song
Các cơ quan báo chí trung ương tại địa phương: Hiệu quả từ công tác phối hợp thông tin
Ngày xuất bản: 20/06/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 39530

 Trong một xã hội hiện đại với sự bùng nổ thông tin như ngày nay thì công chúng ngày càng có những nhu cầu cao hơn đối với nội dung cũng như chất lượng thông tin.

Lãnh đạo cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Yên Bái chỉ đạo phóng viên tác nghiệp. (Ảnh: Lê Phiên)

Điều đó, đòi hỏi mỗi phóng viên phải luôn luôn trau dồi kinh nghiệm, thường xuyên học hỏi, nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, chính trị, đạo đức người làm báo... để chủ động trong việc khai thác và xử lý thông tin, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, một yêu cầu quan trọng được đặt ra cho mỗi phóng viên đó là phải cung cấp thông tin về đơn vị chủ quản một cách nhanh, nhạy bén, chính xác, trong đó phóng viên thường trú lại càng quan trọng hơn.

Trên thực tế, một nhà báo nếu luôn chỉ tác nghiệp đơn độc sẽ không thể tự mình nắm bắt, khai thác được hầu hết các thông tin trên địa bàn mình hoạt động. Yêu cầu đặt ra ở đây là, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phóng viên với nhau, chia sẻ thông tin cho nhau thì họ mới hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin mà cơ quan giao cho. Điều đáng mừng là phóng viên các cơ quan báo chí trung ương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có sự phối hợp tốt với nhau và phối hợp tốt với các phóng viên của cơ quan báo chí địa phương để hoàn thành tốt nhiệm vụ của phóng viên thường trú đóng trên địa bàn Yên Bái.

Nhà báo Nguyễn Đình Sinh (Thái Sinh), đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam tại Yên Bái khẳng định: “Nhanh nhạy, chính xác là yêu cầu bắt buộc với phóng viên bởi trong lĩnh vực cạnh tranh thông tin của các tờ báo diễn ra rất khốc liệt, báo nào thường xuyên phát hiện, đăng tải thông tin trước, báo đó sẽ nâng cao được vị thế, uy tín của mình và ngược lại”.

Riêng phóng viên thường trú tại tỉnh miền núi Yên Bái, với đặc thù địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, phân tán... nên một phóng viên tự mình thu thập thông tin sẽ rất khó khăn, vì thế các phóng viên thường trú thường phối hợp với nhau để cùng tác nghiệp, chia sẻ thông tin cho nhau để đảm bảo được mục tiêu đưa tin nhanh nhạy, chính xác có chiều sâu.

Điển hình như đợt băng giá xuất hiện vào dịp tết Nguyên đán vừa qua, một phóng viên không thể cùng lúc có mặt tại tất cả các điểm có tuyết rơi, nhưng các phóng viên thường trú đã tự phối hợp, phân chia nhau người này đến xã Suối Giàng huyện Văn Chấn, người kia đến huyện Trạm Tấu, người khác lại đến các điểm ở huyện Mù Cang Chải... để thu thập thông tin, chụp ảnh, ghi hình.

Các thông tin thu thập được sẽ cùng chia sẻ cho nhau nên trong mỗi tác phẩm của phóng viên thường trú đều phản ánh được khá đầy đủ và có chiều sâu về sự kiện tuyết rơi bất thường ở Yên Bái. Không những thế, nhiều phóng viên còn đưa được cả ba loại hình thông tin là tin văn bản, tin hình và tin ảnh.

Vấn đề đặt ra ở đây là, trước sự cạnh tranh gay gắt về thông tin liệu các phóng viên thường trú có "e dè" trong việc chia sẻ thông tin hay không? Hầu hết, các phóng viên đều cho rằng, hoàn toàn không có sự e dè khi chia sẻ thông tin ở đây bởi khi sự kiện diễn ra, tất cả các tờ báo cùng đưa tin nhanh với một nội dung, chủ đề như nhau, nhưng cách thể hiện nội dung tin của mỗi phóng viên một khác nhau nên việc "đụng hàng" này chấp nhận được.

Mặt khác, việc phối hợp, chia sẻ thông tin cùng một chủ đề cho nhau nhưng mỗi phóng viên có cách tiếp cận thông tin khác nhau nên sẽ có những tác phẩm báo chí khác nhau. Chẳng hạn, trong một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm, hầu hết các phóng viên đều tập trung phản ánh những khó khăn, thiệt hại của người chăn nuôi; công tác phòng, chống dịch; chính sách hỗ trợ của Nhà nước... nhưng cũng có nhà báo lại phản ánh tình trạng xuất khẩu ớt ở địa phương nọ bị sụt giảm sau đợt cúm gia cầm. Bởi, sau cúm gia cầm, nguồn cung cấp phân gà để trồng ớt giảm làm cho chất lượng, sản lượng ớt đều giảm (chất lượng ớt phụ thuộc rất nhiều vào nguồn phân gà bón cho cây), vì vậy, xuất khẩu ớt giảm.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 cơ quan báo chí trung ương có phóng viên đang hoạt động là: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Báo Tài nguyên và Môi trường. Các phóng viên thường trú này thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhau nên ít xảy ra tình trạng bỏ sót, lọt tin trên địa bàn. Riêng đối với phóng viên Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam, các phóng viên thường trú Báo Nhân Dân, Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng sinh hoạt trong Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam thuộc Hội Nhà báo Yên Bái thì việc phối hợp đó lại chặt chẽ hơn nhiều, hiệu quả hơn.

Ông Hà Ngọc Văn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết: “Hàng năm, trên các tờ báo lớn của trung ương có hàng ngàn tin, bài phản ánh về Yên Bái. Trong đó, có nhiều tin, bài tốt có giá trị tuyên truyền cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nhiều tin, bài có tính chất phát hiện, có cách thể hiện mới”...

Hoạt động của các phóng viên thường trú đã góp phần cho hoạt động báo chí ở Yên Bái sôi động hơn, tạo không khí thi đua giữa các báo, trong đó có báo chí địa phương để có những sản phẩm báo chí tốt, nhanh nhạy, kịp thời. Bên cạnh đó, các nhà báo của báo chí trung ương thường trú tại Yên Bái, cùng với báo chí trong tỉnh đã tăng cường bám sát cơ sở, phản ánh kịp thời các sự kiện, tích cực tham gia phản ánh, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện tiêu cực, góp phần thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đời sống xã hội.

Đinh Đức Tưởng - Trưởng Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải