song
Trách nhiệm của những người cầm bút
Ngày xuất bản: 04/12/2018 3:13:44 SA
Lượt đọc: 126120

Báo chí đóng vai trò tích cực tạo ra sức mạnh tiềm tàng trong việc định hướng xã hội và hiệu triệu quần chúng nên người viết báo, viết văn rất cần có sự chuẩn mực về đạo đức. Ông cha ta xưa thường dạy con cháu: “Có đức mặc sức mà ăn”. Vậy muốn giàu đức thì phải tích đức, tích đức tức là tích cái thiện. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy rằng: “Người có đức thì trong sạch như “Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ”, và: “Lòng vô sự như trăng in nước/ Của thảng lai như gió thổi hoa”. Trong môi trường đời sống xã hội hiện nay nhà báo, nhà văn cần phải giữ vững bản lĩnh, cần tư duy minh triết khi viết về vấn đề góc cạnh của xã hội. Sống trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước khi phản ảnh đời sống của xã hội cần phải có cách nhìn khách quan và tổng thể. Đừng quá thiên về vật chất, mà cần phải biết bảo vệ những giá trị tinh thần và tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê nin kết hợp với giá trị đạo đức truyền thống, phong tục tập quán của con người và dân tộc Việt Nam, trong ấy đạo đức là gốc của mọi vấn đề. Cho nên trước một hiện tượng của xã hội người viết phải đắn đo, cân nhắc, mình viết điều này vì ai, câu hỏi này luôn được đặt ra trước khi viết. Làm nghề văn, nghề báo, thì ai cũng biết rằng, sản phẩm của báo chí chính là bài viết, tấm ảnh, khuôn hình, thước phim, câu chuyện kể…

Tùy theo mỗi thể loại, sự thật của thông tin, sức rung cảm của ngôn từ mà nó lay động đến trái tim con người. Văn hóa của dân tộc Việt Nam rất đa diện, mỗi vùng miền có những sắc thái riêng. Không thể đánh đồng xem tất cả cái gì của hôm nay đều lạc hậu, đều đáng phê phán, bài xích, xóa bỏ. Văn hóa dân tộc vốn là mạch nguồn thiêng liêng chảy trong mỗi con người dân tộc Việt Nam, vấn đề là ta có nhận thấy hay không mà thôi. Và cũng nên nhắc lại rằng, quá khứ là của cha ông hiện tại là của chúng ta, ngày mai sẽ là của con cháu nhưng cũng chính là bóng dáng của chúng ta…Vì mỗi giai đoạn có những cách nghĩ và quan niệm khác nhau dẫn đến nhận thức cũng khác nhau, có thể khác nhau về khái niệm nhưng cốt lõi của văn hóa và cội nguồn dân tộc thì không bao giờ thay đổi. Mà đã nói đến văn hóa thì con người ta phải ứng xử một cách hài hòa dựa trên nền tảng đạo đức có tiếp nối với sự phát triển của xã hội. Đạo đức của nghề nghiệp báo chí nó được thể hiện sinh động ở ngay trong chính bài viết của mỗi tác giả. Vậy nên khi có những điều cần phê phán hay phản biện thì nhà báo, nhà văn cũng phải khách quan để hướng tới sự phát triển của đất nước và không nằm ngoài cái “Chân thiện mỹ” của cuộc sống. Bởi suy cho cùng giá trị cuộc sống đều do con người tạo ra và vì con người mà thôi. Tuy nhiên không phải sự việc nào khi lên mặt báo cũng đều đúng cả. Hiện nay vẫn có tình trạng một số tờ báo mà người viết mới thấy hiện tượng, chưa biết đúng sai như thế nào, không cần kiểm chứng thông tin, đã vội cho đăn tải, khiến cho xã hội không biết đường nào mà lần, gây nguy hại cho sự ổn định nhiều mặt của đất nước. Nhà báo, nhà văn trước hết là một công dân mà là công dân am hiểu văn hóa, lịch sử và chính trị thì phải biết đắn đo, đặt mình vào phía đối tượng khai thác, vào lợi ích của đất nước. Báo chí là sản phẩm văn hóa, nhưng là văn hóa mang màu sắc chính trị, nếu nhà báo bị lợi dụng thì màu sắc ấy trở thành vũ khí độc hại gây tác hại cho Đảng và cho dân tộc. Vậy cho nên nhà văn, nhà báo cần phải cân nhắc, suy xét đến ngọn nguồn của sự việc trước khi viết thì đó mới là vấn đề đạo đức của nhà báo, nhà văn.

Nói một cách chính xác là: không chỉ nghề báo mà mọi ngành nghề khác cũng vậy, chúng ta phải “Lấy đạo đức làm nền”, vì đấy là bản chất bất biến của nền tảng văn hóa dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, hội nhập, phát triển đất nước ngày càng phát triển và giàu đẹp.

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải