song
Cuộc thi viết về "Yên Bái đổi mới và phát triển" và cuộc thi ảnh "Nhịp sống vùng cao" nhiều triển vọng mới
Ngày xuất bản: 17/12/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 57752

CUỘC THI VIẾT VỀ “YÊN BÁI ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN” VÀ CUỘC THI ẢNH “NHỊP SỐNG VÙNG CAO” NHIỀU TRIỂN VỌNG MỚI

Qua một năm triển khai, cuộc thi viết “Yên Bái đổi mới và phát triển” và cuộc thi ảnh “Nhịp sống vùng cao” đã nhận được sự tham gia chủ động, tích cực của đội ngũ phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp cũng như đội ngũ cộng tác viên trên địa bàn tỉnh.

Qua vòng sơ loại, cuộc thi “Yên Bái đổi mới và phát triển” đã có 67/100 tác phẩm chất lượng lọt vào vòng sơ khảo. Con số này không chỉ thể hiện chất lượng của các bài dự thi mà còn thể hiện tâm huyết của các tác giả. Ngay từ tiêu đề của cuộc thi đã thể hiện sự toàn diện, tổng thể, phản ánh đầy đủ, chân thực và sinh động mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của các địa phương từ vùng thấp đến vùng cao trên quê hương Yên Bái. Trong cái toàn diện, tổng thể ấy đã có những điểm nhấn được cộng đồng, xã hội quan tâm như: Sự chuyển đổi trong phát triển kinh tế, đặc biệt là sự nhận thức của đồng bào vùng cao trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; việc liên kết trong phát triển kinh tế hàng hóa hay việc hỗ trợ chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới… Cuộc thi năm nay, ngoài sự tham gia của những cây bút có tên tuổi với các tác phẩm dài kỳ như: tác giả Tuấn Anh với phóng sự 3 kỳ “Sơn tra ký sự”, tác giả Quang Thiều với loạt bài 2 kỳ “30 a – cú hích huyện nghèo”… thì còn có sự tham gia tích cực của các cộng tác viên có tên tuổi như: Hải Đường, Kiều Mười, Phương Thùy… từ đó tạo ra những góc nhìn mới.

Các tác phẩm phản ánh về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng số bài dự thi. Cùng với đó, công tác giáo dục – đào tạo cũng được các tác giả tìm hiểu và đề cập. Đặc biệt những tồn tại trong đời sống xã hội đã được các tác giả quan tâm, chú ý. Quan trọng hơn chính là những vấn đề ở mặt trái đã được chuyển tải và phản ánh một cách khách quan, chính xác và mang tinh thần xây dựng. Chúng ta có thể cảm nhận điều này rõ ràng qua tác phẩm “Bao giờ điện sáng làng Ro” của tác giả Thanh Hương về vùng quê 50 năm trước nhường đất xây dựng thủy điện Thác Bà nhưng giờ đây vẫn đang ngóng điện. Bên cạnh đó, tôn vinh, biểu dương và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ từ những điều tốt đẹp, cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn khi luôn có những con người biết vượt lên số phận, biết hy sinh, biết sống vì cộng đồng qua những bài viết chứa đựng sự đồng cảm, chia sẻ của người viết với nhân vật. Qua đó, cổ súy cho những giá trị chân – thiện – mỹ và không ngừng nhân rộng trong đời sống xã hội là mảng đề tài được nhiều tác giả lựa chọn, điển hình như tác phẩm “Những thầy cô dựng lớp xây trường” của Thu Hạnh hay “Gặp “cha đẻ” giảo cổ lam Yên Bái” của Thanh Thủy

Song song với cuộc thi viết “Yên Bái đổi mới và phát triển” là cuộc thi ảnh “Nhịp sống vùng cao”. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của trên 40 tác giả trong tỉnh với các tiêu chí: tác phẩm mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội, bố cục, ánh sáng đẹp, hình ảnh trung thực, hấp dẫn người xem, tìm tòi những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, phù hợp với quan điểm chỉ đạo, tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Từ 70/123 tác phẩm của vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã lựa chọn 19 tác phẩm của 19 tác giả để trao giải. Các tác phẩm ảnh năm nay đã phản ánh sinh động mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, cảnh sắc trên quê hương Yên Bái, góp phần cổ vũ, động viên các tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhiều tác phẩm đã khai thác tốt nội dung về những vùng quê nghèo nhưng không ngừng vươn lên xây dựng cuộc sống mới, duy trì và phát huy những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc thiểu số trên địa bàn… Đơn giản nhưng bố cục chặt chẽ với ánh sáng tự nhiên, tác phẩm “Nước sạch về bản” của tác giả Tô Anh Hải đã để lại ấn tượng cho người xem bởi không chỉ nói lên những hoạt động thường ngày của người dân mà bức ảnh còn phản ánh được sự thay đổi trong điều kiện sinh hoạt của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bức ảnh “Nghề truyền thống” của tác giả Thanh Miền được thực hiện ở Khe Hùm, xã Trung Tâm, huyện Lục Yên đã toát lên vẻ đẹp, niềm vui trong lao động của những phụ nữ dân tộc Dao. Ngoài ra, còn có nhiều tác phẩm cũng đã khắc họa khá sinh động đời sống, sinh hoạt của người dân vùng cao Yên Bái như: “Vào vụ mới”, “Giữ gìn bản sắc”, “Xẻ núi cho đường thông”

Cuộc thi viết “Yên Bái đổi mới và phát triển” và cuộc thi ảnh “Nhịp sống vùng cao” năm nay đã lựa chọn và trao 38 giải,  cho các tác giả và nhóm tác giả có tác phẩm chất lượng cao. Giải nhất cuộc thi viết “Yên Bái đổi mới và phát triển” thuộc về tác phẩm “Sơn tra ký sự” của tác giả Tuấn Anh (Báo Yên Bái); cùng 3 giải nhì, 5 giải ba và 10 giải khuyến khích. Giải nhất cuộc thi ảnh “Nhịp sống vùng cao” thuộc về tác phẩm “Nước sạch về bản” của tác giả Tô Anh Hải, cùng 3 giải nhì, 5 giải ba và 10 giải khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao thưởng cho 02 tác giả có nhiều tác phẩm tham dự nhất.

Hai cuộc thi “Yên Bái đổi mới  và phát triển”“Nhịp sống vùng cao” năm 2014 - 2015 trên Báo Yên Bái đã khép lại, đánh dấu một chặng đường của những người cầm bút và người cầm máy. Những giải thưởng xứng đáng được trao tặng cho những người xứng đáng, đó chính là sự tôn vinh sự nỗ lực, nghiêm túc lao động, sáng tạo đồng thời nêu cao tinh thần trác nhiệm, góp sức bảo vệ và xây dựng Yên Bái ngày một phát triển.

                                                                                                 Kim Hoài

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải