song
Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa, di tích lịch sử trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái
Ngày xuất bản: 06/04/2018 12:00:00 SA
Lượt đọc: 29644

 Như chúng ta đều biết, làng xã là đơn vị cơ sở của nông thôn, đã tồn tại từ bao đời nay, bền vững trong lao động sản xuất và chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Mặc dù có thời gian chúng ta bị ngoại bang thống trị hàng ngàn năm, nhưng ông cha ta vẫn giữ được văn hóa làng xã, cho nên mới còn tồn tại bản sắc văn hóa Việt Nam. Do đó, có thể nói nông thôn là nơi giữ được những truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc như tinh thần đoàn kết trong tình làng nghĩa xóm, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất với những nghề thủ công mỹ nghệ độc đáo, giữ gìn thuần phong mỹ tục...Làng còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc được kết tinh từ hàng ngàn năm đến nay. Ở nông thôn Việt Nam, làng quê nào cũng có đình, chùa, miếu mạo tôn thờ các anh hùng dân tộc và những người có công với dân với nước. Địa phương nào cũng có di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh với những lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Cho nên khi xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn mới, không thể tách rời nền tảng văn hóa lâu đời của từng địa phương. Quá trình xây dựng nông thôn mới cần phải giữ bằng được những di sản văn hóa đó, vì nó là linh hồn của làng quê, là nền tảng tinh thần của nông thôn mới.

Tuy nhiên, theo thời gian, nhà cửa mọc lên, đường sá bê tông hóa đang làm mất dần vẻ đẹp vốn có của nó. Việc khai thác văn hóa dân gian các dân tộc tràn lan, tự phát, không kiểm soát và định hướng của các nghệ nhân, các chuyên gia làm sai lệch văn hóa bản địa. Việc khai thác văn hóa dân gian, phát triển du lịch văn hóa không có sự tham gia của các chủ thể là người dân địa phương. Việc trà trộn, đan xen các yếu tố văn hóa mới, văn hóa của dân tộc khác vào cộng đồng khi làm du lịch, vấn đề thương mi hóa đã làm biến mất vẻ nguyên sơ, mất bản sắc…

Vấn đề đặt ra là làm sao xây dựng  bộ mặt nông thôn mới hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc? Do đó, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, chính là làm sao cho bộ mặt nông thôn mới hiện nay vừa mang dáng vẻ hiện đại, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Để các công trình văn hóa mới ở nông thôn không mất đi dáng vẻ của làng quê văn hóa Việt Nam, vẫn giữ được cái hồn của cốt cách nông thôn Việt Nam. Các công trình xây dựng mới, hoặc cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất của nông thôn mới, cũng đều phải dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc.

Mặt khác, nhằm động viên được sức mạnh của nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới, phải biết phát huy những thuần phong mỹ tục, những truyền thống tốt đẹp của từng làng quê, đồng thời khơi dậy các làng nghề truyền thống, thu hút được các gia đình, dòng họ, nghệ nhân tham gia và tôn vinh các sản phẩm  tinh hoa, gia truyền của từng địa phương, để các thế hệ hôm nay và mai sau biết trân trọng, giữ gìn và phát huy.

Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, Yên Bái tiếp nối giữa vùng trung du và vùng núi cao, có địa hình đa dạng, giao thông đi lại tới các trung tâm, điểm tuyến du lịch tương đối thuận tiện và quấn hút. Tính đến nay, tỉnh Yên Bái đã có 13 di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng cấp quốc gia, 31 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh cùng hàng chục các thắng cảnh đẹp hoang sơ, đậm chất núi rừng Tây Bắc. Các di tích nổi bật:  Đèo Lũng , Mù Cang Chải, di tích lịch sử và danh thắng Hồ Thác Bà, đền Đông Cuông, Căng Đồn Nghĩa Lộ, di tích mộ Nguyễn Thái Học, chiến khu Vần, địa điểm khu y Tây Bắc, di tích lịch sử Bến Âu Lâu, nơi thành lập đội du kích Khau Phạ.

Lễ hội đền Đông Cuông

Di sản văn hóa phi vật thể ở Yên Bái cũng rất phong phú, điển hình là các lễ hội của dân tộc thiểu số kéo dài trong suốt năm, ví dụ: Tục lấy nước đầu năm của người Dao Nm Lành - Văn Chấn; Lễ hội Xên Đông của người Thái, Lễ cơm mới của người Mông ở suối Giàng, lễ Tỏn cộ” của người Thái đen Tây Bắc. Bên cạnh đó, các loại hình văn nghệ như hát khắp, hát đối đáp, hát iếu, chơi đàn tính, múa xờ, múa Pâng loong, các trò chơi dân gian cũng góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái.

Là một tỉnh đa dân tộc với trên 30 dân tộc nên Yên Bái có một nền văn hóa dân gian đa sắc màu. Vùng văn hóa hồ Thác Bà - Yên Bình - Lục Yên (Gắn với văn hóa Cao Lan, Tày, Dao). Đại diện cho khu vực trung du miền núi phía Bắc. Nơi đây có hồ Thác Bà với tiềm năng to lớn để phát triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan hoang sơ, tươi đẹp. Bên cạnh đó, các bản làng người Cao Lan, người Tày, Dao với những đặc trưng văn hóa riêng biệt, còn lưu giữ được khá nguyên vẹn các giá trị văn hóa cổ truyền là một trong những tiềm năng quan trọng để khai thác du lịch.

Vùng văn hóa dọc sông Hồng từ huyện Văn Yên về Thành phố Yên Bái, đại diện cho vùng châu thổ sông Hồng gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng và văn hóa người Việt cổ, trong đó một số điểm nhấn quan trọng như văn hóa dân gian của người Xa Phó, người Tày, đền Nhược Sơn, Đông Cuông của huyện Văn Yên; hệ thống đền chùa như chùa Am, đền Bách Lẫm, Tuần Quán và khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học- thành phố Yên Bái là các lợi thế to lớn trong khai thác và phát triển du lịch.

Vùng văn hóa du lịch phía Tây với đặc trưng của văn hóa Thái, Hmông, Khơ Mú, Tày, Mường… nơi đây có cánh đồng Mường Lò rộng 2300ha, rộng thứ hai khu vực Tây Bắc, nơi cánh đồng thẳng cánh cò bay mà tạo cho ta cảm giác như đang ở vùng đồng bằng. Ở đây, hình thành nên các vùng văn hóa đậm đặc, rõ nét với đặc trưng riêng biệt của từng vùng đã làm nên sự nổi tiếng trong các điểm tuyến du lịch như văn hóa người Thái gắn với vùng Mường Lò; văn hóa người Hmông gắn liền với ruộng bậc thang Mù Cang Chải…

Các lễ hội mới như lễ hội Quế - Văn Yên, lễ hội Cam - Văn Chấn, lễ hội Bưởi - Đại Minh (Yên Bình) đang là những lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển du lịch gắn với sinh thái và văn hóa của từng vùng, góp phần quan trọng làm đa dạng các sản phẩm và loại hình du lịch cho tỉnh Yên Bái trong giai đoạn hiện nay.

Với sự đa dạng dân tộc, đa dạng văn hóa và việc gìn giữ, phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang mở ra cho tỉnh những hướng đi mới, cách làm hay trong việc phát triển du lịch gắn với khai thác văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số và đồng thời cũng mở ra cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn có hướng đi mới trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương, để tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo từng bước vươn lên làm giầu, góp phần quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Từ thực tiễn các nhà văn hóa lớn trên thế giới đã từng đúc kết: “Một dân tộc đánh mất văn hóa là đánh mất chính bản thân mình”. Qua đó có thể thấy vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc không chỉ của riêng địa phương nào, mà nó còn là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước.

Những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã tạo nên những khởi sắc, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực. Văn hóa truyền thống được khai thác triệt để theo hướng loại bỏ hạn chế, tiêu cực, phát huy mặt tốt đẹp, tích cực, phù hợp với nhu cầu văn hóa của người dân trong giai đoạn mới, chúng ta nhận thức ngày càng rõ, nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ tập trung chăm lo phát triển kinh tế, chưa biết khai thác, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, thì chưa động viên được tài nguyên văn hóa vô cùng to lớn, là nền tảng tinh thần và động lực giúp cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Còn ở những nơi cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thức đúng, biết tập hợp và phát huy trí tuệ, tình cảm, tính tự chủ, tự quản của cộng đồng làng, xã, thì ở đó các di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy.

Để tạo động lực thúc đẩy góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016- 2020 do Thủ tướng Chính phủ phát động, Chủ tịch UBND tỉnh phát động phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016- 2020. Trong đó xác định rõ xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái theo hướng phát triển bền vững và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc…

Vì vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, mỗi địa phương cần nhận thức sâu sắc rằng, di sản văn hóa, di tích lịch sử do ông cha ta để lại là tài sản vô cùng quý giá. Nếu biết khai thác, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn, giúp cho mỗi bản, làng xã có thể tập hợp được sự đoàn kết cộng đồng để bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích, phục hồi và phát triển các lễ hội truyền thống, quảng bá hình ảnh của làng quê để phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ở từng địa phương trong tỉnh.

Phan Huy Cường

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải