, làm nóng vấn đề quá mức cần thiết đối với những sự cố, vụ việc đơn lẻ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh và chiến dịch tiêm chủng, không để bị thế lực xấu lợi dụng công kích, chống phá. Đặc biệt thận trọng khi khai thác, chỉ đạo khai thác tin tức, vấn đề xuất hiện trên mạng xã hội, không đưa tin theo mạng xã hội khi chưa kiểm chứng qua các cơ quan chức năng.

Khi phát hiện có những vấn đề bất cập hoặc sự cố trong công tác phòng, chống dịch bệnh, khẩn trương phản ánh với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương để kiểm tra, xứ lý hoặc thực hiện phỏng vấn, phản ánh ý kiến của người có trách nhiệm tại địa phương đó về quan điểm chỉ đạo, giải pháp khắc phục đối với vấn đề bất cập hoặc sự cố; siết chặt kỷ luật đọc, duyệt và cho đăng tải tin, bài, đặc biệt là trên báo điện tử, tạp chí điện tử, bảo đảm lãnh đạo cơ quan báo chí nắm quyền xuất bản.

Các cơ quan chủ quản báo chí cử cán bộ lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, giám sát thường xuyên đối với hoạt động của cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 và có văn bản thông báo họ tên, chức vụ, số điện thoại để Bộ Thông tin và Truyền thòng biết, liên hệ khi cần thiết.

Đồng thời, các cơ quan chủ quản báo chí phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động thông tin báo chí, bảo đảm cung cấp kịp thời thông tin cho các cơ quan báo chí về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh để báo chí đưa tin thống nhất, chính xác, tránh sai sót.

Các cơ quan chủ quản báo chí chỉ đạo cơ quan báo chí trực thuộc tác nghiệp tại vùng dịch đúng quy định, trên tinh thần hợp tác, hỗ trợ các cơ quan, tổ chức vùng có dịch trong công tác thông tin tuyên truyền, không gây phân tâm cho các cơ quan tuyến đầu đang phải ưu tiên cho nhiệm vụ chống dịch; có hình xử lý kỷ luật nghiêm đối với trường hợp cán bộ, phóng viên của cơ quan báo chí thuộc quyền không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, định hướng thông tin và các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện tốt hoạt động cung cấp thông tin theo Nghị định số 09/2017/NĐCP ngày 9/2/2017 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền. Đồng thời, các đơn vị phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi thông tin sai sự thật trên báo chí, trên không gian mạng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch và việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải