- “Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” là một trong những đổi mới mạnh mẽ về tư duy, thể hiện sự sáng tạo, đột phá trong phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy và cũng là một trong những cách làm hay của Yên Bái trong thời gian qua.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước kiểm tra tuyến đường Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh, huyện Lục Yên.
Qua 5 năm triển khai các chương trình hành động (CTHĐ) lãnh đạo nhiệm vụ chính trị hàng năm theo hướng "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”, kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái luôn duy trì mức tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so mục tiêu đề ra.
Đột phá trong phương thức lãnh đạo
Từ năm 2019, căn cứ Kết luận số 37 ngày 17/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2019, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành CTHĐ số 144 lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2019.
Từ đó, hằng năm Tỉnh ủy Yên Bái đều ban hành các CTHĐ như: CTHĐ số 190 (năm 2020), CTHĐ số 18 (năm 2021), CTHĐ số 56 (năm 2022) và CTHĐ số 135 (năm 2023). Mỗi năm một chủ đề và phương châm hành động cụ thể, rõ ràng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
CTHĐ hàng năm của Tỉnh ủy làm thay đổi nhận thức và tư duy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của cả tỉnh cũng như của mỗi ngành, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; tạo động lực, khí thế thi đua sôi nổi trong cả hệ thống chính trị và có sức lan tỏa để các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi, không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, thay đổi tác phong, lề lối làm việc để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của năm.
Trong quá trình rà soát, ban hành các CTHĐ hàng năm, việc xây dựng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, cách thức đánh giá, chấm điểm, khen thưởng đã được bổ sung, hoàn thiện từng năm theo hướng ngày càng khoa học, sát thực tiễn, thể hiện sự quyết tâm, tâm huyết, trách nhiệm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị; các chỉ tiêu, nhiệm vụ ngày càng rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ sản phẩm...
Cách đánh giá, chấm điểm, xếp loại khách quan, khoa học; công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương kịp thời... chính là thước đo rõ nhất, hiệu quả nhất để đánh giá chính xác trình độ, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, tinh thần tiên phong đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
Qua thực hiện các CTHĐ số 144, 190, 18 và 56, đã có 232 lượt cơ quan, đơn vị, địa phương, 266 lượt cá nhân người đứng đầu được biểu dương, khen thưởng với tổng kinh phí trên 39,2 tỷ đồng.
Những kết quả tích cực
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước cho biết: Qua 5 năm thực hiện các CTHĐ, việc xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện CTHĐ thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm đã tạo chuyển biến tích cực, là nhiệm vụ chính trị thường xuyên với những kết quả ấn tượng trên mọi mặt của đời sống xã hội; xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, thiết thực, hiệu quả, tạo sự đổi thay rõ nét cho quê hương Yên Bái.
Các cấp, các ngành, địa phương đã thực sự vào cuộc nêu cao vai trò, trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương đã phát huy năng lực, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, không ngừng đổi mới tư duy, tác phong, lề lối làm việc. Đã có nhiều sáng kiến hay, cách làm mới, mô hình hiệu quả áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực và có tính đột phá.
Cụ thể là những nỗ lực và sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Trấn Yên; đổi mới tư duy, cách làm trong triển khai thực hiện các dự án phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi giá trị của huyện Văn Yên, Yên Bình; những đổi mới, sáng tạo có tính đột phá trong phát triển du lịch của huyện Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ.
Đặc biệt, năm 2022, "Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; những nỗ lực của thành phố Yên Bái trong việc thực hiện mục tiêu trở thành đô thị loại II; sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của ngành thuế, hải quan, xổ số và các huyện, thị xã, thành phố... đã góp phần tích cực vào hoàn thành dự toán thu ngân sách của tỉnh trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế.
Với tinh thần đổi mới, tư duy đột phá, cách làm sáng tạo của ngành thông tin và truyền thông và các địa phương, Yên Bái đã triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình chuyển đổi số hiệu quả, tạo bước nhảy vọt về thứ hạng trong bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số quốc gia. Năm 2021, tỉnh Yên Bái xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số (DTI), cải thiện 13 bậc so với năm 2020, là tỉnh có mức cải thiện thứ hạng cao nhất cả nước. Năm 2022, tỉnh Yên Bái xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số DTI, cải thiện 12 bậc so với 2021.
Kinh tế - xã hội có sự bứt phá mạnh mẽ, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch, luôn duy trì đà tăng trưởng khá. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng đạt 7,11%, đứng thứ 2/14 tỉnh trong vùng. Năm 2022, đạt 8,62%, là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây; tốc độ tăng trưởng trung bình từ đầu nhiệm kỳ đến nay đạt trên 7,5%, đúng mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Dự kiến đến năm 2025, Yên Bái có 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 18 chỉ tiêu đạt kế hoạch, 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch do nguyên nhân khách quan là chủ yếu.
Tốc độ tăng trưởng khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản luôn nằm trong tốp đầu của 14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5,36%, đứng thứ 4/14 tỉnh trong vùng. Năm 2022, đạt 5,95%, cao nhất trong vùng và cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. 6 tháng 2023, đạt 5,85%, đứng thứ 1/14 tỉnh trong khu vực.
Đến nay, toàn tỉnh có 99/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 66% tổng số xã của tỉnh; 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy gặp gỡ, trao đổi với người dân xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên.
Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng đều qua các năm. Năm 2021, đạt 11,82%, đứng thứ 1/14 tỉnh trong vùng, riêng khu vực công nghiệp tăng 12,82%, đứng thứ 1/14 tỉnh trong vùng. Năm 2022, đạt 14,76%, đứng thứ 6/14 tỉnh trong vùng, riêng khu vực công nghiệp tăng 16,66%, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng. 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng 8,86%, đứng thứ 6/14 tỉnh trong vùng.
Quy hoạch và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 có 9 khu công nghiệp với diện tích 2.080 ha, 16 cụm công nghiệp với diện tích 1.288 ha. Đã thu hút 33 dự án vào các khu, cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 5.685 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 83,2%, các cụm công nghiệp đạt trên 40%. Lưới điện nông thôn được phủ tới 98% số hộ.
Thương mại, dịch vụ có sự phục hồi và phát triển tích cực nhất là các hoạt động phát triển du lịch, các chỉ tiêu ngành thương mại, dịch vụ đều đạt và vượt kế hoạch hàng năm. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tổng vốn đầu tư phát triển năm 2022 đạt 18.874,8 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2021, xếp thứ 6/14 tỉnh trong vùng.
Đến nay, tỉnh Yên Bái có trên 600 dự án đầu tư đã được cấp chủ trương đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 106,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 37 dự án FDI, chiếm khoảng 6% tổng số dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng; đã có trên 280 dự án đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất. Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.100 doanh nghiệp, 690 hợp tác xã, 6.088 tổ hợp tác.
Yên Bái đã chăm lo phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có bước chuyển biến tích cực. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt kết quả tích cực, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái không ngừng được nâng cao.
Nỗ lực về đích sớm các chỉ tiêu
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước cho biết: Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái; các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong CTHĐ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong thời gian tới, Yên Bái tiếp tục duy trì, đổi mới việc ban hành CTHĐ thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm. Bám sát nhiệm vụ chính trị, chủ đề hành động của Trung ương, Chính phủ, trên cơ sở đó, rà soát, phân công nhiệm vụ cho cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong quá trình triển khai, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền báo cáo Ban Thường vụ cho chủ trương cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn tại cơ quan, đơn vị.
Tập trung thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong CTHĐ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm, tiến tới hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược và 7 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ. Đặc biệt, tập trung cao độ, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, đề án chính sách giai đoạn 2021-2025 đã ban hành.
Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân; quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng - an ninh; thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Rà soát, hoàn thiện hệ thống thang, bảng điểm và phương pháp đánh giá phù hợp, đảm bảo khoa học, toàn diện, thực chất, công bằng để khích lệ, động viên những cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu làm tốt để làm căn cứ quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu...
Theo Báo Yên Bái
CÁC TIN KHÁC