song
Bài học quý giá khi mới vào nghề
Ngày xuất bản: 07/09/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 34335

       Tôi tin chắc rằng trong cuộc đời, không ai là không mắc sai lầm và sai lầm là bước đầu của thành công. Có sai lầm tôi mới nhận được bài học và tự rút ra cho mình những kinh nghiệm quý giá.

     Sau 4 năm học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tôi lựa chọn về Báo Yên Bái để thực tập, một phần là được gần gia đình, phần còn lại là được tìm tòi, khám phá, hiểu biết hơn về mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên.

     Tôi được phân công về phòng Văn hóa - Xã hội, theo đúng nguyện vọng. Sau một tuần đọc báo để hiểu được cách viết, văn phong, cách lựa chọn đề tài, tôi bắt đầu được phân công đi viết tin. Được mọi người trong phòng quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ nhiệt tình nên chỉ sau một tuần, tôi đã được đăng tải 2 tin trên báo thời sự. Niềm vui không thể nào tả xiết. Nhưng đến tin thứ ba, tôi đã mắc sai lầm! Đây là sai lầm đầu tiên trong cuộc đời khiến tôi nhớ mãi. Hôm đó, tôi đi cùng anh phóng viên T.N.S được phân công đi đưa tin về Hội nghị tổng kết công tác khuyến học của tỉnh. Thông thường, anh S là người viết tin nhưng vì đưa tin hội nghị tương đối dễ viết nên anh tin tưởng giao tôi nhiệm vụ này. Đúng thật là khá dễ nhưng tôi lại viết sai tên đơn vị trao tặng học bổng từ Viettel sang VNPT. Tôi đi hội nghị nhưng tôi lại chủ quan không nghe tường tận đầu đuôi mà chỉ chăm chăm vào cái báo cáo mà không biết rằng không phải cái gì cũng được viết trong báo cáo. Lúc đó, VNPT trao tặng xong 50 triệu đồng thì đến Viettel trao đại diện 20 suất học bổng. Do nghe “câu được câu chăng” nên tôi đinh ninh là 20 suất học bổng sau cũng là của VNPT trao tặng. Đó là sự nhầm lẫn tai hại. Chỉ vì sự bất cẩn, chủ quan của cá nhân tôi đã khiến cho tòa soạn phải đăng tin đính chính. Anh S cũng bị “vạ lây”. Lỗi hoàn toàn do tôi đã làm liên lụy đến mọi người, tôi thật sự rất hối hận với cảm giác tội lỗi bao trùm. Sau đó, cơ quan thông báo cho tôi nghỉ 10 ngày làm việc, mặc dù cơ quan không tuyên bố nhưng tôi biết đó là một hình thức kỷ luật với tôi.

     Trong 10 ngày đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều… Trên ghế nhà trường, tôi đã được học môn đạo đức nghề báo. Môn học nhắc nhở chúng tôi, nghề báo là nghề khó khăn và nguy hiểm. Nguy hiểm không chỉ với người viết điều tra, thâm nhập vào “thế giới xã hội đen” để đưa sự thật ra ngoài ánh sáng, mà nguy hiểm còn ở chính những thông tin mà nhà báo đưa ra bởi thông tin đó tác động tới rất nhiều người. Vì vậy, việc kiểm chứng thông tin là vô cùng quan trọng. Vậy mà tôi lại quên mất nó! Tôi khiến anh S bị khiển trách, phòng xếp loại B trong tháng. Tôi chán nản, không muốn viết, thậm chí là sợ. Không phải tôi sợ bị mọi người chê bai hay trách phạt mà tôi sợ bài viết của mình ảnh hưởng tới người khác. Tôi tự ti và ngày càng nhỏ bé hơn với suy nghĩ đó. Nhưng nhờ có sự quan tâm, ủng hộ của gia đình và bạn bè, đặc biệt là câu nói của bố “vấp ngã thì phải biết đứng dậy, ngày trước còn bé không phải con cũng vấp ngã rất nhiều lần rồi mới biết đi đó sao?”, tôi bắt đầu phấn chấn hơn. Lục lại những cuốn sách tôi mua khi còn đi học, đập vào mắt tôi là cuốn “Nghề báo - những bài học nhớ đời”. Cuốn sách này tôi mua khi làm bài tập môn Biên tập. Lúc mua nó, mục đích của tôi chỉ nhằm phục vụ cho môn học chứ không nghĩ rằng hôm nay đọc lại nó để nhìn lại chính mình. Cuốn sách đã cho tôi cái nhìn toàn cảnh về nghề báo, trách nhiệm nặng nề, những vinh quang cùng những nguy hiểm có thể gặp phải trên con đường phát triển sự nghiệp. Còn vô vàn sức ép, khó khăn, cạm bẫy, nguy hiểm rình rập trong quá trình tác nghiệp mà tôi phải vượt qua. Nếu chỉ một lần vấp ngã mà tôi dừng lại thì cả con đường dài phía trước, tôi sao có thể vượt qua. Không ai là không mắc sai lầm, nhưng quan trọng là nhận ra cái sai, sửa chữa và tự rút kinh nghiệm để không bao giờ lặp lại nó.

     Cái nghề của tôi là phải vận động tất cả các giác quan để đi, nghe, nhìn, suy ngẫm rồi viết. Vì vậy nó đòi hỏi người viết phải có cái nhìn toàn diện, nhìn rõ, nhìn đúng sự việc. Nếu nhìn chưa rõ, chưa ra thì chưa viết. Muốn viết một vấn đề gì đó, người viết phải đi, phải tận mắt nhìn thấy, trực tiếp nghe thấy rồi mới viết. Không được ngồi ở nhà, nghe kể rồi viết theo suy luận hoặc hư cấu thêm. Như trường hợp của tôi là do chủ quan cá nhân mà ra, tôi nghe không rõ cũng không biết hỏi mọi người xung quanh mà lại viết theo suy luận chủ quan của mình. Đó là cái sai không nên có.

     Tôi đã mắc sai lầm nhưng từ sai lầm đó tôi rút cho mình được bài học, kinh nghiệm quý giá, là hành trang để tôi bước vào nghề. Cũng từ sai lầm đó, làm gì tôi cũng cẩn trọng hơn rất nhiều, không dám lơ là dù chỉ là một câu, một chữ. Hết 10 ngày đình chỉ, tôi đi làm và với một tác phẩm nữa mới “ra đời”. Lúc này, tôi lo lắng mọi người sẽ không còn tin tưởng, không đăng bài của mình nữa. Nhưng thật rất vui  khi bài viết của tôi được đăng tải sau đó. Từ sợ viết, tôi lại càng yêu thích nghề hơn. Trên đường đời, không ai là không vấp ngã. Nhưng vấp ngã thì phải biết đứng dậy, không tự ti mà phải tự tin, cố gắng, cẩn trọng hơn nữa, chẳng phải tục ngữ có câu “thất bại là mẹ của thành công” sao?.

 

Hoài Anh

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải