song
Phóng viên Thế Quang: “Mong muốn mang đến những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống”
Ngày xuất bản: 30/06/2020 12:00:00 SA
Lượt đọc: 15827

Ngày quyết định bỏ nghiệp sư phạm để rẽ sang làm báo, Thế Quang – phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình Yên Bái đã tự nhận về mình không ít khó khăn. Nghề báo là lựa chọn nên hành trình phía trước của Thế Quang là phải nỗ lực, phấn đấu để khi nhìn lại đó không là tiếc nuối.

Từ nhỏ Thế Quang đã rất yêu thích nghề báo và mong muốn để trở thành một nhà báo nhưng khi trưởng thành Thế Quang lại theo truyền thống gia đình học sư phạm âm nhạc. Sau 2 năm đứng trên bục giảng, năm 2009 trong một lần vô tình đọc được thông báo tuyển dụng của Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái, thì ước mơ từ bé của cậu trỗi dậy. Qua tìm hiểu Thế Quang thấy vị trị ứng tuyển lần này rất hợp với mình, vì lúc đó Đài Phát thanh – Truyền hình Yên Bái đang cần một biên tập viên âm nhạc, vậy là cậu nộp hồ sơ và rất may mắn được nhận vào Đài.

Là biên tập viên phụ trách mảng âm nhạc, biên tập các chương trình liên quan đến âm nhạc trên sóng phát thanh và truyền hình, bên cạnh đó tham gia quay phim các chương trình, phóng sự về đề tài văn hóa, văn nghệ.

Truyền hình có một đặc thù rất riêng mà ngay cả người được đào tạo đúng chuyên ngành nhiều khi còn mất nhiều thời gian mới có thể thạo nghề. Dù vị trí công việc phù hợp với chuyên môn nhưng làm về âm nhạc với một phóng viên “tay ngang” như Thế Quang, khó khăn còn nhiều hơn gấp bội. Thế nên cứ phải  vừa làm vừa học hỏi, vừa quan sát, vừa tự động viên mình. Kinh nghiệm của các anh chị đi trước chính là “hành trang” cho cậu học tập, tự tin trên chặng đường tiếp theo của nghề báó. Thế Quang cần mẫn thu lượm những những kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ của nghề rồi cũng thêm hiểu và nhận thức rõ hơn về những yêu cầu cũng như áp lực của nghề mà mình đã lựa chọn.

Phóng viên Thế Quang (áo đỏ ngoài cùng) cùng ekip khi thực hiện chương trình văn nghệ

Phóng viên văn nghệ cũng chịu những khó khăn, vất vả của nghề. Nhất là khi làm chương trình văn hóa, văn nghệ dân gian phải đi về các vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Để làm được một chương trình phải huy động rất nhiều người, nhiều diễn viên quần chúng, và không phải lúc nào mọi người cũng nhiệt tình. Có nhiều lần, khi Thế Quang cùng ê kíp chương trình vượt hàng trăm km đường, đi bộ nhiều giờ mới đến địa điểm cần quay, đến nơi thì không thấy một ai, hỏi ra mới biết bà con đòi hỏi phải có tiền bồi dưỡng, đáp ứng nguyện vọng đó họ mới chuẩn bị để quay, cũng không ít lần đến nơi phải quay về vì không có người. Quay về ca nhạc phải quay ở ngoài trời và phải chọn ngày thời tiết đẹp, nhiều lúc để có được cảnh quay ưng ý phải lăn lộn dưới cái nắng như chảo lửa giữa trưa hè.

Thế Quang tâm sự “làm truyền hình về văn nghệ ngoài việc có hiểu biết về âm nhạc, vốn sống, vốn hiểu biết và những kiến thức tổng hợp thì cần phải có sự đam mê. Văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực của sự sáng tạo nhưng phải đem đến cho khán giả những cảm nhận nhân văn về đời sống”.

Nhớ lần Thế Quang cùng phóng viên Mai Hiền được phân công làm một phóng sự về về gương một học sinh hiếu học, đó là em Nguyễn Công Thành, trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành có mẹ bị ung thư giai đoạn cuối, chị gái bị bại não bẩm sinh, nguồn sống của cả gia đình em chỉ trông chờ vào suất lương hưu của mẹ và số tiền trợ cấp ít ỏi từ người chị bệnh tật… Vì lúc đó vào Đài chưa lâu nên Thế Quang rất lo, trong đầu luôn thường trực những câu hỏi “mình phải quay thế nào?”, “làm sao để phóng sự được khán giả đón nhận”... Hai chị em rất tâm huyết và dành nhiều thời gian cho phóng sự này, một phần vì công việc nhưng một phần cũng muốn nhân vật của mình nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng. Sau khi hoàn thành phóng sự, hai người đã mạnh dạn gửi dự thi Liên hoan Phát thanh - Truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái và may mắn nhận được giải C, đây là giải thưởng đầu tiên và cũng là động lực để Thế Quang phấn đấu với nghề.

Từ những trải nghiệm nghiệp vụ như vậy, từ một người chưa hiểu gì về nghề, nay có thể đứng tên trong những sản phẩm “đinh” của Phòng Văn nghệ, Thế Quang thấy mình đã trưởng thành rất nhiều, ngoài sự nỗ lực của bản thân, còn là môi trường làm việc và sự chỉ dạy tận tình của lãnh đạo và các anh chị đồng nghiệp. Cậu luôn tâm niệm làm báo dù chỉ là viết một mẩu tin, quay một hình ảnh nhỏ nhưng vẫn cẩn thận, trân quý vì những sản phẩm tinh thần của mình sẽ mang đến những giá trị tốt đẹp cho người xem, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Với Thế Quang, hạnh phúc khi đến với nghề là cơ hội được đi, được trải nghiệm thực tế và được đi nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người qua những chuyến công tác, được vất vả, được về với núi rừng, những vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn mới càng thấy trân quý cuộc sống của mình, học hỏi thêm nhiều kiến thức mà không phải nghề nào cũng có. Dù không phải là nghề lựa chọn ngay từ đầu, dù nghề báo là ngã rẽ nhưng Thế Quang thấy đó là lựa chọn đúng. Hơn 10 năm với nghề báo cũng đủ vui, buồn và nhiều thi vị.

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải