song
Bản Tuyên ngôn độc lập và ý chí, khát vọng về hạnh phúc của dân tộc Việt Nam
Ngày xuất bản: 02/09/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 8438

 Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2.9.1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Bản Tuyên ngôn độc lập ấy, cho đến ngày hôm nay, sau 76 năm vẫn còn nguyên những giá trị, đặc biệt là khẳng định ý chí, khát vọng hạnh phúc của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đang được phát huy trong cuộc chiến mới: Cuộc chiến chống “giặc” COVID-19.

 

Ảnh minh họa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Mưu cầu hạnh phúc là nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của mọi người dân. Đó là khát vọng về một xã hội tốt đẹp mà ở đó con người ai cũng được phát triển toàn diện; được sống cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trong hòa bình, mọi người bình đẳng với nhau, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau”.

Từ quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc trong Tuyên ngôn độc lập

Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu, phản ánh đầy đủ nhất, sâu sắc nhất quan điểm triết học, quan điểm chính trị và cả quan điểm nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó chứa đựng cả những giá trị của văn minh nhân loại, những "lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc.

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791.

Từ việc đề cập đến quyền của con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã khéo léo phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ về quyền của các dân tộc.

 "Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Chỉ hơn một tháng sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ ý này trong thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17.10.1945): "Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Sau đó, phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc (10.1.1946), Người lý giải: "Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” và "Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”.

Nói "Tự do” và "Hạnh phúc” là nói đến người dân được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do Chính phủ chăm lo và bản thân mỗi con người biết mưu cầu chính đáng. "Tự do” và "Hạnh phúc” cơ bản nhất, tối thiểu nhất theo cách nói của Hồ Chí Minh là "đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; người dân từ chỗ có ăn, có mặc, được học hành đến chỗ ăn ngon, mặc đẹp, đời sống sung túc và cống hiến...

Hạnh phúc trên con đường Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

76 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh về quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc trong bản Tuyên ngôn độc lập vang trên Quảng trường Ba Đình, Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Người (19.5.1890 - 19.5.2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Bài viết khẳng định về những giá trị về độc lập, tự do, hạnh phúc mà Đảng và Nhân dân Việt Nam đang theo đuổi. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều đổi thay dưới tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: "Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm.

Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.

Bài viết của Tổng Bí thư một lần nữa khẳng định: "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.

Bài viết cũng đặt ra vấn đề rất sâu sắc về quan hệ giữa phát triển kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội. Tổng Bí thư viết: "Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.

 

Điều đó có nghĩa là: Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Bảo vệ hạnh phúc của nhân dân trong cuộc chiến chống dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới toàn cầu. Kinh tế và đời sống của người dân Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quyết tâm "chống dịch như chống giặc” thể hiện ý chí chiến thắng dịch bệnh, bảo vệ thành quả của đất nước và trên hết là bảo vệ sức khoẻ và tính mạng người dân.

Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới có chủ đề "Vì lợi ích của nhân dân, trách nhiệm của chính đảng” diễn ra đầu tháng 7.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta tham dự và có bài phát biểu quan trọng. Bài phát biểu khẳng định nhiệm vụ cấp bách hiện nay của các quốc gia, chính đảng và tổ chức chính trị-xã hội là nhằm bảo vệ hạnh phúc của nhân dân, sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đoạn: "Mưu cầu hạnh phúc là nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của mọi người dân. Đó là khát vọng về một xã hội tốt đẹp mà ở đó con người ai cũng được phát triển toàn diện; được sống cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trong hòa bình, mọi người bình đẳng với nhau, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Bên cạnh những mong ước chung đó, người dân tại mỗi quốc gia, mỗi khu vực đều có những mối quan tâm chính đáng riêng, như chấm dứt chiến tranh, xung đột, giải quyết bất bình đẳng xã hội, nghèo đói, chống biến đổi khí hậu, phòng tránh dịch bệnh...

Nhiệm vụ cấp bách hiện nay của các quốc gia, chính đảng và tổ chức chính trị-xã hội là nhằm bảo vệ hạnh phúc của nhân dân, sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, nỗ lực và sự đồng lòng của các Chính phủ, chính đảng, tổ chức và người dân là yếu tố then chốt, nhưng hợp tác quốc tế hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó có việc bảo đảm nguồn cung, tiếp cận bình đẳng, kịp thời với vaccine phòng chống dịch bệnh”.

Về những thành quả chống dịch COVID của Việt Nam, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Trong hơn một năm qua, Việt Nam nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19, coi sức khỏe và an toàn sinh mạng của người dân là trên hết, trước hết; chủ động, tích cực phòng chống có hiệu quả dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”.

 

Những nỗ lực của Đảng, Nhà nước được thể hiện bằng các văn bản chỉ đạo, bằng các giải pháp cụ thể. Đó là những nỗ lực ngoại giao vaccine, đó là những gói cứu trợ lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng, đó là những quan tâm chăm sóc tới những người khó khăn đang chống chọi với dịch COVID… với tinh thần "không để ai tụt lại phía sau”.

"Cuộc chiến” với COVID-19 còn nhiều vất vả, gian nan, khốc liệt nhưng bằng kinh nghiệm thực tiễn luôn lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, dựa vào sức mạnh vô địch của nhân dân thì chắc chắn Việt Nam sẽ thành công.

Điều đó được khẳng định trong Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19 ngày 29.7 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta”. 

Theo Lao Động

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải