song
Ứng dụng công nghệ thông tin tại Bảo tàng báo chí Việt Nam
Ngày xuất bản: 30/08/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 5945

Theo nhận định của Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO): “Trong lĩnh vực văn hóa, công nghệ truyền thông đa phương tiện đã mở ra những khả năng to lớn để phổ cập hóa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể…”

Công nghệ thông tin (CNTT) đã làm thay đổi căn bản và toàn diện cuộc sống; cách con người làm việc và giao tiếp với nhau, cách hưởng thụ các giá trị văn hóa. Nhà báo Trần Kim Hoa, người lãnh đạo Bảo tàng Báo chí Việt Nam từ những ngày đầu, khẳng định việc ứng dụng CNTT trong quản lý tài liệu hiện vật và trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam trở thành nhu cầu tất yếu làm phương tiện quản lý, trưng bày và quảng bá các hoạt động của Bảo tàng đến với công chúng trong và ngoài nước.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam chú trọng ứng dụng CNTT ngay từ khi thành lập

 

Gian trưng bày các cơ quan báo chí

Ngay từ những ngày đầu xây dựng, Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và Bảo tàng Báo chí Việt Nam rất coi trọng việc ứng dụng CNTT trong Bảo tàng với việc trang bị đồng bộ hệ thống máy tính, phần mềm chuyên dụng và các thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác.

Nhà báo Trần Kim Hoa cho biết là bảo tàng chuyên ngành báo chí, lĩnh vực đòi hỏi sự nhanh nhạy, chính xác và thường xuyên đổi mới công nghệ, Bảo tàng Báo chí Việt Nam chủ trương tích hợp ứng dụng CNTT trong một hệ thống đồng bộ xuyên suốt từ việc sưu tầm, quản lý tài liệu hiện vật, đến công tác số hóa trưng bày bảo tàng tích hợp công nghệ quản lý trưng bày trực tuyến, công tác truyền thông thông qua các thiết bị công nghệ đa phương tiện.

Trên cơ sở đó, Bảo tàng đã hợp tác với các đối tác để xây dựng phần mềm quản lý các khâu trong hoạt động bảo tàng đặc biệt là quản lý hiện vật và trưng bày số hóa đồng thời phát triển thêm các tính năng khác như bán vé tự động, trưng bày online… trong trường hợp mở rộng hoạt động.

Ứng dụng CNTT trong các khâu công tác của Bảo tàng

 

Báo điện tử Congluan.vn tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Theo lãnh đạo Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tất cả các khâu công tác của Bảo tàng Báo chí Việt Nam đều được ứng dụng CNTT từ: Công tác Sưu tầm hiện vật, Kiểm kê-Bảo quản; Trưng bày-triển lãm; Truyền thông; Kế hoạch-tài chính.

“Đơn cử như trước đây, sưu tầm là khâu có nhiều khó khăn, từ việc nghiên cứu tư liệu, thông tin, hiện vật, cho đến khi đưa được hiện vật về Bảo tàng. Các cán bộ làm công tác sưu tầm mất nhiều thời gian khảo sát, điền dã, gặp gỡ, thuyết phục chủ nhân hiện vật. Từ khi ứng dụng CNTT, cán bộ sưu tầm có thể chủ động tra cứu tài liệu, thông tin, cập nhật những văn bản mới liên quan, hạn chế việc phải di chuyển trao đổi, thương thảo với tổ chức và cá nhân mà vẫn mang lại hiệu quả cao trong công việc” nhà báo Trần Kim Hoa chia sẻ.

Thạc sỹ Quang Minh, người phụ trách CNTT Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, diện trưng bày số hóa trong Bảo tàng rất được quan tâm với hệ thống màn hình chạm, Smart TV và màn chiếu được đặt ở tất cả các không gian trưng bày.

 

Khách tham quan trải nghiệm màn hình số hóa

Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia làm 2 tầng trưng bày trên diện tích gần 1500 m2. Tầng 1 gồm gian Khánh tiết và không gian trưng bày Báo chí Việt Nam các giai đoạn từ 1865-1975. Tại đây, Bảo tàng đặt 14 màn hình để khách tham quan trải nghiệm. Tầng 2 gồm không gian trưng bày Báo chí Việt Nam từ 1975 đến nay, trưng bày báo chí 63 tỉnh thành, 5 cơ quan báo chí lớn, 3 chủ đề báo chí, không gian trải nghiệm các loại hình báo chí, khu tra cứu, phòng tổ chức sự kiện và vách tưởng niệm liệt sỹ. Tại đây, Bảo tàng bố trí 58 màn hình chạm và trình chiếu. Việc đưa các màn hình tra cứu số hóa đã giúp Bảo tàng đăng tải lượng thông tin phong phú trong điều kiện diện tích trưng bày còn khiêm tốn, đặc biệt là không gian báo chí 63 tỉnh, thành nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan.

Theo người phụ trách CNTT của Bảo tàng, mỗi không gian trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam được đặt các màn hình chạm tương ứng để khách tham quan tra cứu. Tại các màn hình này có đăng tải các trang báo, câu chuyện, hình ảnh và phim liên quan đến báo chí Việt Nam phù hợp với các giai đoạn. Với dung lượng lên tới 2TB và kết nối trực tuyến với máy chủ, cán bộ bảo tàng có thể dễ dàng đăng nhập để quản lý và cập nhật số hóa trưng bày mọi lúc, mọi nơi.

 

Màn chiếu giới thiệu các hình thức truyền tin

Theo lãnh đạo Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Bảo tàng chú trọng hợp tác với những đơn vị có nền tảng mạnh về CNTT với đội ngũ cán bộ nghiệp vụ giỏi, có trình độ, kỹ năng để tư vấn các giải pháp hữu dụng về ứng dụng CNTT vào các khâu công tác của bảo tàng.

“Đảm bảo hệ thống mạng thông suốt, đáp ứng an toàn, an ninh thông tin là yêu cầu bắt buộc của chúng tôi với đối tác. Trưng bày số hóa của Bảo tàng được quản lý trực tuyến nên phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ Bảo tàng và đối tác triển khai. Nhờ hợp tác hiệu quả, các sự cố phát sinh của hệ thống đều được xử lý nhanh chóng, đảm bảo thông tin không bị gián đoạn khi có khách tham quan”, nhà báo Trần Kim Hoa cho biết.

Theo Báo Nhà báo và Công luận 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải