Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành trong cả nước. Trước diễn biến phức tạp của bệnh, các địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách để khống chế.
|
Người chăn nuôi cần quan tâm thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi để chủ động tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan. |
Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Đặng Bình Nguyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái về việc chú trọng công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh nhằm chủ động phòng chống bệnh DTLCP.
P.V: Thưa đồng chí! Đề nghị đồng chí cho biết tầm quan trọng của công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi, đặc biệt khi bệnh DTLCP đã xuất hiện ở nước ta và hiện chưa có thuốc đặc trị, vắc - xin đối với bệnh này.
Đồng chí Đặng Bình Nguyên: Việc thực hiện công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi là để chủ động tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, ngăn ngừa bệnh lây cho người, bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi.
Đặc biệt, khi bệnh DTLCP đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành của nước ta trong thời gian vừa qua và hiện nay chưa có thuốc đặc trị, vắc xin phòng chống đối với căn bệnh này thì các hộ chăn nuôi cần quan tâm thực hiện thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi.
P.V: Đối với tỉnh Yên Bái, có những khó khăn gì khi thực hiện công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi, thưa đồng chí?
Đồng chí Đặng Bình Nguyên: Tính đến thời điểm ngày 01/10/2018, theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, đàn lợn trên địa bàn toàn tỉnh có 521.935 con, trong đó, có 14 cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, còn lại đa số là chăn nuôi nhỏ lẻ.
Thực trạng chăn nuôi nhỏ lẻ như vậy thì khi thực hiện công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng theo kế hoạch của tỉnh phê duyệt, việc thành lập các tổ, đội đến các hộ chăn nuôi phun thuốc mất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn.
Trong đó có nguyên nhân về mặt địa lý, các hộ sinh sống phân tán và mặt khác do hiện tại hệ thống thú y cơ sở xã, phường, thị trấn không còn nên việc triển khai thực hiện ở cơ sở là rất khó khăn.
Từ trước đến nay, hàng năm tỉnh Yên Bái tổ chức từ 2 đợt đến 3 đợt vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng mang tính chất phát động, tuyên truyền. Do vậy, để đạt hiệu quả cao trong thực hiện công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh, chăn nuôi an toàn thì người chăn nuôi cần chủ động vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng thường xuyên.
P.V: Đề nghị đồng chí cho biết, người chăn nuôi cần tiến hành vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại như thế nào khi chưa có bệnh DTLCP và khi có bệnh DTLCP?
Đồng chí Đặng Bình Nguyên: Khi chưa có bệnh DTLCP, các hộ chăn nuôi cần phải thực hiện vệ sinh môi trường thường xuyên, có thể tiêu độc khử trùng 1 tuần/lần nhằm tiêu diệt mầm bệnh.
Khi đã có bệnh DTLCP, người chăn nuôi cần tổ chức thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo trong vùng bị dịch uy hiếp; tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/tuần trong vòng 01 tháng trong vùng giám sát.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm
CÁC TIN KHÁC