song
Ứng dụng AI trong truyền hình là xu thế tất yếu
Ngày xuất bản: 19/03/2024 2:03:53 CH
Lượt đọc: 4522

 ng 16/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề "Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI" với sự điều phối của nhà báo Tạ Bích Loan - Trưởng Ban Sản xuất các chương trình giải trí, Đài Truyền hình Việt Nam.

Truyền hình cần từ bỏ hào quang trước kia

Nhà báo Nguyễn Thu Hà - Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số VTV, Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) nhận định, hiện nay, thời kỳ truyền thông lấy truyền hình là trung tâm đã kết thúc, chuyển sang thời kỳ truyền thông lấy số làm trung tâm.

 

Nhà báo Nguyễn Thu Hà - Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số VTV, Đài THVN tại phiên thảo luận.

Có rất nhiều sự thay đổi khi màn hình của người xem đã thay đổi, công chúng thay đổi và xuất hiện vô số người sáng tạo. Đa phương tiện và số hoá đã xoá mờ ranh giới của truyền hình với các loại hình báo chí và nội dung khác. Do đó người làm truyền hình cần trau dồi thành thạo công nghệ, làm báo đa phương tiện, làm báo di dộng, làm báo cùng AI, sử dụng mạng xã hội coi đó là vốn xã hội, khai thác nguồn tin, xuất bản, tương tác xây dựng thương hiệu cá nhân từ đó tạo ra nguồn thu số.

Bên cạnh đó, nhà báo Nguyễn Thu Hà nhấn mạnh đến việc người làm báo hiện nay phải đặc biệt chú ý đến câu hỏi Why và How để tạo ra báo chí thông thái - báo chí chính luận, báo chí điều tra, báo chí giải pháp. Đồng thời củng cố giá trị và đạo đức nghề nghiệp, củng cố thương hiệu của cơ quan báo chí. "Khó nhất bây giờ là truyền hình cần phải từ bỏ hào quang trước kia, để thay đổi", nhà báo Nguyễn Thu Hà nhận định.

"AI là cơ hội trăm năm có một"

Đó là khẳng định của Thạc sĩ Nguyễn Văn Khánh - Trưởng nhóm phục chế 10 ngàn ảnh liệt sĩ bằng công nghệ AI.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, bằng một cuộc khảo sát mới đây, hơn 80% người dùng được hỏi đã từng nghe thấy ai đó nói chữ “AI” nhưng 80% không quan tâm hoặc quan tâm nhưng ko sử dụng. Đa số cảm thấy công nghệ này xa lạ và quá phức tạp để tìm hiểu, và tin rằng không liên quan tới mình.

Ông Khánh cho biết, công cụ AI đang được mọc như nấm. Theo số liệu cho thấy, mỗi tháng có tới trên 2 ngàn công cụ tạo sinh bằng AI được phát hành mới dựa trên các mã nguồn mở.

"Cơ hội của chúng ta là phát huy tri thức ngành sâu và tạo ra AI hỗ trợ vô cùng dễ dàng trong các lĩnh vực", ông Khánh nhấn mạnh.

 

Thạc sĩ Nguyễn Văn Khánh cho rằng AI là cơ hội trăm năm có một.

Theo đó, AI tạo sinh được ứng dụng trong thực tế, trở thành công cụ hỗ trợ vô cùng đắc lực trong việc phục dựng văn hoá lịch sử như tạo dựng những hình ảnh thuần Việt, đưa cổ tích gần hơn với đời thực, đưa vào các bài giảng văn học trực quan. Khôi phục văn hoá làng xã, dân tộc và thuần Việt - đây là một mỏ tiềm năng thú vị cần sự khám phá và tìm tòi. 

Bên cạnh đó, rất nhiều người sử dụng AI để phục dựng những gì đã qua, như phục dựng ảnh liệt sĩ, ảnh anh hùng, người có công; phục dựng những danh nhân; phục dựng người thân của các gia đình.

"Thế giới quá già và giàu để chủ quan và ì ạch - AI là cơ hội trăm năm có một. Chúng ta phải làm chủ AI đừng là lính của AI", ông Nguyễn Văn Khánh cho biết.

Ứng dụng AI trong truyền hình là khả thi và là xu hướng tất yếu

Theo Thạc sĩ Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật truyền hình – Đài THVN, trí tuệ nhân tạo mang lại những tác động tích cực cho hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Trong truyền hình, AI xuất hiện trên các thiết bị phần cứng và cả trên các phần mềm hậu kỳ cho phép tự động hóa các tác vụ, là một trợ lý sáng tạo để tạo ra những nội dung có chất lượng tốt hơn và hấp dẫn hơn.

Thạc sĩ Nguyễn Trường Giang cho biết, từ năm 2018, AI được huấn luyện từ 25.000 đoạn phim từ phim hoạt hình The Flinstones đã có thể tạo ra các đoạn phim mới chỉ bằng cách cung cấp một đoạn văn bản mô tả bất kỳ. Năm 2024, Sora của OpenAI có khả năng tạo ra những cảnh quay thực tế và sáng tạo từ những chỉ dẫn bằng văn bản.

AI can thiệp thời gian thực vào hình ảnh phát trực tiếp, không chỉ sản xuất được nội dung offline, AI có thể can thiệp thời gian thực trong chương trình phát sóng trực tiếp. Năm 2018, Tân Hoa Xã đã giới thiệu một AI nói tiếng Anh, dựa trên nguyên mẫu là một người dẫn chương trình khác. 

AI giúp phân tích thị hiếu của khán giả từ đó quyết định hướng phát triển nội dung, lựa chọn nội dung thích hợp để khai thác quảng cáo một cách hiệu quả.

AI hỗ trợ rất nhiều trong việc thực hiện tự động nhiều tác vụ có khối lượng lớn, tiêu tốn sức lao động với hiệu suất và độ chính xác cao như: Chuyển giọng nói thành văn bản hỗ trợ sản xuất tin tức, hỗ trợ tạo metadata tự động trong việc lưu trữ, phân loại tư liệu, hỗ trợ tìm kiếm tư liệu nhanh chóng, chính xác. 

Nói về việc ứng dụng AI tại Đài THVN, Thạc sĩ Nguyễn Trường Giang chia sẻ, AI đang được ứng dụng rất hữu ích trong việc bóc băng tự động hỗ trợ tích cực cho việc tác nghiệp của các phóng viên, tiết kiệm được thời gian làm hậu kỳ, đáp ứng đòi hỏi tính cập nhật nhanh đối với các tin bài thời sự.

Bên cạnh đó, AI được ứng dụng để phân tích dữ liệu lớn. "Chúng tôi thực hiện thu thập dữ liệu hành vi của người dùng trên các nền tảng VTVGo, VTV.vn, các trang fanpage. Phân tích dữ liệu, đưa ra các thông tin có ích cho sản xuất các chương trình, quảng cáo hướng đối tượng, tăng cường trải nghiệm người dùng, hướng dẫn nội dung xem theo thị hiếu", Thạc sĩ Nguyễn Trường Giang cho hay.

Đài THVN đã dùng AI để tạo ra MC ảo. Dựa trên dữ liệu của một Biên tập viên thật, xây dựng một Biên tập viên AI mô phỏng lại ngữ điệu, giọng đọc, biểu cảm, cử động khuôn mặt (Avatar hoặc người ảo). Giao cho MC ảo đoạn tin tức, sẽ tạo ra đoạn video với hình ảnh đọc tin tức giống như biên tập viên thật.

"Việc ứng dụng AI trong truyền hình đến nay là khả thi và cũng là xu hướng tất yếu. Có thể ứng dụng AI trong tất cả các khâu từ lên ý tưởng nội dung, đến kỹ thuật sản xuất chương trình để tăng chất lượng nội dung, tốc độ, độ chính xác… trong sản xuất chương trình. Việc sử dụng AI trong sản xuất các chương trình truyền hình hiệu quả phụ thuộc vào nhu cầu và nền tảng kỹ thuật hiện có", Thạc sĩ Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

Vấn đề bản quyền vẫn là bài toán đang cần tìm lời giải

Tại phần thảo luận, các diễn giả nhắc đến một số những thách thức liên quan đến AI nếu không được giám sát chặt chẽ, có thể được sử dụng để tạo ra tin tức giả mạo hoặc thông tin không chính xác một cách tự động. AI có thể hiểu lầm ngữ cảnh và tạo ra phân tích không chính xác nếu không được đào tạo đúng hoặc nếu dữ liệu đầu vào không đủ sâu.

 

Bản quyền khi sử dụng AI là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất tại phiên thảo luận.

Song, theo nhà báo Nguyễn Thu Hà, khi những video được tạo ra bởi AI có những hình ảnh không khớp với âm thanh làm cho người xem nghi ngờ về độ chính xác thì khi đó niềm tin của công chúng với báo chí lại tăng lên. Họ sẽ tìm đến những trang báo chính thống để tìm hiểu thông tin khi cần.

Các vấn đề pháp lý cũng là một chủ đề được đưa ra "mổ xẻ" trong phiên thảo luận. Các vụ kiện giữa các doanh nghiệp ở Mỹ gần đây và phán quyết tương lai của tòa án ở Mỹ là “phép thử” quan trọng để đoán định chiều hướng xử lý trong các tranh chấp, vốn được dự báo sẽ ngày càng nhiều hơn.

Các diễn giả cho rằng, việc đạt được sự cân bằng giữa bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển AI vẫn là bài toán đang cần tìm lời giải. Tranh luận từ mỗi phía đều có những mặt hợp lý: dữ liệu do những chủ thể tạo ra không thể là món hàng miễn phí; nhưng nếu chi phí đắt đỏ quá sẽ cản trở tiến trình phát triển công nghệ mới tiềm năng, mà AI chỉ là một ví dụ.

Với Việt Nam, việc theo dõi các chuyển động công nghệ và pháp lý liên quan đến AI là cần thiết bởi nắm bắt và hiểu được những xu hướng như vậy sẽ giúp các bên khác nhau chuẩn bị chu đáo hơn cho con sóng AI đang dâng trào. Với các cơ quan báo chí hay các doanh nghiệp truyền thông cần chủ động xin phép hoặc đàm phán thỏa thuận thương mại để thu thập, sử dụng dữ liệu trong huấn luyện AI với các đối tác, dù trong hay ngoài nước là việc cần quan tâm để tránh rủi ro bị kiện tụng.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải