song
Vấn đề chia rẽ, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình hiện nay
Ngày xuất bản: 05/09/2023 2:59:02 CH
Lượt đọc: 5466

 “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Một câu nói quá đỗi bình dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn đất nước “ngàn cân treo sợi tóc” sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 như một lời khẳng định về truyền thống quý báu của dân tộc ta từ xưa đến nay, đã trở thành di sản vô giá tạo nên sức mạnh to lớn, là động lực và nguồn lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

 

Đồng chí Hoàng Thị Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy thăm

và chúc mừng Giáo xứ Phình Hồ, huyện Trạm Tấu nhân Lễ Phục sinh

Tư tưởng ấy của Người đã trở thành tài sản tinh thần vô giá, là “kim chi nam” cho mọi hành động của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Vận dụng và phát huy sáng tạo tư tưởng của Người trong thời đại mới, tại nhiều văn kiện, Đảng ta đã nhận định, chỉ rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong các bản Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII, XIII luôn xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, Quốc hội khóa XIV đã phê duyệt Nghị quyết số 88 ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Tuy nhiên, lịch sử của dân tộc chúng ta đã chứng kiến thủ đoạn thâm độc trong chính sách “chia để trị” của kẻ thù xâm lược. Ngày nay, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng những thủ đoạn, chiêu bài thâm độc, nhằm phá hoại ta từ bên trong. Trong chiến lược "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ chống Việt Nam, chúng luôn coi việc lợi dụng vấn đề dân tộc là một “chiêu bài” trọng điểm. Trong đó, chúng tập trung vào một số hoạt động.

Những thủ đoạn, chiêu bài thâm độc nhằm phá hoại ta từ bên trong

Lợi dụng các vấn đề về lịch sử, đất đai và cuộc sống khó khăn của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để vu cáo Nhà nước ta "phân biệt đối xử”,“đàn áp người DTTS", ép người DTTS phải “bỏ đạo, bỏ văn hoá dân tộc” hoà nhập với “cuộc sống văn minh” của người Kinh… để kích động, lôi kéo người DTTS biểu tình, bạo loạn, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự xã hội (ANCT-TTATXH) ở nước ta; các thế lực thù địch còn triệt để lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, giải quyết khiếu nại tố cáo… ở vùng DTTS để mua chuộc, lôi kéo những phần tử xấu và người DTTS gây mất ổn định ANCT-TTATXH trên địa bàn; chúng còn lợi dụng sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên; triệt để xoáy sâu tâm lí và sự dồn nén bức xúc do số cán bộ, đảng viên này gây ra với đồng bào để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới nhằm làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng, vào chính quyền. 

Chúng đánh tráo và đồng nhất khái niệm quyền dân tộc tự quyết là quyền của quốc gia - dân tộc với quyền của các DTTS để tuyên truyền, xuyên tạc nhằm làm cho đồng bào các dân tộc ngộ nhận rằng, quyền dân tộc tự quyết là quyền của riêng đồng bào các DTTS. Từ đó, chúng tìm cách kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc đòi “quyền dân tộc tự quyết, tự quản”, đòi thành lập nhà nước riêng, thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc như: “Nhà nước Tin lành Đề-ga” ở Tây Nguyên, “Vương quốc Khmer Krom” ở Tây Nam Bộ, “Nhà nước Mông” ở Tây Bắc. Qua đó nhằm hình thành các tổ chức đối lập với Đảng, Nhà nước ta. Bên ngoài, các tổ chức người Việt lưu vong ở nước ngoài như: "Hội người Mông thế giới", "Hội người Thượng Đề-ga"… tích cực móc nối, tài trợ, chỉ đạo số đối tượng trong nước thu hút, tập hợp lực lượng, hình thành nhen nhóm phản động gây mất ổn định chính trị ở địa phương.

Triệt để tác động Quốc hội Mỹ và các nước phương Tây, các tổ chức quốc tế thông qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo... hoặc tổ chức các cuộc điều trần, hội thảo, họp báo nhằm xuyên tạc, bóp méo tình hình nhân quyền ở các vùng DTTS ở nước ta. Điển hình như: Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới hằng năm của Anh, Mỹ; Nghị quyết của Nghị viện EU... Trong đó, chỉ riêng Hạ viện Mỹ hằng năm đã liên tục thông qua nhiều Dự luật, Nghị quyết về quyền của người DTTS tại Việt Nam như: Dự luật HR 1897, Nghị quyết H.Res.484… hay Báo cáo thường niên của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI)... Đặc biệt, các tổ chức phản động lưu vong còn tìm cách tham gia các diễn đàn của Liên hợp quốc để gây sức ép đòi Nhà nước Việt Nam phải trao “quyền tự quyết, tự quản” cho người Khmer, người Thượng… ở trong nước.

Lợi dụng kênh ngoại giao song phương, đa phương, hợp tác quốc tế với Việt Nam để lồng ghép vấn đề “cải thiện dân chủ, nhân quyền” trong các nội dung hợp tác với nước ta; gây sức ép về vấn đề quyền của người DTTS, đòi “quyền dân tộc tự quyết” cho các nhóm DTTS trong quan hệ với Việt Nam. Các thế lực thù địch còn thông qua tiếp xúc, làm việc với các cơ quan chức năng để tán phát, truyền bá các tài liệu, văn bản như: Thư ngỏ, Thông cáo báo chí… hoặc gửi kháng thư tới các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, trong đó có quyền của người DTTS ở trong nước, qua đó, hòng hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. 

Triệt để lợi dụng trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào các DTTS để “tôn giáo hóa” các vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, tập trung vào địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Chúng lập ra các "tôn giáo riêng" cho đồng bào DTTS như "Tin lành Đề-ga" ở Tây Nguyên; "Tin lành của người Mông" ở Tây Bắc, "Phật giáo của người Khmer" ở Tây Nam Bộ… Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ rõ, một trong những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là: “Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan”. Tư tưởng “dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan” thực chất là tư tưởng khép kín, biệt lập; tạo sự ngờ vực, đố kỵ giữa dân tộc này, tôn giáo này với dân tộc khác, tôn giáo khác; chỉ nhấn mạnh đặc điểm riêng biệt, đề cao lợi ích của dân tộc mình, tôn giáo mình mà không thấy được lợi ích của dân tộc khác, tôn giáo khác và lợi ích đại cục của quốc gia; từ chỗ đề cao dân tộc mình, tôn giáo mình dẫn đến tư tưởng coi thường, tỏ thái độ miệt thị, xúc phạm các dân tộc khác, tôn giáo khác và những người không theo tôn giáo, làm nảy sinh và gia tăng mối hận thù giữa dân tộc mình, tôn giáo mình với các dân tộc, tôn giáo khác...

 

Công an tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đồng thời yêu cầu đối tượng gõ bỏ thông tin sai sự thật trên không gian mạng

Các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng những điều kiện thuận lợi do cuộc cách mạng 4.0 đem lại để tiến hành các hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc ta. Nhiều hội nhóm được lập ra cả ở trong và ngoài nước, như: BPSOS, “Hội anh em dân chủ, Hội Cựu tù nhân lương tâm”, “No-U”, “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội Phụ nữ nhân quyền”…. Dù tên gọi khác nhau, song vẫn kiểu “bình mới rượu cũ”, thủ đoạn móc nối, giật dây, liên kết, tài trợ trong - ngoài. Hoạt động chủ yếu được thực hiện qua các diễn đàn trên Internet, website, blog, mạng xã hội… đăng tải các bài viết, hình ảnh, video, clip chế phim xuyên tạc với cường độ cao, tính chất “đánh lận con đen” nhằm gây chia rẽ nội bộ, sự đồng thuận xã hội và tình cảm giữa các dân tộc. Một số diễn đàn, như: BBC, RFI, RFA, VOA,… thường đăng tải các bài viết xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Chúng lợi dụng triệt để các phương tiện phát thanh, phát tán tài liệu phản động, các ấn phẩm đồi trụy, khai thác tối đa ưu thế của tuyên truyền miệng, rỉ tai, thông tin mập mờ để tung tin thất thiệt, sai lệch về đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Từ đó khoét sâu tâm lý ly khai, “tự trị” hình thành lực lượng đối lập, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết vùng miền, đoàn kết lương giáo, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, đoàn kết quân - dân, đoàn kết Đảng với Nhân dân…

Có thể thấy, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động rất tinh vi, thâm độc; hành động quyết liệt, trắng trợn; đối tượng đa dạng, phức tạp; mục đích không thay đổi và hậu quả khó lường. Với sự chỉ đạo nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về công tác dân tộc, tinh thần cảnh giác cách mạng của người dân, cùng với sự hiệp đồng của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân, chúng ta đã phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa mọi âm mưu, hành động nguy hiểm của các thế lực thù địch, phản động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Những giải pháp đồng bộ để vô hiệu hóa mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch

 

Thượng tá: Nguyễn Trọng Chức – Trưởng phòng An ninh – Đối nội triển khai công tác đảm bảo tỉnh hình An ninh vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

Để đấu tranh với mưu đồ đen tối đó, chúng ta cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, phù hợp, tính khả thi cao, trước hết cần phải Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng giáo dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và liên quan công tác dân tộc, tôn giáo nói riêng. Đồng thời, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống, công nghệ 4.0 trong đấu tranh, phản bác, nhận diện những âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của  các thế lực thù địch, phản động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên cơ sở đó, đề cao truyền thống đoàn kết, yêu nước, tinh thần cảnh giác cách mạng, trách nhiệm của mỗi công dân đối với cộng đồng, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, sự đồng thuận xã hội, ý thức tự lực, tự cường, chống mọi biểu hiện tư tưởng cực đoan, hẹp hòi, cục bộ… coi đó là yếu tố quan trọng để củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Không ngừng củng cố, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy Quy chế Dân chủ cơ sở, thực hiện hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội; huy động sức dân đi đôi với bồi dưỡng sức dân, phát huy dân chủ gắn liền với giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, chấn chỉnh thái độ phục vụ Nhân dân; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến chế độ chính sách, nhu cầu đời sống, kinh tế, việc làm, đất đai, môi trường…

Thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi. Chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện những chính sách liên quan công tác dân tộc, vùng dân tộc đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Làm tốt công tác dân vận, đổi mới, lựa chọn địa bàn, đối tượng có trọng tâm, trọng điểm, định hướng nội dung, phương pháp vận động, tuyên truyền cụ thể, thiết thực, hiệu quả; huy động sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận cao trong việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, phòng, chống dịch bệnh, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới, định canh, định cư, tạo việc làm cho lao động tại chỗ là người DTTS; hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc, vùng giáo dân, bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, tà đạo, đạo lạ… Qua đó, tăng cường sự đồng thuận giữa những người theo tín ngưỡng, tôn giáo và những người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Phát huy vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong việc chăm lo, phát huy và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp một cách công khai, minh bạch. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch. Vận động đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh.

Tăng cường quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Quân đội với các ban, sở, ngành trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến công tác dân tộc; chú trọng công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các địa bàn, cơ quan, đơn vị địa phương, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả Quyết định số 77 ngày 30/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án xây dựng thế trận An ninh nhân dân trên không gian mạng”, làm tốt công tác vận động tranh thủ các chức sắc, chức việc trong tôn giáo, người uy tín trong dân tộc để tuyên truyền về âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động mới của các thế lực thù địch phản động tác động. Đồng thời, tích cực tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên thực tế và trên không gian mạng; không tin, không nghe theo các luận điệu xuyên tạc về tình hình trong nước, tuyên truyền bôi nhọ, hạ úy tín cán bộ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ là người DTTS. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, dạy tiếng dân tộc, tìm hiểu phong tục tập quán của người DTTS cho cán bộ trong các cơ quan quản lý Nhà nước. Quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ người DTTS, đặc biệt chú ý đến tính đặc thù của từng khu vực, vùng miền trong công tác sử dụng cán bộ. Kịp thời khen thưởng, động viên, khích lệ đối với cán bộ người DTTS đạt thành tích trong thực hiện nhiệm vụ, học tập và rèn luyện nhằm tạo động lực phấn đấu cho cán bộ người DTTS, góp phần tạo nguồn cán bộ chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thực hiện hiệu quả chiến lược công tác cán bộ dân tộc, vùng DTTS trong thời gian tới.

Lăng Văn Sơn - Hoàng Văn Thanh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải