song
Yên Bái phát triển du lịch “xanh, bản sắc, hấp dẫn”
Ngày xuất bản: 03/11/2020 7:53:56 SA
Lượt đọc: 14251

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 định hướng phát triển du lịch Yên Bái trong thời gian tới là phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn và trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.

Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế theo bình chọn của Hãng tin CNBC

Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế theo bình chọn của Hãng tin CNBC

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thị, thành phố cùng với sự đồng lòng của người dân, du lịch Yên Bái đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Quan trọng hơn, Yên Bái nay đã có có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam với những điểm du lịch, sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách trong và ngoài nước. 

Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Yên Bái còn xác định và đưa phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. 

Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TU ngày 18/10/2016 về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái trở thành ngành kinh tế quan trọng và các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch. Tỉnh tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đầu tư du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí, khách sạn… tại các điểm có tiềm năng phát triển du lịch; xây dựng hình thành và phát triển rõ nét 4 vùng du lịch trọng điểm (vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và vùng phụ cận; vùng du lịch miền Tây (Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu và Mù Cang Chải) và vùng du lịch Trấn Yên - Văn Yên). Bên cạnh đó là hình thành và phát triển 5 dòng sản phẩm du lịch là: tham quan - nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng và tìm hiểu văn hóa các dân tộc; sinh thái; tâm linh và du lịch mạo hiểm. 

Bằng việc làm và hướng đi cụ thể, các khu, điểm du lịch đã thu hút lượng khách khá ổn định như: vùng du lịch hồ Thác Bà, khu du lịch cộng đồng vùng Đông hồ, khu du lịch Lavie Vũ Linh hay khu du lịch Đại An (Khai Trung - Lục Yên). 

Đặc biệt, một số điểm du lịch ở miền Tây như: du lịch sinh thái - cộng đồng huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ… đã thu hút được một số nhà đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, homestay khá hấp dẫn tại đèo Khau Phạ, Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải và suối nước nóng Trạm Tấu… 

Cùng với đó, tỉnh còn thường xuyên tổ chức các sự kiện thu hút đông đảo khách du lịch như: Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, Festival dù lượn "Bay trên mùa vàng”, "Bay trên mùa nước đổ”; Lễ hội đền Đông Cuông gắn với Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn (Văn Yên); Lễ hội đền Đại Cại (Lục Yên)… 

Nhờ vậy, lượng khách du lịch đến với Yên Bái ngày một nhiều, doanh thu du lịch, dịch vụ du lịch có bước tăng trưởng mạnh đã và đang trở thành ngành kinh tế chủ lực. Năm 2018, tỉnh đã đón trên 560.000 lượt khách (khách quốc tế 25.758 lượt) tăng 10,5% so với cùng kỳ, doanh thu đạt trên 333 tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2017. 

Năm 2019, Yên Bái đón trên 700.000 lượt du khách trong nước và quốc tế, doanh thu đạt trên 420 tỷ đồng - một con số đầy ấn tượng ở một tỉnh miền núi lại nằm sâu trong nội địa. 9 tháng của năm 2020 này, tuy ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19 nhưng Yên Bái vẫn thu hút trên 418.000 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, doanh thu đạt trên 259 tỷ đồng. 

Những con số nêu trên khẳng định du lịch Yên Bái đã và đang phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng trân trọng, việc phát triển du lịch vẫn còn một số hạn chế như: chưa có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược khai thác tiềm năng, thế mạnh để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn làm điểm nhấn còn ít. 

Đặc biệt, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu, tính chuyên nghiệp chưa cao và phần lớn là chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về du lịch…

Yên Bái - cửa ngõ miền Tây Bắc được biết đến với nhiều tiềm năng nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa lịch sử để phát triển du lịch, các di tích còn giữ nguyên vẹn được nét nguyên sơ, như: Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - là điểm đến hàng đầu của khách quốc tế theo bình chọn của hãng tin CNBC; Di tích danh thắng quốc gia hồ Thác Bà với hàng ngàn hòn đảo được ví như một Hạ Long trên núi. Yên Bái còn là nơi quần tụ của trên 30 dân tộc anh em sinh sống, tạo nên những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của vùng Tây Bắc, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần phong phú, độc đáo… 

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 định hướng phát triển du lịch Yên Bái trong thời gian tới là phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn và trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc. 

Ngay trong năm 2020 này và những năm tiếp theo, tỉnh cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong việc phát triển các sản phẩm du lịch đảm bảo xanh, bản sắc, hấp dẫn như: phát triển hồ Thác Bà thành khu nghỉ dưỡng hàng đầu khai thác trường năng lượng sinh học trong phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, làm đẹp.

Phát triển đầm Vân Hội trở thành khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế mô phỏng giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của các nước châu Âu, châu Á và Việt Nam; đưa Mù Cang Chải trở thành điểm nhấn cho du lịch của tỉnh với sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp với hoạt động khám phá Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang; phát triển du lịch cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ thành mô hình chuẩn gắn với giới thiệu "Nghệ thuật Xòe Thái" đã được Chính phủ trình UNESCO xem xét đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đa dạng các dịch vụ trải nghiệm gắn với đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán đồng bào dân tộc Thái; du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với định hướng nông nghiệp sạch, chất lượng cao theo Chương trình OCOP tại Suối Giàng, Văn Yên, Trấn Yên... 

Tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch bổ trợ như: du lịch tâm linh, du lịch văn hóa ẩm thực, hình thành các sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên du lịch từ núi, sông, rừng, kết nối với các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp. 

Đặc biệt phải đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ số thúc đẩy phát triển du lịch sáng tạo, thông minh. Định vị rõ thương hiệu du lịch Yên Bái, hướng tới phát triển các sản phẩm du lịch xanh, bản sắc tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”.

Thanh Phúc

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải