Hiện tại, vấn đề khiếu nại, tố cáo và giải quyết liên quan đến đất đai là vấn đề nóng, diễn ra ở khắp các địa phương trong tỉnh. Khi nhận được thông tin, nhà báo cần sớm ước đoán xem vấn đề đó có giải quyết được không? nếu theo đuổi cần nắm chắc Luật Đất đai, các văn bản của địa phương trong từng thời kỳ, và quan trọng hơn là phải theo đuổi sự kiện tới cùng, không "đánh trống bỏ dùi" gây phiền toái cho bản thân người làm báo cũng như công dân thưa kiện.
Mấy năm về trước, Thành phố Yên Bái rất áp lực trong thu ngân sách, xảy ra tình trạng vừa giải phóng mặt bằng, vừa đấu giá đất thu tiền, nói ngắn là "bán lúa non" trong thu ngân sách. Tại phường Yên Ninh, sau khi thu hồi quĩ đất thuộc Công ty Khoáng sản Yên Bái tại tổ 10 phường Yên Ninh; UBND Thành phố đã phân lô, bán đấu giá thu tiền đối với các cá nhân có nhu cầu, đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho họ. Lạ lùng thay, sau ba năm cầm GCNQSDĐ có diện tích 176 m2, đấu giá 135 triệu đồng nộp ngân sách mà ông Nguyễn Hữu Ngọc vẫn không được giao mặt bằng để làm nhà. Chạy ngược xuôi, kêu cứu khắp nơi nhưng không cấp nào giải quyết, ông Ngọc gửi đơn kiến nghị về tòa soạn báo Nhân dân. Qua xem xét các chứng cứ, làm việc với các cấp chính quyền địa phương, giữa năm 2011 với bài báo "Yên Bái: Ba năm cầm sổ đỏ vẫn không có đất ở" đăng trên trang 8 báo Nhân dân, đã gây áp lực với UBND Thành phố bởi vấn đề này là có thật.
Tuy nhiên, vụ việc có khả năng "chìm xuồng" bởi lãnh đạo Thành phố đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không giải quyết việc cấp trả đất cho ông Ngọc. Với trách nhiệm của nhà báo, vụ việc trên tiếp tục đưa ra hội nghị giao ban báo chí tỉnh, đồng thời được đề cập trực tiếp với đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Lâm Thắng. Thời gian cứ trôi, những lời hứa vẫn thoảng qua như cơn gió xuân, vụ việc không có gì biến chuyển. Không để quyền lợi người dân yếu thế xã hội bị xâm hại một cách bất công, bởi đã bỏ ra tiền thật, có sổ đỏ nhưng không có đất ở, vậy nên một phần sự thật được nhà báo chuyển đến cơ quan công an và thanh tra tỉnh. Với chứng cứ rõ ràng, nhiều sự khuất tất trong việc "bán lúa non- tay không bắt giặc" trên được cơ quan chức năng làm sáng tỏ, nếu mở rộng thêm có cán bộ nhận án kỷ luật. Phải đến tháng 8- 2013, UBND Thành phố đã bố trí quĩ đất mới diện tích 140m2 tại tổ 39 phường Nguyễn Thái Học, tương ứng với số tiền mà ông Ngọc nộp ngân sách cách đó hơn 5 năm. Hiện tại, ông Ngọc đã xây được nhà ở mới, không còn cảnh ở nhà thuê tạm trong hơn 5 năm đi tìm công lý nữa, mà có đóng góp một phần không nhỏ của báo chí cách mạng.
Việc Công ty TNHH MIWON đưa phân bón hữu cơ dạng lỏng vào địa bàn Yên Bái năm 2013, thực chất là chất thải của dây chuyền sản xuất mì chính nếu xử lý ô nhiễm môi trường triệt để công ty sẽ tốn bạc tỷ, nên đơn vị này pha trộn thêm ni- tơ và một số chất khác vào để "tặng" không cho nông dân bón mía, chè, lúa. Qua phát hiện sự kiện có tính chất nguy hại đến nông dân, phóng viên trực tiếp làm việc với Quản lý thị trường là đơn vị trực tiếp quản lý chất lượng hàng hóa để đưa thông tin ban đầu. Tiếp theo phối hợp cùng đồng nghiệp tại tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và tòa soạn viết về đề tài này trên báo Nhân dân. Bị mất quyền lợi, phía công ty và các đại lý bán phân bón lỏng có các động thái tiêu cực với nhà báo, thậm chí vu khống nhằm hạ uy tín. Để làm rõ sự thật, chúng tôi liên hệ và làm việc trực tiếp với lãnh đạo công ty MIWON tại Phú Thọ; được tận mắt thấy dây truyền xử lý chất thải và cả các xe tải của Yên Bái đưa bột ẩm (tinh bột sắn dạng ướt) từ các lò chế biến thủ công nhập về nhà máy. Do vậy, phía cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Yên Bái yêu cầu công ty chỉ được phép đưa loại phân bón dạng lỏng này vào địa bàn, sau khi thử nghiệm không gây ô nhiễm môi trường. Bắm nắm sự kiện trên, người làm báo tiếp tục điều tra các địa điểm nhập phân bón dạng lỏng trên vào địa bàn như: Tân Thịnh (Văn Chấn), Phúc An (Yên Bình), một số xã của huyện Lục Yên... đến tháng 12- 2014, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đã xử phạt công ty MIWON số tiền 515 triệu đồng về hành vi xả thải chất lỏng ra môi trường.
Việc phát hiện, đeo bám sự kiện cần nhanh nhạy và độ "lỳ" nhất định, nếu không kiên nhẫn theo đuổi dể bị bóng thời gian che lấp. Đồng thời, nhà báo phải trong sáng, không vụ lợi và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ đảng viên cũng như người làm báo: "Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh".
Thanh Sơn
CÁC TIN KHÁC