- Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 20 người đi lao động xuất khẩu (LĐXK). Thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với mức thu nhập bình quân từ 15 - 50 triệu đồng/người/tháng, tùy quốc gia và công việc. Hầu hết lao động đi LĐXK sau khi hết hạn về nước đều có cuộc sống ổn định.
Người lao động học tiếng chuẩn bị đi lao động xuất khẩu tại Nhật Bản.
Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, chị Hoàng Thị Huyên, dân tộc Tày, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên quyết định đi Nhật Bản làm việc. Đi LĐXK tại Nhật, chị Huyên làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với thu nhập bình quân khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Chị Huyên cho biết: "Lao động Việt Nam tại Nhật chủ yếu làm việc trong những ngành nghề: nông nghiệp, chế biến thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử… và lương bình quân của mỗi lao động đạt khoảng 140.000 - 150.000 yên/tháng, tương đương 27 - 30 triệu đồng tiền Việt. Bản thân tôi sau 3 năm làm việc tại Nhật, một phần thu nhập giữ lại để chi tiêu, còn lại tôi gửi về nhà giúp gia đình. Năm 2017, khi hết thời hạn về nước, có vốn tích lũy được khi đi XKLĐ, tôi mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Giờ đây, kinh tế gia đình tôi đã khấm khá hơn”.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cách đây hơn 2 năm, anh Giàng A Súa ở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu quyết định đi LĐXK. Qua kênh tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước ngoài, anh Súa đi làm việc tại thị trường Đài Loan với tổng chi phí ban đầu trên 65 triệu đồng. Tại Đài Loan, anh Súa làm công việc xây dựng đúng với những cam kết trong hợp đồng đã ký và phù hợp với khả năng của anh.
Công việc ổn định với mức thu nhập trung bình trên 15 triệu đồng/tháng, đến giờ, anh Súa đã trả nợ xong ngân hàng và có tiền giúp gia đình. Anh Súa hay chị Huyên là 2 trong số hàng nghìn lao động trên địa bàn đi XKLĐ để tìm kiếm việc làm phù hợp, có thu nhập tốt vươn lên thoát nghèo.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên công tác XKLĐ có nhiều hạn chế; tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, người lao động vẫn đi LĐXK tại nước ngoài, nhưng số lượng người XKLĐ ít hơn so với các năm trước dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Cụ thể như, năm 2019 toàn tỉnh có khoảng 1.000 người đi LĐXK thì cả 2 năm 2020 và 2021 chỉ có trên 300 người. Năm nay, tình hình dịch bệnh trong nước và các nước trên thế giới được khống chế, nên tỉnh Yên Bái dần khôi phục lại thị trường lao động ngoài nước. Tỉnh phấn đấu đưa 700 lao động đi LĐXK.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 20 người đi LĐXK. Thị trường XKLĐ chủ yếu của người lao động Yên Bái là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với mức thu nhập bình quân từ 15 - 50 triệu đồng/người/tháng, tùy quốc gia và công việc. Hầu hết lao động đi LĐXK sau khi hết hạn về nước đều có cuộc sống ổn định.
Có được kết quả trên là do tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có uy tín đến tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn đi LĐXK. Sở LĐTBXH đã cấp phép cho các doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực XKLĐ hoạt động tuyển dụng lao động. Giúp người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện thuận lợi đi LĐXK, tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn ưu tiên vay vốn đối với các lao động có nhu cầu…
Tuy nhiên, công tác XKLĐ nhiều năm qua vẫn chưa tương xứng với nguồn lao động dồi dào trên địa bàn. Nhiều địa phương chưa thực sự chú trọng đến công tác này. Chất lượng lao động của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu khắt khe của một số thị trường lao động, đặc biệt là các thị trường yêu cầu người lao động có tay nghề cao. Một bộ phận người lao động và gia đình người lao động chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện hợp đồng đã cam kết...
Ông Phạm Duy Hưng - Trưởng phòng Phòng Lao động - Việc làm - Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH cho biết: "Trong thời gian tới, ngành LĐTBXH sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phấn đấu hoàn thành vượt mục tiêu về XKLĐ. Trong đó, tăng cường tuyên truyền giúp người lao động nắm rõ thông tin về thị trường lao động nước ngoài; tạo điều kiện cho doanh nghiệp được cấp phép tuyển dụng lao động, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ, tránh thiệt hại cho người dân; tăng cường đào tạo nghề; từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo Báo Yên Bái
CÁC TIN KHÁC