song
Càng viết càng hay
Ngày xuất bản: 15/03/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 61345

 Hầu như toàn bộ các nhà báo giỏi đều là người ham đi, ham viết. Có người ngày nào cũng viết, không nhiều thì ít, không ngừng, không nghỉ. Năm 1984, vào hôm vợ con về thăm quê, còn lại một mình, nhà báo có bút danh Hà Nhân Phương, phóng viên Báo Gia Lai - Kon Tum, viết cuốn sách: “Bình minh Cheo Reo” dài hơn 200 trang bằng bút mực liền một mạch trong vòng 24 giờ liền. Khi đặt bút viết, nhìn đồng hồ là 15 giờ thì lúc viết hết trang cuối cũng là 15 giờ ngày hôm sau. Ông tự tay sắp xếp theo thứ tự số trang tập hợp lại thành quyển rồi đưa người đánh máy giúp. Sau này, khi cuốn sách được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, đem đối chiếu với bản thảo, hầu như giữ nguyên, hoàn thiện, rõ ràng, đúng ngữ pháp từng câu, từng từ. Ông ghét nhất tính cẩu thả, đã viết thì phải viết hay,  gọn gàng, đầy đủ thông tin, chính xác, kịp thời, đúng thể loại. Thâm nhập thực tế ở cơ sở, dù xa hay gần, cứ về đến cơ quan là nộp sản phẩm. Ông có thói quen vừa quan sát, phỏng vấn vừa viết luôn, nhiều khi phỏng vấn xong đã đưa luôn sản phẩm tin, bài cho đối tượng phỏng vấn đọc để tham gia ý kiến. Do viết nhanh, ông được cơ quan cử làm phóng viên cơ động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng biên tập, chuyên “chữa cháy”, thiếu đâu bù đấy. Trong khoảng thời gian sau 15 năm bước chân vào nghề báo, ông viết và được sử dụng hàng ngàn tác phẩm trên các báo và xuất bản 9 cuốn sách, trong đó có 7 cuốn văn xuôi, 2 cuốn văn vần. Những năm sau đó, trong cương vị người đứng đầu cơ quan báo chí, ông dành phần lớn thời gian cho công tác biên tập, quản lý nhưng vẫn viết đều, viết khỏe. Bằng nhiều bút danh, tác phẩm báo chí của ông thường xuyên xuất hiện trên các cơ quan báo chí từ địa phương đến Trung ương.


Phóng viên tác nghiệp (Ảnh: Nguồn internet)

Ông thường nói với bạn đồng nghiệp, trong đó phần lớn là những người mới vào nghề, muốn trở thành nhà báo giỏi, phải chăm chỉ học và ham viết, càng viết nhiều càng có tác phẩm hay. Học ở trường lĩnh tấm bằng là cần thiết nhưng chưa đủ. Phải học từ sách báo và từ cuộc sống. Sách báo là bộ óc khổng lồ của nhân loại từ cổ chí kim. Cuộc sống là người thầy gần gũi, cần thiết nhất trong cuộc sống hằng ngày. Sống phải có trách nhiệm trước Đảng, Đất nước, Nhân dân, với chế độ chính trị, với gia đình và với chính bản thân mình. Người làm báo Đảng là người ăn lương của nhân dân, làm việc của Tổ chức, nghĩa là của cơ quan Báo Đảng, phải thật sự trong sáng, mẫn cán, trung thực, mang đầy đủ phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, ngòi bút là vũ khí sắc bén trên mặt trận chính trị tư tưởng, kiên quyết không được viết sai dẫu chỉ là một lần. Quyển sổ ghi chép của ông luôn chứa đầy thông tin về các sự kiện, tất cả đều như các bản tin, bài báo đã hoàn chỉnh. Xen lẫn các trang tư liệu, tài liệu, có các đoạn giống như nhật ký trình bày cảm xúc, suy nghĩ của bản thân về những gì đã gặp, đã chứng kiến trong cuộc sống hằng ngày. Nhà báo tuyệt đối không phải là người thầy mà chỉ là người bạn, người học trò của nhân dân. Phải phát hiện, cổ vũ, lan truyền thông tin về những việc làm được; phải chia sẻ, tìm cách tháo gỡ những khó khăn của nhân dân. Vì vậy, phải phát hiện cho được những suy nghĩ tốt, việc làm tốt của người dân và của cả cộng đồng xã hội. Mỗi người đều có cái tôi cá thể, tức cái riêng trong cuộc sống, phải nắm rõ cái đó mới viết, không trùng lặp giữa người này với người khác, tập thể này với tập thể khác. Phải coi tác phẩm báo chí thật sự là “đứa con tinh thần” của người làm báo. Sở trường của ông là viết gương người tốt việc tốt, trong đó chủ yếu về những người lao động bình thường đủ lứa tuổi trong các vùng nông thôn, các công ty, xí nghiệp, các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, cơ sở cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nhiều người có cuộc sống ly kỳ, phong phú với thân phận, bổn phận, số phận rõ ràng, được ông chọn làm nhân vật cho các bài ký chân dung vừa mang đầy đủ thông tin báo chí vừa chứa đầy nội dung của một tác phẩm văn học, khiến cho bạn đọc mê say đón nhận. Tôi nhớ vào năm 2002, cùng ngồi trên nhà hàng nổi trên Hồ Tây, Hà Nội, trong đó có Nhà văn Trung Trung Đỉnh và Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nghe ông kể lại những gì diễn ra ở Tây Nguyên, tôi nghe Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận xét về ông, đại ý là ông kể chuyện thực tế y như…sách, hay đến nao lòng.

Có người hỏi, Hà Nhân Phương bây giờ ở đâu? Tôi chỉ có thể trả lời, ông đang sống trong tôi, một người đã trải qua 44 năm làm báo với biết bao trải nghiệm. Mới ngày nào trẻ trung, sôi nổi mang đầy ước mơ, mà hôm nay đã ngoài sáu mươi, từ Hà Nội, trở lại định cư ở Tây Nguyên vui cùng con cháu và bạn đồng nghiệp xưa. Về hưu nhưng tôi vẫn viết. Viết với tất cả tấm lòng và tình yêu của mình. Tôi không còn đủ sức khỏe để trèo núi, lội sông như thời trai trẻ, nhưng còn sức vẫn còn viết, và tôi thấy rằng, càng viết càng hay. Mới đây, tôi vừa  được tặng cùng một lúc hai cuốn sách vừa được xuất bản của hai nhà báo lão thành: Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, với tựa đề: “Ký giả” dày 438 trang, và Nguyễn Uyển, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Công tác Hội - Hội Nhà báo Việt Nam, với tựa đề “Giữa đất trời Âu” dày 220 trang, rất sinh động và hấp dẫn. Cuốn “Ký giả” của Phạm Quốc Toàn tái hiện chân dung hơn 50 nhà báo mà ông trân trọng có những phẩm chất và tài năng báo chí rất đáng học tập. Ở họ, điểm sáng, nét đẹp toát lên là tình yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, lòng yêu nghề, đức hy sinh, sự dấn thân về nghề, cho nghề… Gấp cuốn sách lại, điều bất ngờ nhất, lại thấy rõ chân dung của chính tác giả Phạm Quốc Toàn. Ông là người đam mê theo đuổi nghề báo gần trọn cuộc đời. Càng viết càng hay.

Lê Văn Thiềng

 

 

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải