song
Yên Bái quan tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày xuất bản: 21/11/2023 9:04:20 SA
Lượt đọc: 3330

 Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung triển khai các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Dự án 7 trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

 

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải thăm khám bệnh cho người dân.

Dự án 7 "Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em” là một trong 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023. 

Dự án giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 nhằm mục tiêu cải thiện sức khoẻ của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ; tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Thực hiện Dự án 7, thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân – Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết: "Yên Bái là tỉnh miền núi với 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm tới 56,24% dân số, đời sống người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Người dân còn nhiều hủ tục lạc hậu như sinh con tại nhà, chăm sóc trẻ thiếu khoa học, thiếu trang thiết bị, dụng cụ cho chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao so với cả nước. Nguồn nhân lực thực hiện công tác dinh dưỡng tại các cơ sở y tế đang thiếu. Đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng thường xuyên thay đổi, trình độ chuyên môn hạn chế, nhiều cộng tác viên chưa thông thạo tiếng phổ thông hoặc tiếng địa phương. Với đặc thù trên, việc thực hiện Dự án 7 là một trong những chính sách rất thiết thực, ý nghĩa”. 

Xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, một trong những nội dung của Dự án 7 là nâng cao năng lực quản lý dân số ở cơ sở. 

Tại tỉnh Yên Bái, đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở cùng đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, bản đã được kiện toàn, dần ổn định và đi vào hoạt động, là những cánh tay nối dài của ngành truyền tải các thông tin, các chính sách cũng như vận động người dân thực hiện chính sách dân số. Đặc biệt, đội ngũ này đã phối hợp tổ chức 15 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho Ban chỉ đạo công tác dân số xã, nhân viên y tế thôn bản kiêm cộng tác viên dân số với gần 300 người tham dự nhằm nâng cao năng lực để hoàn thành các nhiệm vụ ở cơ sở. 

Bác sĩ Hà Thị Mộng Hoài, Chi cục phó Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: "Thời gian qua, Chi cục đã triển khai hàng loạt hoạt động truyền thông, giáo dục tuyên truyền, truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình nhằm truyền tải các thông tin, các chính sách cũng như vận động người dân thực hiện chính sách dân số. Khi có kiến thức đầy đủ về dân số, nhận thức ngày càng được nâng cao thì người dân sẽ chủ động tìm hiểu, sử dụng các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình và thế hệ tương lai”. 

Thời gian qua, thực hiện Dự án 7, ngành  y tế đã rà soát, tổng hợp đăng ký nhu cầu đào tạo bác sĩ chuyên khoa I từ các địa phương; hỗ trợ phụ cấp, đỡ đẻ tại nhà cho 40 cô đỡ thôn bản từ tháng 8/ 2022 đến tháng 6/2023. 

Cùng với đó, ngành tổ chức được 54 lớp tập huấn cung cấp kiến thức và kĩ năng truyền thông, hướng dẫn triển khai về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời và quản lý suy dinh dưỡng cấp tính cho 1.229 cán cán bộ y tế tuyến huyện, xã và đội ngũ y tế thôn bản; cung cấp 3.712 sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em cho tuyến cơ sở; cung cấp 1.600 gói đẻ sạch cho tuyến cơ sở ưu tiên các xã có đẻ tại nhà. 

Ngành cũng đã hỗ trợ cho các cán bộ y tế 98 điểm tiêm ngoài trạm thuộc các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình từ tháng 1 đến hết tháng 6/2023; tổ chức 12 lớp tập huấn công tác chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em cho 316 nhân viên y tế thôn, bản.  Nội dung tập huấn tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các vùng khó khăn. 

Cùng với đó, ngành cũng duy trì hoạt động sàng lọc trước sinh (siêu âm thai) cho 249 bà mẹ, ước đạt 12%; lấy máu gót chân cho 161 trẻ sơ sinh, ước đạt 8% tổng số trẻ sinh; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trên 6.597 người cao tuổi tại 63 chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi tại các xã triển khai Dự án…

Bên cạnh những kết quả đạt được, do Yên Bái là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa cao nên còn có sự chênh lệch, khác biệt khá lớn về tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giữa các địa phương và các nhóm dân tộc khác nhau; phong tục, tập quán trong chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em, tình trạng phụ nữ có thai không đi khám thai và quản lý thai, sinh tại nhà vẫn còn khá phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… 

Để giải quyết những vấn đề này, thời gian tới, ngành y tế cùng chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình, đưa ra nhiều giải pháp can thiệp về chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng, để tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới. 

Theo Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải