song
Yên Bái: Sức bật mới từ năm “bản lề”
Ngày xuất bản: 03/01/2024 7:44:31 SA
Lượt đọc: 5348

 Năm 2023, Yên Bái đã hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; trong đó, có nhiều chỉ tiêu đạt kết quả tích cực, xếp thứ hạng cao so với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

 

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra tiến độ dự án đường nối quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15).

Năm 2023 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

Phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, đổi mới sáng tạo, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tỉnh đã hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; trong đó, có nhiều chỉ tiêu đạt kết quả tích cực, xếp thứ hạng cao so với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Đến nay, Yên Bái đã hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo cơ sở pháp lý quan trọng và là động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh, đồng thời đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đảm bảo yêu cầu, chất lượng và tiến độ đề ra. Trong năm, tỉnh cũng đã tập trung triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên rà soát, tháo gỡ khó khăn để phát triển hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư. 

Mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng ở mức khá so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6% (đứng thứ 7/14 tỉnh trong khu vực, đứng thứ 36/63 tỉnh, thành phố).

Hết năm 2023, dự ước có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch; 17 chỉ tiêu đạt kế hoạch; trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 3 năm (2021 - 2023) ước đạt 7,22%/năm; bình quân 5 năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 7,52%, ước đến 2025 có 22/24 chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết số 56; hết tháng 11/2023, tỷ lệ giải ngân 3 CTMTQG nguồn vốn đầu tư phát triển đạt 90% (đứng thứ nhất/14 tỉnh trong khu vực; thứ 4/57 tỉnh, thành, phố cả nước được bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện CTMTQG). 

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, tỉnh đã huy động tối đa mọi nguồn lực và đã khởi công 2 công trình giao thông trọng điểm kết nối với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; khởi công và khánh thành nhiều dự án công trình giao thông trọng điểm như: đường nối quốc lộ 32 với đường tỉnh 174, huyện Trạm Tấu; đường nối quốc lộ 37, quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Trạm Tấu (Yên Bái) - Bắc Yên (Sơn La)…; qua đó, nâng tổng số chiều dài đường giao thông trên địa bàn tỉnh lên 9.415 km, góp phần nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 23,3%. 

Đối với hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tỉnh hiện có 4 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.700 ha, trong đó 3 khu công nghiệp, 10 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.026 ha; đã hút được 140 dự án với tổng mức đầu tư hơn 18.700 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 83,2%, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt 40,4%. 

Để thu đầu tư, khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến; chuyển đổi số theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, năm 2023, toàn tỉnh đã thành lập mới 330 doanh nghiệp, 102 hợp tác xã, 500 tổ hợp tác; cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 60 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4.500 tỷ đồng và 20,4 triệu USD.

 

Phát huy tinh thần đoàn kết, nhân dân huyện Văn Chấn chung sức làm đường giao thông nông thôn. 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) theo hướng chất lượng, giá trị, đồng bộ, hiệu quả; quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo thế mạnh của từng vùng, nhu cầu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung phát triển các vùng chuyên canh lớn, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản để phát huy hiệu quả kinh tế. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng khu vực nông - lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 5,29%; tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 324.945 tấn, bằng 102,5% kế hoạch, tổng đàn gia súc chính đạt 835.506, bằng 101,8% kế hoạch; toàn tỉnh ước có 72 sản phẩm OCOP được công nhận, lũy kế, toàn tỉnh có 237 sản phẩm OCOP.

Trong đó, có 22 sản phẩm 4 sao, 215 sản phẩm 3 sao; toàn tỉnh có106 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, bằng 70,7% tổng số xã toàn tỉnh; 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bằng 100% kế hoạch. Trong năm, các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch cũng đã được triển khai hiệu quả, góp phần tạo sinh kế cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; toàn tỉnh ước đón 1.900.000 lượt khách; trong đó, khách quốc tế ước đạt 110.000 lượt, bằng 73,3% kế hoạch; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.600 tỷ đồng, bằng 118,5% kế hoạch. 

Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm chăm lo và có nhiều tiến bộ. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng đối tượng; chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên; Yên Bái là tỉnh thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân tiếp tục được nâng lên; chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 65,62%, vượt 2,32% so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,76%, vượt kế hoạch đề ra; quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác xây dựng đảng, cải cách tư pháp, nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt.

Xác định năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, quyết định tới việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh, nên ngay từ tháng 11/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 188 về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024. Theo đó, xác định chủ đề của năm là "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược; tích cực thu hút đầu tư, chuyển đổi số; tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc cho nhân dân; phấn đấu cơ bản về đích các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh” gắn với phương châm hành động "Quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. 

Bám sát phương châm hành động và chủ đề của năm 2024, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 22 (mở rộng), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đã đề nghị toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, tinh thần đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên; chung sức, đồng lòng cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của năm 2024, tạo đà quan trọng để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội các cấp.

Theo đó, sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2025; chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, đề án khác về phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược;  xây dựng, trình phê duyệt và thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy nhanh tiến trình thực hiện Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh. 

Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn gắn với XDNTM bền vững; đẩy mạnh cơ cấu lại, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có lợi thế theo đúng Quy hoạch tỉnh; tập trung quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới; tạo bước đột phá trong phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chăm lo phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; quan tâm chăm lo xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. 

Theo Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải