Ngày 30/11/2016, Tổng Biên tập Báo Yên Bái, đồng chí Nguyễn Minh Tuấn ký Quyết định số 115 về việc thành lập Tổ phóng viên Cơ động của Báo Yên Bái gồm các nhà báo: Lê Phiên, Anh Hải và Mạnh Cường.
Tổ phóng viên Cơ động có nhiệm vụ ứng trực 24/24 giờ; nhanh chóng, kịp thời nắm bắt, phát hiện những thông tin thời sự, những vấn đề "nóng” xảy ra trên địa bàn tỉnh để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và nhanh chóng đến bạn đọc; thực hiện các tác phẩm tin, bài, ảnh, video về những vấn đề thời sự vừa diễn ra theo chỉ đạo của Tổng Biên tập.
Có thể nói, việc thành lập Tổ phóng viên Cơ động của cơ quan Báo Yên Bái là việc làm rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh chóng, kịp thời, phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu của bạn đọc trong một xã hội bùng nổ thông tin trong giai đoạn hiện nay.
Nhà báo Tô Anh Hải
Đây cũng là vấn đề mà lãnh đạo Báo Yên Bái và thành viên của Tổ phóng viên Cơ động nung nấu sau một thời gian dài, bởi các báo lớn đã thiết lập "đường dây nóng” để tiếp nhận thông tin, nhiều tờ báo đã thành lập câu lạc bộ phóng viên "tia chớp” hay tổ phóng viên điều tra... mang lại hiệu quả tích cực trong hoạt động nghiệp vụ, sáng tạo tác phẩm, thu hút bạn đọc, góp phần nâng cao chất lượng và uy tín của tờ báo.
Nhớ lại buổi công bố Quyết định, đồng chí Tổng Biên tập phát biểu: "Đảng ủy, Ban Biên tập và cá nhân tôi rất kỳ vọng vào sự thành công của Tổ phóng viên Cơ động; việc lựa chọn các thành viên trong Tổ cũng đã được xem xét kỹ lưỡng, đó là những phóng viên "sắc nhọn” đã chứng minh được khả năng nắm bắt thông tin, phát hiện và xử lý vấn đề cùng những phẩm chất phù hợp với đặc thù công việc”.
Chúng tôi - 3 thành viên của Tổ phóng viên Cơ động hiểu rằng khi tổ chức và cấp trên đã đặt niềm tin vào mình, giao nhiệm vụ cho mình thì không còn mục tiêu nào khác ngoài việc cố gắng phấn đấu hết mình để làm tròn nhiệm vụ. Thêm công việc là thêm trách nhiệm, thêm khó khăn thử thách, nhưng cũng thêm niềm vui, đặc biệt là có cơ hội được thể hiện mình khi thực hiện những cuộc "săn tin” lúc nửa đêm, gà gáy; những chuyến công tác dài ngày xa nhà thiếu thốn và cả những lần mò mẫm bờ bụi để có được một khuôn hình ưng ý, những bằng chứng thuyết phục cho những bài điều tra, phóng sự của mình.
Những buổi thảo luận sôi nổi đã diễn ra để bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ như: phát huy các mối quan hệ với các ngành, địa phương, cơ quan đơn vị để xây dựng và mở rộng mạng lưới thông tín viên ở cơ sở, trong đó coi trọng đội ngũ cán bộ làm việc trong lực lượng công an (Cảnh sát phản ứng nhanh 113, Cơ động, Cứu hỏa, Hình sự, Truy nã...); đội ngũ cán bộ y tế, làm công việc thường trực cấp cứu và nhân dân nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi dễ bị thiên tai lũ bão nhưng hẻo lánh, phóng viên ít có điều kiện tiếp cận hoặc đôi khi chỉ là một công nhân gác chắn đường ngang, một bác lái đò ngang sông Hồng, một anh bảo vệ bến xe, bến tàu, hay trông xe ngoài cổng chợ... Nói chung là những người dễ nắm bắt và thu thập thông tin, chỉ với một lời dặn: "Hễ có thông tin gì nóng, hãy gọi ngay cho tôi và sử dụng điện thoại chụp ảnh, quay video nếu có thể”.
Tổ phóng viên Cơ động cũng phân công các thành viên theo dõi chặt chẽ khối, ngành, địa phương nhằm tạo nên ý thức trách nhiệm trong việc nắm bắt thông tin. Mỗi khi xảy ra sự kiện, căn cứ vào mức độ, quy mô sẽ phân công trách nhiệm anh em lên đường hoặc tổ chức làm việc theo nhóm nhằm phát huy sức mạnh của tập thể để hoàn thành nhiệm vụ.
Với quy chế làm việc hết sức rõ ràng, luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng biên tập, đặc biệt là với sự nỗ lực phấn đấu của các thành viên, sau gần 1 năm ra đời và đi vào hoạt động, Tổ phóng viên Cơ động của Báo Yên Bái đã khẳng định hiệu quả hoạt động.
Hàng trăm sự kiện diễn ra ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh đã được phát hiện và đưa tin kịp thời, trong đó có những thông tin rất nóng như: Hơn 100 cảnh sát vây bắt tên tội phạm truy nã đặc biệt nguy hiểm ở phường Nguyễn Thái Học; thông tin vụ cháy Khách sạn Thể thao. Đặc biệt là những trận lũ lịch sử ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ và Văn Chấn, phóng viên Tổ Cơ động là người nắm thông tin sớm nhất, đưa tin đầu tiên. Không ai khác, những phóng viên Cơ động bất chấp nguy hiểm vào tận tâm lũ, phản ảnh mức độ tàn khốc của thiên tai, công tác cứu nạn, cứu hộ, sự quan tâm thăm hỏi, động viên của các đồng chí lãnh đạo và cả những bài viết về "tình người trong lũ”…
Đó còn là những bài phóng sự điều tra như: "Hiện tượng nhiều người đàn ông ở Ngọc Chấn tử vong: "Ma tà hay ma men?”, "Không để vụ việc ở Hưng Khánh đi quá xa” mà phóng viên Cơ động đã dày công tìm hiểu, phân tích, đánh giá và thể hiện trong tác phẩm của mình được các cấp chính quyền, người dân sở tại và bạn đọc đánh giá cao.
Còn rất nhiều tin, bài, ảnh và những thước phim tư liệu mà những người làm báo dày dạn kinh nghiệm của Tổ phóng viên Cơ động rất non trẻ đã làm được trong thời gian vừa qua. Anh em làm việc trong Tổ phóng viên Cơ động luôn thấy niềm vui trong công việc của mình và mong muốn đóng góp hơn nữa vào bề dày thành tích của tờ Báo Yên Bái 55 năm xây dựng và trưởng thành.
Lê Phiên
Nguồn: Báo Yên Bái
CÁC TIN KHÁC