song
Yên Bái đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp vì sự phát triển bền vững - Bài 3: Vẫn còn những khó khăn
Ngày xuất bản: 23/08/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 9154

 Không thể phủ nhận sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong tỉnh cùng ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT)Yên Bái trong việc nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp học. Song do nguồn lực còn hạn chế, các yếu tố đặc trưng vùng đã tác động không nhỏ, khiến cho việc đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn.

 

Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non Bảo Hưng, huyện Trấn Yên.

>> Bài 1: Đầu tư cho chất lượng 

>> Bài 2: Hiệu quả nguồn lực - đẩy mạnh đổi mới giáo dục 

 Mặc dù thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho GD&ĐT song Yên Bái là một tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, đặc biệt làđịa hình chia cắt là những cái khó trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục. "Không huy động được nguồn lực xã hội hóa bằng vật chất tại chỗ” đó là tình cảnh chung của tất cả các trường vùng cao của tỉnh. 

 Ví như Trường PTDTBT TH&THCS Làng Nhì, huyện Trạm Tấu với 100% học sinh là người dân tộcMông, trong đó trên 40% là con em hộ nghèo, cận nghèo của xã. Những năm qua, công tác xã hội hóa từ phụ huynh và nhân dân trong xã bằng vật chất là không có mà chủ yếu là sự đóng góp bằng ngày công lao động. 

 Hay Trường PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha Mù Cang Chải được coi là trường ở vùng thuận lợi của huyện, song công tác xã hội hóa từ phụ huynh học sinh bằng vật chất cũng không có. Muốn đầu tư phần nhỏ như cải tạo cảnh quan hay mua sắm thêm một số trang thiết bị thiết yếu thì hầu hết các trường học vùng cao đều huy động từ cácđơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, tiết kiệm các nguồn chi khác của trường.

  Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiền - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Năm học 2020 – 2021, nhà trường tiết kiệm các khoản chi mua tivi cho các lớp học không có máy chiếu để tiếp cận với phương pháp mới của Chương trình GDPT 2018. Còn phụ huynh học sinh chủ yếu là huy động ngày công”.

 Bên cạnh đó, địa hình chia cắt cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học vùng cao. Là đơn vị trực thuộc huyện Trạm Tấu, song để đi được tới trường thì con đường gần nhất là đi từ xã Nghĩa Lộ của thị xã Nghĩa Lộ ngược dốc hơn 20 ki-lô- mét trong đó có những đoạn đường bê tông, có những đoạn đường đất và sỏi đá nên việc vận chuyển nguyên vật liệu hay các trang thiết bị lên trường là rất khó khăn ngày nắng thì đỡ, ngày mưa gần như không di chuyển được. 

 Thầy Nguyễn Danh Trí Quảng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Làng Nhì chia sẻ: "Còn nhớ năm học trước, nhà trường được đầu tư trang thiết bị học tập và dụng cụ nhà bếp, ngày chở tủ cơm lên trường gặp đúng hôm mưa, nhân viên của đơn vị cung cấp phải nằm lại tại xã Phình Hồ mất 4-5 hôm chờ hết mưa rồi chờ thêm 1 ngày nắng nữa mới mang lên tới trường”. 

 Cũng chính vì địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên giá nguyên vật liệu xây dựng tại cácđịa phương vùng cao luôn cao hơn nhiều lần so với vùng thấp; chi phí vận chuyển cũng ảnh hưởng đến việc đầu tư.

 Được đưa vào chủ trương của huyện sẽ xây dựng khu nhà bán trú phía sau trường, song thầy Lê Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha huyện Mù Cang Chải đang lo lắng: "Nhà cung cấp chỉ đưa vật liệu tới nơi mà ôtô vào được, nhưng chỗ xây của nhà trường là ở phía đồi sau không có lối vào, nên còn tăng-bo nguyên vật liệu ra điểm xây thì nhà trường chưa biết tính sao”.

 Tuy nhiên, với sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn vẫn mong mỏi được quan tâm tâm, tiếp tục đầu tư thiết bị cho các trường để thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng đồ dùng, thiết bị phục vụ học sinh các trường Phổ thông dân tộc bán trú, trường có học sinh bán trú theo tinh thần Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 775/QĐ-TTg ngày 27/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

  

 Nhiều trường học tại vùng cao Yên Bái còn nhiều khó khăn (Trong ảnh giờ học của cô và trò Trường Mầm non Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải) 

 Một trong ba đột phá chiến lược  mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ XIX của tỉnh đã đề ra là: "Phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát huy giá trị, bản sắc văn hoá, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của con người Yên Bái, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển”. 

 Và một trong bẩy nhiệm vụ trọng tâm "Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thích ứng với Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, từng bước phát triển nền kinh tế số, xã hội số.”. 

 Đó là những nhiệm vụ nặng nề của ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái. Ngành GD&ĐT xác định, trong thời gian tới tiếp tục rà soát, sắp xếp quy hoạch mạng lưới các cơ sở GD&ĐTtrên cơ sở kế thừa những kết quả của Đề án giai đoạn 2016 - 2020,gắn với kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025. Đổi mới công tác tài chính; tăng cường xã hội hóa,đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị… đáp ứng yêu cầu phát triển về quy mô trường, lớp, nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Quản lý và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục…

 Thuận lợi lớn nhất lúc này đối với ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnhủy, HĐND, UBND tỉnh và sự chung sức của các sở, ban ngành đoàn thể, sự đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Với sức mạnh đoàn kết ấy, toàn ngành GD&ĐT Yên Bái sẽ vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng nền giáo dục Yên Bái phát triển.

Theo Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải