Giải báo chí Yên Bái năm 2020 đã khép lại với 44 tác phẩm xuất sắc nhất được trao giải, đó là thành quả của một năm lao động nỗ lực, miệt mài của những người làm báo Yên Bái.
Giải báo chí Yên Bái năm nay không chỉ thu hút các nhà báo trong tỉnh, các nhà báo thuộc các cơ quan báo chí thường trú tại tỉnh mà còn có sự tham gia của nhà báo từ các tỉnh bạn. Hội Nhà báo tỉnh đã nhận được 113 tác phẩm thuộc 4 loại hình báo in, báo truyền hình, báo phát thanh và ảnh báo chí được sơ tuyển từ các chi hội nhà báo trực thuộc và Thường trực Hội. Ban Giám khảo đã lựa chọn được 44 tác phẩm xuất sắc nhất để trình UBND tỉnh trao giải, gồm 04 Giải A, 08 Giải B, 12 Giải C và 20 Giải Khuyến khích.
Trong năm qua, báo chí trong tỉnh đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế xã hội, tích cực tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, những nhân tố mới, mô hình và cách làm hay; biểu dương nhiều tấm gương người tốt việc tốt. Ở đó cũng cho thấy dấu ấn lao động không ngừng nghỉ của các phóng viên, biên tập viên. Báo chí đã tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phê phán những biểu hiện suy thoái về lối sống trong xã hội. Qua đó, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh trong tỉnh.
Các tác phẩm được trao giải đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Ủy, chính quyền, phản ánh sinh động, phong phú thực tiễn đổi mới trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Yên Bái tổ chức gặp mặt kỷ niệm 95 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020)
Với 04 Giải A dành cho: tác phẩm truyền hình “Những chuyển biến mạnh mẽ từ chương trình hành động 144” của nhóm tác giả Bích Thu - Nguyễn Minh, tác phẩm báo in là loạt bài “Chính sách giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi: “cú huých” cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số” của tác giả Nguyễn Minh Thúy, tác phẩm phát thanh “Hối hận muộn màng” của nhóm tác giả Hoài Giang - Đoàn Mến và nhóm ảnh báo chí “Chủ động phòng chống dịch NCOV” của tác giả Trần Mạnh Cường là những tác phẩm có nội dung tư tưởng tốt, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và thực tiễn đời sống xã hội, có sức lan tỏa sâu rộng, đồng thời khẳng định chủ trương đúng của tỉnh, qua đó khẳng định tính tích cực trên dòng thời sự chủ lưu và vai trò dẫn dắt thông tin của báo chí Yên Bái.
Tham dự Giải còn có nhiều tác phẩm chất lượng và mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, phản ánh các vấn đề mang tính thời sự, đồng thời có tính định hướng dư luận, thu hút sự quan tâm của công chúng như: công tác cán bộ, xây dựng nông thôn mới, thu hút đầu tư, phát triển du lịch… nổi bật là các tác phẩm “Bước đột phá trong công tác cán bộ ở Yên Bái” của nhóm tác giả Thu Trang – Mạnh Cường, tác phẩm “Yên Bái: đột phá trong công tác giảm nghèo” của tác giả Kiều Loan, tác phẩm “Hồ Thác Bà cần được quan tâm bảo vệ” của nhóm tác giả Bích Thu – Tuấn Anh...
Nhiều tác phẩm không chỉ thể hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí, mà đó còn là cách nghĩ, cách làm hay, kết quả đạt được và những kinh nghiệm của các địa phương, tạo được những hiệu ứng tích cực, góp phần giúp các cấp, các ngành có thêm nguồn dữ liệu trong công tác chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ của đơn vị và của tỉnh, như tác phẩm “Đổi thay từ những con đường đặc thù” của tác giả Hồng Vân, tác phẩm “Bao giờ các dự án liên kết chuỗi giá trị mới được thực hiện” của nhóm tác giả Phạm Lương – Thùy Trang – Trần Tiến, tác phẩm “Kiềng ba chân” xây dựng nông thôn mới vững chãi” của tác giả Nguyễn Thơm, tác phẩm “Nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm nghiệp: Nền tảng để nông nghiệp phát triển” của tác giả Thanh Phúc, tác phẩm “Báo động ứng xử thiếu văn hóa trên mạng xã hội” của nhóm tác giả Đoàn Mến – Phạm Lương – Minh Hoàng – Tuấn Nghĩa; tác phẩm “Lỗ hổng” trong các cơ sở thẩm mỹ” của nhóm tác giả Thương Huyền – Kim Ngân...
TBC trao Giải báo chí tỉnh Yên Bái cho các tác giả đạt Giải C Giải báo chí tỉnh Yên Bái năm 2019
Thông qua các tác phẩm tham dự Giải, bạn đọc có thể thấy được công sức, trí tuệ, sự dấn thân, đam mê với nghề của nhiều nhà báo. Với loạt bài “Tổ quốc nhìn từ biển”, tác giả Tô Anh Hải trong suốt hải trình 20 ngày, đêm trên biển, đảo đã chia sẻ những những hình ảnh, cảm xúc về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên Quần đảo Trường Sa, loạt tác phẩm đã góp phần nhỏ bé vào công cuộc giữ gìn độc lập, chủ quyền của dân tộc. Đó là những ngày theo dõi, đưa tin về công tác phòng, chống dịch covid tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, các nhà báo phải đến các bệnh viện, nơi cách ly tập trung, nơi công cộng… để đưa những tin tức chính xác nhất đến công chúng, ủng hộ tinh thần cho các thầy thuốc, lực lượng chức năng trực tiếp tham gia chống dịch, các phóng viên, nhà báo là lực lượng quan trọng trên mặt trận thông tin và cũng đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Những hình ảnh về thầy Tuyến trong tác phẩm “Lớp học không bụi phấn” của nhóm tác giả Nguyễn Nhung – Thu Hòa – Ngọc Huy, hay hình ảnh về chị Hoàng Thị Nam người con gái Thái hồn hậu, dù đôi chân không lành lặn, dù cuộc sống còn nhiều gian khó nhưng vẫn miệt mài với hoạt động từ thiện trong tác phẩm “Lửa ấm bản Mù” của nhóm tác giả Kim Thoa – Minh Hoàng, ở đó còn có những thanh niên người dân tộc thiểu số với những khát vọng lập thân, lập nghiệp trong tác phẩm “Khởi nghiệp trên đất núi” của nhóm tác giả Thu Hạnh – Hoài Anh... đã nhân lên những giá trị tốt đẹp, định hướng dư luận, giúp cho người đọc, người nghe, người xem, phân biệt được cái đúng, cái sai, cái đẹp và cái xấu.
Nhìn vào tổng thể Giải báo chí năm nay, có thể thấy các tác giả đã khai thác được thế mạnh của từng loại hình báo chí: phát thanh được đầu tư công phu về lời bình, âm thanh, tiếng động hiện trường, đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh truyền thông số, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay; báo in khai thác sức mạnh của câu từ, ngôn ngữ và bằng sức mạnh của thông tin, tuyên truyền đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực, đúng đối tượng; truyền hình là sự nhanh nhạy, chia sẻ thông tin, ấn tượng với những hình ảnh đắt giá, chân thực góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng, truyền đi những thông điệp tốt đẹp của cuộc sống, lan tỏa sự tử tế trong cộng đồng bằng cách nêu nhiều gương tốt, những nỗ lực của các cấp chính quyền; các tác phẩm ảnh báo chí vừa có cái nhìn dưới góc độ của nhà báo, vừa có sự nhạy bén của nghệ sĩ nhiếp ảnh, vừa có lòng dũng cảm để xông pha tại điểm nóng của sự kiện, từ đó đã hướng cho người xem nhanh chóng nắm bắt nội dung, gợi mở cảm xúc và định hướng nhận thức.
Một mùa giải khép lại và mở ra một hành trình mới cho mùa giải năm sau, đây cũng là trách nhiệm của đội ngũ những người làm báo Yên Bái, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát thực tiễn đời sống xã hội, dòng thời sự chủ lưu, đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ để tạo ra những tác phẩm báo chí chất lượng, phản ánh đúng, trúng vấn đề cuộc sống đang đặt ra.
Thanh Thùy
CÁC TIN KHÁC